ClockThứ Năm, 24/05/2018 05:45

Cho vay tiêu dùng: Quản để hạn chế “biến tướng”

TTH - Chưa bao giờ dịch vụ cho vay tiền không cần tài sản đảm bảo lại nở rộ như hiện nay. Trên nhiều ngả đường, nhan nhản những mẩu quảng cáo: “Vay nhanh - lãi phẳng, siêu lãi suất; thủ tục đơn giản, giao tiền trong ngày, cho vay lãi suất thấp…”. Hoạt động tín dụng này “biến tướng” tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho người vay cũng như gây ra những hệ lụy đối với trật tự an toàn xã hội.

Đằng sau những tờ rơi cho vay

Cho vay không thế chấp được quảng cáo khắp nơi. Ảnh: Tâm Huệ

Thực ra hoạt động cho vay tiêu dùng (CVTD) manh nha từ các ngân hàng thương mại (NHTM) cách đây gần 20 năm, khi người vay có nhu cầu và “điều kiện cần” là có công ăn việc làm và thu nhập ổn định. Các NHTM đã thâm nhập vào đối tượng là cán bộ công nhân viên với hình thức cho vay tín chấp thông qua người đứng đầu cơ quan xác nhận là “điều kiện đủ”.

Những năm gần đây, hoạt động CVTD đã biến tướng, có thể hiểu một cách nôm na là hình thức cho vay vốn nhưng có lãi suất (LS) cao của cá nhân hoặc một tổ chức. Dưới góc nhìn của các chuyên gia, CVTD biến tướng len lỏi trong cuộc sống hàng ngày của người dân; điều này có hai mặt, nền kinh tế có nhiều cơ hội phát triển, nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro về tài chính.

Thống kê chưa đầy đủ, vài năm gần đây, trên địa bàn Thừa Thiên Huế  xảy ra hàng chục vụ vỡ nợ do CVTD biến tướng. Nạn nhân của các vụ việc liên quan đến hình thức này rất đa dạng, thuộc nhiều lứa tuổi, trình độ học vấn và tính chất công việc khác nhau. Điều đáng nói, CVTD biến tướng không chỉ xảy ra với người dân ở thôn quê, vùng sâu, vùng xa vốn dĩ thiếu thông tin, thiếu hiểu biết mà còn gây hậu quả với những người ở trung tâm TP. Huế.

Qua tìm hiểu, tại các chợ trên địa bàn, tiểu thương vay vốn của các “đầu nậu” với mức LS mỗi tháng 2,5-3%, tương đương 25-30%/năm, gấp nhiều lần so với LS các NHTM. Tại các cửa hiệu cầm đồ ghi rõ: “Cho vay với LS từ 900-1.400 đồng/triệu/ngày”; tính ra hơn 3%/tháng, tương đương 36%/năm. Đây là một dạng CVTD biến tướng, nói cách khác là “tín dụng đen”.

Trong khi, Bộ luật Dân sự 2015 (có hiệu lực ngày 1/1/2018) quy định LS vay do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay. Nếu LS vượt quá giới hạn quy định thì mức LS không có hiệu lực. Khoản 1, 2 Điều 201 Bộ luật Hình sự  2015 nêu rõ: Người nào cho vay với LS gấp 5 lần mức LS cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự thì tùy mức thu lợi bất chính, mức độ vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 1 tỉ đồng hoặc có thể phạt tù 3 năm.

Tuy nhiên, để chứng minh được như các điều khoản của Bộ luật Hình sự và Bộ luật Dân sự là cả một câu chuyện dài. Việc cho vay và vay tiền ngoài các tổ chức tín dụng là quan hệ dân sự và không phải hành vi bị cấm. Hoạt động này chỉ vi phạm pháp luật khi việc cho vay được xác định là có LS vượt quy định. Qua các vụ án đã xảy ra, với cơ quan chức năng, để tìm hiểu được mức LS cho vay trong hoạt động CVTD biến tướng tại thời điểm tiến hành giao dịch rất khó. Các đối tượng cho vay không ghi LS vào giấy tờ vay nợ mà chỉ thỏa thuận miệng với người vay.

