Giải ngân vốn vay cho cơ sở giáo dục ngoài công lập
Là một trong những chương trình vay vốn ưu đãi nằm trong các chương trình cho vay phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ, những món vay đầu tiên của chương trình cho vay đối với các CSGD mầm non, tiểu học ngoài công lập phải ngừng hoạt động do COVID-19 đã được Ngân hàng Chính sách xã hội (VBSP) tỉnh giải ngân. Cơ sở mẫu giáo độc lập tư thục Hoa Cúc, thành phố Huế là một cơ sở tiếp cận được với chương trình này từ khá sớm.
Bà Võ Thị Hà Nhi - chủ cơ sở mẫu giáo độc lập tư thục Hoa Cúc chia sẻ, thành lập đúng thời điểm dịch bùng phát nên một thời gian khá dài cơ sở phải đóng cửa. Trong khi các chi phí mặt bằng, bảo dưỡng thiết bị vẫn phải bỏ ra nên khi hoạt động trở lại, cơ sở gặp không ít khó khăn, nhất là vốn để đầu tư nâng cấp hạ tầng cơ sở. Khá may mắn khi cơ sở tiếp cận được gói vay vốn ưu đãi của ngân hàng với lãi suất chỉ 3,3%/năm, thủ tục cũng không quá phức tạp nên cơ sở cũng không khó để tiếp cận.
Cơ sở mẫu giáo độc lập tư thục Hoa Cúc là một trong 3 CSGD ngoài công lập được giải ngân vốn vay từ chương trình cho vay đối với các CSGD mầm non, tiểu học ngoài công lập phải ngừng hoạt động do COVID-19. Đến nay, VBSP tỉnh đã giải ngân cho vay từ chương trình này là 240 triệu đồng/3 cơ sở.
Ông Nguyễn Hoàng Anh Tuấn, Phó Giám đốc VBSP tỉnh thông tin, các CSGD mầm non, tiểu học ngoài công lập thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật; dừng hoạt động theo yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19 ít nhất 1 tháng tính đến thời điểm vay vốn đều có thể tiếp cận với chương trình vay vốn ưu đãi này. Hiện quy trình và thủ tục vay vốn khá đơn giản nên khi cơ sở mầm non, tiểu học ngoài công lập có nhu cầu vay vốn sẽ không gặp khó khăn trong quá trình tiếp cận nguồn vốn.
Theo ông Tuấn, kết quả rà soát từ các địa phương, số cơ sở có nhu cầu vay vốn không nhiều, thời gian nghỉ do dịch bệnh ở Thừa Thiên Huế không dài như các địa phương khác nên mức độ xuống cấp hư hại cơ sở vật chất không nhiều. Để trở lại hoạt động, các cơ sở này không tốn nhiều chi phí đầu tư và họ có đủ khả năng tài chính để tự khắc phục, chưa có nhu cầu vay vốn... Theo đó, năm 2022, VBSP tỉnh được phân bổ 300 triệu đồng theo nhu cầu vốn đã được các đơn vị, địa phương rà soát tổng hợp.
Hiện, mức vốn cho vay tối đa cho chương trình này là 80 triệu đồng đối với CSGD mầm non độc lập dân lập, tư thục; tối đa 200 triệu đồng đối với trường mầm non dân lập, tư thục, tiểu học tư thục. Với mức vay dưới 100 triệu đồng, cơ sở sẽ không cần tài sản đảm bảo nhưng nếu cơ sở có nhu cầu vay vốn với mức vay từ 100 đến 200 triệu đồng thì phải có tài sản đảm bảo.
“Chương trình có thời hạn cho vay tối đa 36 tháng với lãi suất 3,3%/năm. Lãi suất nợ quá hạn bằng lãi suất cho vay hộ nghèo tại thời điểm vay vốn. Hiện thủ tục vay vốn khá đơn giản chỉ cần UBND cấp xã xác nhận và theo quy định ngân hàng sẽ giải quyết cho vay sau khi nhận được hồ sơ từ 5-7 ngày. Thời gian giải ngân nguồn vốn cho vay không vượt quá thời điểm ngày 31/12/2023 hoặc thời điểm hết nguồn vốn cho vay”, ông Tuấn thông tin.
Bài, ảnh: Hoàng Loan