ClockThứ Năm, 10/05/2018 15:03

Đằng sau những tờ rơi cho vay

TTH - Lợi dụng nhu cầu vay vốn của nhiều người, dịch vụ cho vay “nóng” liên hệ theo số điện thoại được dán trên các tờ rơi để mời chào khách hàng xuất hiện ở khắp nơi.

Có chăng nhân viên tín dụng bắt tay cò mồi?Cần xử lý nghiêm hành vi phát tờ rơi quảng cáo bừa bãiPhát tờ rơi, tránh làm mất mỹ quan đô thị

Các dịch vụ cho vay được quảng cáo khắp nơi, nhưng ít ai biết rằng đằng sau đó là những rủi ro khó lường

Đa dạng hình thức

Trên nhiều tuyến đường tại TP. Huế thời gian qua xuất hiện nhan nhản những mẩu quảng cáo hoạt động tín dụng hấp dẫn, dễ dàng tiếp cận, như: “Vay không cần thế chấp, không cần bảo lãnh công ty”; “vay nhanh trong ngày, không chứng minh thu nhập”...

Không khó để thấy những tờ rơi đó kèm với số điện thoại được dán dày đặt ở từng bờ tường, trụ điện, gốc cây ở mọi ngóc ngách, ngõ hẻm. Không dừng lại đó, hình thức này cũng đã “phủ sóng” về nhiều vùng quê khác trên địa bàn tỉnh. Hoạt động này còn “giăng lưới” khắp các trang mạng và chỉ cần gọi điện thoại là... có tiền ngay.

Lần theo một số điện thoại được dán ở tờ rơi trên đường Đặng Huy Trứ, chúng tôi liên lạc với người cho vay. Người này cho hay liên kết với một ngân hàng nên muốn vay bao nhiêu cũng có, lãi suất 1-2%/tháng. Khi được hỏi mức vay, người này cho biết tùy theo điều kiện, thu nhập của từng người. Đặt vấn đề với mức lương công nhân, thu nhập bấp bênh muốn vay chừng 10 – 20 triệu đồng, người này nói: “Vay bên mình không cần thủ tục chi nhiều, chỉ cần một trong hai người vợ chồng anh có xài sim điện thoại viettel tối thiểu 6 tháng hoặc mobifone trên 1 năm là “ok”, lãi suất 150.000 – 200.000 đồng/tháng. Còn nếu muốn vay số tiền lớn hơn cần phải chứng minh thêm một vài thông tin và có người về nhà để kiểm tra”.

Gọi vào một số điện thoại khác được dán ngay trung tâm TP. Huế, giọng một người đàn ông nói giọng Bắc cầm máy. Khi nghe chúng tôi muốn vay tiền, người này đặt ngay câu hỏi: “Làm gì, có hộ khẩu ở TP. Huế không?”. Sau khi nghe chúng tôi đáp không có hộ khẩu ở TP. Huế cũng như công việc bấp bênh muốn vay 10 triệu đồng, người này ậm ự rồi nói: “Không có hộ khẩu TP. Huế cũng được. Vậy cầm hộ khẩu nơi đang sống đến gặp, nếu xác minh hợp lệ sẽ làm giấy tờ cho vay ngay”.

Tương tự, cũng ở một số điện thoại khác, chúng tôi đặt vấn đề vay như thế, và khi được hỏi lãi suất với số tiền 10 triệu đồng ra sao, các chủ cho vay nói rằng mỗi ngày phải đóng 300.000 đồng và đóng khoảng 40-42 ngày. Như thế, theo tính toán số tiền cả gốc lẫn lãi phải đóng liên tục lên đến 12 – 12,6 triệu đồng. Khi chúng tôi thắc mắc nếu không trả kịp thì như thế nào, một đầu dây điện thoại nói sẽ cộng dồn vào tiền gốc rồi từ đó tính lãi tiếp.

