ClockThứ Tư, 13/10/2021 07:46

Chính phủ Việt Nam nỗ lực tăng tốc lộ trình chuyển đổi số quốc gia

Dự Hội nghị và Triển lãm thế giới số 2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đây là thời điểm thích hợp để chúng ta đổi mới tư duy, cách vận hành, cách quản trị kinh tế-xã hội, cùng chung tay quản lý sự thay đổi, biến nguy thành cơ, tăng khả năng chống chịu và thích ứng với mọi hoàn cảnh... Chính phủ Việt Nam coi hạ tầng số, hạ tầng dữ liệu, các nền tảng số quốc gia là yếu tố then chốt và đang nỗ lực tăng tốc lộ trình chuyển đổi số quốc gia.

Các nước APEC cần thúc đẩy chuyển đổi số trong thương mại dịch vụChuyển đổi số: Doanh nghiệp sẽ được hỗ trợĐẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong dạy và học4 doanh nghiệp đầu tiên tiếp cận với chính sách hỗ trợ chuyển đổi sốRa mắt tổ công tác hỗ trợ doanh nghiệpĐưa sản phẩm lên sàn xuyên biên giớiĐẩy nhanh quá trình phát triển Chính phủ điện tử hướng đến Chính phủ số, kinh tế sốASEAN trong tiến trình chuyển đổi số bao trùm: Lợi ích và thách thức

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Chính phủ Việt Nam coi hạ tầng số, hạ tầng dữ liệu, các nền tảng số quốc gia là yếu tố then chốt và đang nỗ lực tăng tốc lộ trình chuyển đổi số quốc gia. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tối ngày 12/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và phát biểu tại lễ khai mạc Hội nghị và Triển lãm thế giới số 2021 (ITU Digital World 2021) với chủ đề “Chung tay xây dựng thế giới số”. Sự kiện do Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) tổ chức theo hình thức trực tuyến trên nền tảng số do Việt Nam xây dựng.

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Thế giới đang trải qua những biến động nhanh chóng, sâu sắc chưa từng có, đặc biệt do những tác động của đại dịch COVID-19. Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ và quá trình chuyển đổi số trên toàn cầu đặt ra cả cơ hội và thách thức đối với các quốc gia. Tuy nhiên, chắc chắn chuyển đổi số là hướng đi đúng đắn, vừa đảm bảo trạng thái hoạt động bình thường mới trên không gian số, vừa góp phần phục hồi kinh tế với sức khỏe và sự an toàn của người dân luôn được đặt lên trên hết và trước hết.

Chính phủ Việt Nam coi hạ tầng số, hạ tầng dữ liệu, các nền tảng số quốc gia là yếu tố then chốt và đang nỗ lực tăng tốc lộ trình chuyển đổi số quốc gia. Trong đó, Chính phủ luôn tin tưởng lực lượng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam sẽ đóng vai trò quan trọng đối với việc triển khai thành công tiến trình này; để kinh tế số Việt Nam phấn đấu chiếm hơn 20% tỉ trọng GDP quốc gia vào năm 2025 và phấn đấu đạt 30% vào năm 2030.

Triển lãm Thế giới số 2021 là cơ hội để giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ, giải pháp công nghệ số của các tổ chức, doanh nghiệp đến từ nhiều quốc gia trên thế giới; đem đến những trải nghiệm độc đáo, thể hiện sự sẵn sàng, mức độ sáng tạo và sự chung tay hợp tác vì một thế giới số tiến bộ, an toàn, hòa bình và thịnh vượng, góp phần vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới. Sự kiện này sẽ góp phần khai mở các giá trị của chuyển đổi số, công nghệ số để góp phần phát triển nền kinh tế số hợp tác và chia sẻ, vì lợi ích và sự tiến bộ của người dân ở tất cả các quốc gia trên thế giới.

Tuyên bố khai mạc Triển lãm trực tuyến Thế giới số 2021, Thủ tướng bày tỏ mong muốn ITU sẽ tiếp tục hỗ trợ các nước thành viên đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số và thu hẹp khoảng cách số; đề nghị các tổ chức doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh hợp tác, đồng hành cùng Chính phủ các nước vượt qua khó khăn, chủ động thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả để phục hồi phát triển kinh tế.

Thời điểm để thay đổi cách tư duy, chung tay quản lý sự thay đổi

Phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng Liên minh Viễn thông quốc tế diễn ra ngay sau lễ khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá Hội nghị và Triển lãm thế giới số càng có ý nghĩa hơn khi diễn ra trong bối cảnh thế giới tiếp tục đối mặt với “thách thức kép”: Vừa chống đại dịch COVID-19, vừa chủ động thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả để phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Đây là thời điểm thích hợp để chúng ta đổi mới tư duy, cách vận hành, cách quản trị kinh tế-xã hội, cùng chung tay quản lý sự thay đổi, biến nguy thành cơ, tăng khả năng chống chịu và thích ứng với mọi hoàn cảnh để vượt qua và trưởng thành mạnh mẽ hơn.

Trong bối cảnh thế giới đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, công nghệ, dịch vụ số đã chứng minh những lợi thế về tính linh hoạt, tạo môi trường thuận lợi cho các ý tưởng, sáng kiến để vượt qua khó khăn, thích ứng an toàn với đại dịch, phục hồi và phát triển kinh tế bền vững.

