Tiếp nhận cá thể khỉ từ người dân
Mỗi lần tiếp nhận, cứu hộ hay thả ĐVHD về với môi trường sinh tồn của chúng, anh Trần Xuân Hai, Phó Giám đốc Ban Quản lý Khu Bảo tồn Thiên nhiên Phong Điền đều có cảm xúc khó tả. Nhiều cá thể khỉ, mèo… khi được thả về rừng còn ngoái đầu nhìn như muốn nói lời cảm ơn những người đã cưu mang, cứu hộ, chăm sóc chúng. Có lần thả một cá thể khỉ quý hiếm về rừng, nó có vẻ không muốn rời đi, cứ quyến luyến, vờn quanh mọi người cả mấy tiếng đồng hồ. Nó chỉ dần lẩn khuất vào rừng sâu khi mọi người phải “nhẫn tâm” xua đuổi.
Trong quá trình bảo tồn ĐVHD của mình, anh Hai còn bắt gặp nhiều câu chuyện xúc động như khỉ mẹ khóc than, kêu cứu khi con mình dính bẫy; khỉ con rơi xuống dòng suối chảy xiết, khỉ mẹ không ngần ngại nhảy theo cứu con lên bờ an toàn. Hay mèo mẹ vào hang sâu bị ngập nước để cứu mèo con, chim bố mẹ kêu thảm thiết khi mất con… Những hình ảnh, hay câu chuyện xúc động này được anh Hai kể lại với người dân trong quá trình tuyên truyền, nâng cao nhận thức bảo tồn ĐVHD.
Điều anh Hai mừng là ý thức bảo tồn, bảo vệ ĐVHD của người dân đang ngày càng nâng cao khi hầu hết các cá thể động vật được thả về với rừng đều từ tin báo và tự nguyện giao nộp của người dân. Hầu hết các cá thể động vật được người dân giao nộp đều có sự chăm sóc chu đáo, sức khỏe tốt. Trong niềm vui của anh Hai vẫn pha lẫn niềm băn khoăn, trăn trở khi những cá thể động vật rừng vẫn tồn tại trong khu dân cư. Điều này cho thấy, tình hình săn bẫy ĐVHD vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ phức tạp, khó lường. Hệ sinh thái rừng bị chia cắt, phân mảnh bởi hệ thống đường giao thông, các nhà máy thủy điện, tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu gây ra sạt lở, lũ lụt làm thu hẹp sinh cảnh sống của một số loài.
Anh Trần Xuân Hai thông tin, tại Khu Bảo tồn Thiên nhiên Phong Điền được ghi nhận như một khu vực đa dạng sinh học trọng điểm toàn cầu bởi tầm quan trọng về đa dạng các loài chim và động vật có vú, là hành lang bảo tồn ưu tiên. Đây còn là khu vực sinh sống các loài chim đặc hữu của vùng đất thấp. Vì vậy, các hoạt động bảo tồn các loài ĐVHD tại đây đang được chú trọng. Điển hình, đơn vị đã đưa hoạt động đặt máy bẫy ảnh khảo sát tính phong phú, đa dạng các loài trong khu bảo tồn vào hoạt động thường niên với 3 đợt đặt máy bẫy ảnh/năm.
Các hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học, ĐVHD đang được các cấp, ban ngành, các tổ chức, dự án trong và ngoài nước quan tâm. Mới đây, từ ngày 4-13/1, Hợp phần bảo tồn đa dạng sinh học (dự án VFBC) được USAID tài trợ và do WWF thực hiện đã hỗ trợ Chi cục Kiểm lâm tỉnh triển khai chuỗi sự kiện cộng đồng với chủ đề “Nguy cơ vi phạm phát luật từ hoạt động săn bắt, mua bán và tiêu thụ ĐVHD” tại các thôn vùng đệm của Khu Bảo tồn Sao La, Rừng Phòng hộ Bắc Hải Vân và Vườn Quốc gia Bạch Mã.
Các sự kiện nhằm nâng cao nhận thức và hiểu biết cho cộng đồng về nguy cơ vi phạm pháp luật từ các hoạt động săn bắt, mua bán và tiêu thụ ĐVHD, kết hợp kêu gọi sự tham gia của mọi người cùng chung tay bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên. Sau sự kiện, cộng đồng tham gia có thể nhận diện được các loài ĐVHD đang được bảo vệ theo các quy định pháp luật, những hành vi có nguy cơ vi phạm pháp luật về bảo vệ ĐVHD; hay các biện pháp xử phạt và sẵn sàng báo cáo với cơ quan chức năng địa phương khi phát hiện các hành vi vi phạm.
Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, ông Lê Ngọc Tuấn thông tin, năm qua, các hạt kiểm lâm phối hợp với chính quyền địa phương sở tại tổ chức 36 đợt ra quân xử lý tình trạng bẫy bắt chim trời, tịch thu, tiêu hủy nhiều bẫy các loại và cứu hộ, tái thả 615 cá thể chim còn sống về môi trường tự nhiên. Các đơn vị, hạt kiểm lâm tiếp nhận và cứu hộ thành công 89 cá thể ĐVHD thông qua đường dây nóng, đáng chú ý có đến 58 đợt người dân chủ động giao nộp 88 cá thể, trong đó có đến 82 cá thể thuộc nhóm nguy cấp, quý hiếm. Đây là tín hiệu đáng mừng trong công tác truyền thông của lực lượng kiểm lâm, cũng như ý thức của người dân trên địa bàn tỉnh về bảo vệ ĐVHD ngày được nâng cao.
Việt Nam (trong đó có tỉnh Thừa Thiên Huế) được xếp là một trong những quốc gia đa dạng sinh học cao trên thế giới với hơn 49.200 loài động vật, trong đó có 10.500 loài thú trên cạn. Tuy nhiên, hoạt động săn bắt, kinh doanh và tiêu thụ ÐVHD bất hợp pháp đã và đang trở thành vấn nạn nghiêm trọng, gây ra mối đe dọa lớn đối với đa dạng sinh học. Nhiều loài ÐVHD đứng trước nguy cơ tuyệt chủng hoặc bên bờ của sự tuyệt chủng. Đặc biệt, hoạt động săn bắt, kinh doanh và tiêu thụ ĐVHD đã trở thành mắt xích kết nối với đa dạng các mối đe dọa an ninh khác trên toàn cầu. Chúng không những gây ra sự tàn phá môi trường sinh thái, sự biến mất của một số lượng rất lớn động vật trong thời gian ngắn, dẫn tới sự sụp đổ của toàn bộ hệ sinh thái trong khu vực.
Bài, ảnh: HOÀNG TRIỀU