Dẹp bỏ CVTD biến tướng bằng cách cấp phép, tạo điều kiện cho các công ty tài chính (CTTC) hoạt động minh bạch nhưng chịu sự giám sát của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), các cơ quan luật pháp. Điều này sẽ đạt được hai lợi ích: Nhà nước thu được thuế nhiều hơn so với mức thuế khoán hiện nay; đồng thời, khi các giao dịch bị đổ bể, sẽ có hệ thống luật pháp bảo vệ các bên.

NHNN đã ban hành Thông tư 43/2016/TT-NHNN quy định CVTD của các CTTC có hiệu lực thi hành từ ngày 15/3/2017. Theo đó, hoạt động CVTD của các CTTC hiện đã có một khung pháp lý riêng. Đây là một thay đổi lớn, tích cực trong quản lý của cơ quan chức năng có ghi nhận sự khác biệt trong hoạt động của các CTTC và NHTM, một loại hình hoạt động được xem là mới.  Thông tư 43 có những quy định mới liên quan đến quy đổi LS theo năm, thời gian gọi điện nhắc nợ với khách hàng, đơn giản hóa về hồ sơ vay vốn...

Những điều khoản này sẽ góp phần tăng cường việc minh bạch hóa hoạt động CVTD của các CTTC, đơn giản hóa các thủ tục vay, cũng như hướng đến bảo vệ một cách tốt nhất quyền lợi của người tiêu dùng.

Các chuyên gia kinh tế ghi nhận “công lao” của CVTD đã góp phần giảm “tín dụng đen”, đặc biệt ở các vùng nông thôn, với LS CVTD tuy cao hơn so với lãi vay của các NHTM cùng kỳ hạn nhưng nếu so sánh với “tín dụng đen”, mức vay này vẫn thấp hơn nhiều.

Được biết, trên địa bàn tỉnh, 4 CTTC: FE Credit, Home Credit, Zamata và HDbank, có đăng ký hình thức và địa điểm kinh doanh CVTD với NHNN. Riêng LS cho vay, các CTTC này thực hiện theo cơ chế tự thỏa thuận với khách hàng.

UBND tỉnh đã có công văn gửi các ngành liên quan: ngân hàng, công an, công thương đồng ý chủ trương thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra hoạt động CVTD biến tướng trên địa bàn.

Mới đây nhất (ngày 15/5), NHNN có Văn bản 3436/NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng phải minh bạch hóa hoạt động CVTD như niêm yết hợp đồng theo mẫu, cung cấp đầy đủ cho khách hàng thông tin về LS cho vay, nguyên tắc và các yếu tố xác định LS trong trường hợp áp dụng LS có điều chỉnh, LS quá hạn, loại phí và mức phí trước khi xác lập thỏa thuận cho vay.

Riêng đối với các CTTC, NHNN chỉ đạo phải ban hành đầy đủ quy định LS về CVTD mức cao nhất và thấp nhất cho từng sản phẩm, áp dụng thống nhất toàn hệ thống trong từng thời kỳ; đồng thời kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật, quy định nội bộ trong hoạt động CVTD, cho vay phục vụ đời sống, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của khách hàng.

Bạch Quang

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nhựa đang xâm nhập vào não người: Cần báo động toàn cầu

Ngày càng có nhiều bằng chứng khoa học cho thấy, vi nhựa đang tích tụ trong các cơ quan quan trọng của con người, bao gồm cả não, khiến các nhà nghiên cứu kêu gọi hành động cấp bách hơn để hạn chế ô nhiễm nhựa. Điều này được đưa ra khi các nghiên cứu đã phát hiện ra những mảnh nhựa vỡ và hạt nhựa nhỏ trong phổi, nhau thai, cơ quan sinh sản, gan, thận, khớp gối và khuỷu tay, mạch máu, cũng như tủy xương của con người.

Nhựa đang xâm nhập vào não người Cần báo động toàn cầu
Hạn chế đơn khiếu kiện là thước đo sự hiệu quả

Nhiều vướng mắc về đất đai trong thực tiễn dường như đã được tháo gỡ khi Quốc hội ban hành Luật Đất đai 2024. Việc Quốc hội đẩy thời gian luật có hiệu lực sớm hơn 5 tháng cho thấy quyết tâm để luật này sớm vào cuộc sống, tạo ra động lực phát triển kinh tế - xã hội.

Hạn chế đơn khiếu kiện là thước đo sự hiệu quả

TIN MỚI

Return to top