Chính vì vậy, Hội nghị Bộ trưởng cần trao đổi thảo luận, tổng kết những sáng kiến số có hiệu quả trong phòng chống COVID-19 của các quốc gia thời gian qua; chia sẻ, phổ biến kinh nghiệm hay, bài học quý cho các quốc gia khác nhằm giảm thiểu thiệt hại. Đồng thời, đưa ra các dự báo và khuyến nghị để chủ động thích ứng với những rủi ro khác trong tương lai như thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu và các biến đổi bất định khác.

Thủ tướng chia sẻ với Hội nghị một số quan điểm và ưu tiên hợp tác như sau:

Thứ nhất, công cuộc chuyển đổi số để xây dựng một thế giới số không phải của riêng một quốc gia, tổ chức, cá nhân nào; và cũng không một quốc gia, tổ chức, cá nhân nào có thể đứng ngoài tiến trình chuyển đổi số của nhân loại. Đây là vấn đề toàn cầu nên cần có cách tiếp cận toàn cầu, góp sức toàn cầu. Hợp tác quốc tế về chuyển đổi số, nhất là trong ITU phải hướng đến mục tiêu xây dựng một thế giới số xanh hơn, toàn diện hơn, công bằng hơn cho tất cả mọi người và tất cả các quốc gia.

Thứ hai, chuyển đổi số là xu thế tất yếu và là một quá trình thay đổi sâu rộng toàn bộ các hoạt động kinh tế-xã hội. Chính phủ các nước cần định hướng, dẫn dắt quá trình này để chuyển đổi số có hiệu quả, phát huy cao nhất những giá trị mới của không gian số trong mọi mặt đời sống xã hội.

Thứ ba, sự dẫn dắt định hướng của nhà nước cần đi đôi với sự năng động, hiệu quả của thị trường. Vì vậy, hợp tác giữa khu vực nhà nước và khu vực tư nhân rất cần được khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi.

Thứ tư, chuyển đổi số phải lấy người dân là trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu của sự phát triển. Quá trình này chỉ thực sự thành công khi mỗi người dân tích cực tham gia và được thụ hưởng các lợi ích mà chuyển đổi số mang lại. Bởi vậy, vai trò dẫn dắt của Chính phủ cũng như các sáng kiến, kế hoạch hợp tác trọng tâm của ITU phải hướng tới mục tiêu này để không ai bị bỏ lại phía sau.

Thứ năm, thế giới số phải được xây dựng trên cơ sở đảm bảo chủ quyền số và an toàn, an ninh mạng. ITU cần phát huy mạnh mẽ hơn vai trò là một tổ chức chuyên ngành của Liên Hợp Quốc trong việc định hình khuôn khổ quốc tế về chủ quyền số và bảo đảm an toàn, an ninh mạng.

Thủ tướng cho biết, Việt Nam đã xác định một trong những quan điểm của Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045 là phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Phải đổi mới tư duy và hành động, chủ động nắm bắt kịp thời, tận dụng hiệu quả các cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 gắn với quá trình hội nhập quốc tế để cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng bền vững, phát triển kinh tế số, xã hội số, coi đây là nhân tố quyết định để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.

Từng bước vượt qua khó khăn của đại dịch COVID-19, Việt Nam đang nỗ lực không ngừng tự đổi mới, đẩy mạnh chuyển đổi số trong tất cả các ngành, lĩnh vực. Chính phủ Việt Nam cam kết tiếp tục là thành viên tích cực, chủ động và là thành viên có trách nhiệm của Liên minh Viễn thông Quốc tế; luôn đồng hành, hợp tác cùng các quốc gia, các tổ chức, doanh nghiệp để xây dựng thế giới số. Việt Nam mong muốn hợp tác cùng các nước thúc đẩy kinh tế số, xã hội số, nhất là hợp tác chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực quản lý hiện đại và thu hút đầu tư chất lượng cao.

Theo Cổng TTĐT Chính phủ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chuyển đổi số trong thanh niên, sinh viên

Đại học Huế với vai trò là trung tâm đào tạo hàng đầu miền Trung, đã chủ động tích hợp công nghệ số vào công tác Đoàn Thanh niên - Hội Sinh viên (ĐTN - HSV) nhằm nâng cao chất lượng hoạt động, tăng cường hiệu quả quản lý và đẩy mạnh phong trào sinh viên.

Chuyển đổi số trong thanh niên, sinh viên
Vị thế nữ giới trong thời kỳ chuyển đổi số

Thời kỳ công nghệ số và chuyển đổi số đang mang lại nhiều cơ hội để phụ nữ nâng cao vai trò, vị thế của mình. Nhiều người đã biết tận dụng tối đa các ưu thế, lợi điểm của công nghệ số vào lao động, nghiên cứu, khởi nghiệp, kinh doanh cũng như cân bằng, bình đẳng trong cuộc sống thường ngày.

Vị thế nữ giới trong thời kỳ chuyển đổi số
Tập huấn chuyển đổi số cho hơn 170 cán bộ ngành y

Ngày 10/12, Sở Y tế tổ chức tập huấn về công tác chuyển đổi số cho hơn 170 lãnh đạo, cán bộ phụ trách công nghệ thông tin, văn thư bệnh viện tuyến tỉnh, trung tâm y tế tuyến huyện, trạm y tế xã, phường, thị trấn.

Tập huấn chuyển đổi số cho hơn 170 cán bộ ngành y

TIN MỚI

Return to top