Rủi ro cao

Theo các chuyên gia ngân hàng, hiện nay có hai hình thức vay phổ biến đó là vay tín chấp và vay thế chấp. Vay tín chấp thì người vay cần chứng minh thu nhập, xác nhận nơi công tác và vay thế chấp thì người vay phải có tài sản cố định để đảm bảo. Còn với hình thức vay nhanh rồi góp theo ngày, đó là vay “nóng”. Kiểu cho vay này nằm ngoài khuôn khổ hoạt động hệ thống ngân hàng, và không tuân theo quy định của pháp luật về hoạt động tín dụng và ngân hàng. Khác với những công ty tài chính cho vay tín chấp với lãi suất cao nhưng có những ràng buộc nhất định như có công việc ổn định, có mục đích sử dụng nguồn vốn, chứng minh được thu nhập thì tín dụng đen chỉ cần thỏa thuận miệng, không thể hiện rõ lãi suất, không giấy tờ... nên có khả năng người vay gặp rất nhiều nguy cơ rủi ro.

Anh Phan Văn L. (TP. Huế) từng là nạn nhân của những kiểu vay “nóng” như vậy. Anh L. kể lại từng kẹt tiền nên tìm đến những tờ rơi cho vay được dán trên đường phố để liên lạc. Sau khi bên cho vay thăm dò một số thông tin như địa chỉ nhà, công việc đã đồng ý cho vay 10 triệu đồng với hình thức trả góp mỗi ngày 300.000 đồng trong thời hạn 40 ngày (tổng số tiền gốc và lãi phải trả là 12 triệu đồng). Thế nhưng, vì kẹt tiền có những ngày không thể trả kịp nên bị dồn vào tiền gốc rồi tính lãi thêm. “Hỏi ra mới biết đó là hình thức cho vay kiểu “cắt cổ” nên tôi đã phải cầu cứu người thân để trả dứt điểm. Nếu không sẽ không biết chuyện chi xảy ra”, anh L. nhớ lại.

Tình trạng nhiều cá nhân bên ngoài xã hội đứng ra cho vay “nóng” khá phổ biến. Chủ yếu hoạt động này diễn ra âm thầm giữa người vay và người cho vay thông qua viết giấy tay, tiền góp mỗi ngày hai bên tự thỏa thuận. Người đi vay “nóng” chủ yếu cần tiền gấp để xoay xở trong việc làm ăn, người thua cờ bạc... Nguy hiểm ở chỗ khi người vay không có tiền góp mỗi ngày sẽ bị chủ nợ cộng vào tiền gốc để tiếp tục tính lãi, rồi tìm mọi cách để đòi nợ.

Đại tá Đặng Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Công an tỉnh:

Gắn phòng ngừa với điều tra xử lý nghiêm

Lợi dụng sự thiếu hiểu biết, khó khăn về kinh tế của một bộ phận người dân, đối tượng cho vay tổ chức phát, dán tờ rơi ở các khu dân cư, khu vực công cộng với nội dung “cho vay không tín chấp, nhận tiền ngay” nhằm dụ dỗ người dân thiếu hiểu biết, khó khăn về kinh tế vay tiền.

Thời gian qua, không ít người đã trở thành “con nợ” khi trót vay tiền của các đối tượng cho vay nặng lãi núp bóng dưới loại hình cho vay không cần thế chấp. “Lãi mẹ đẻ lãi con”, nhiều người phải bán nhà để trả nợ. Đây là hoạt động “tín dụng đen” vi phạm pháp luật cần được xử lý nghiêm. Mặc dù Công an tỉnh chủ động tuyên truyền và lập kế hoạch phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm này nhưng tình hình ngày càng có chiều hướng diễn biến phức tạp. Thực tế trên địa bàn thời gian qua chủ yếu xảy ra tranh chấp dân sự do thường thỏa thuận lãi suất bằng lời nói, không ghi trong giấy tờ nên cơ quan chức năng rất khó để củng cố, xử lý. Công an tỉnh đã chỉ đạo công an các địa phương, đơn vị tổ chức rà soát băng nhóm cho vay gây mất an ninh trật tự để phòng ngừa, đấu tranh triệt phá nếu có. 

Luật sư Võ Công Hạnh, Công ty luật Công Khánh:

Hết sức thận trọng với những thỏa thuận

Cùng quan hệ vay, nhưng nếu người vay thực hiện giao dịch tại các ngân hàng hay tổ chức tín dụng đều bắt buộc phải trải qua các quy trình theo luật định, đặc biệt, phải trải qua quy trình thẩm định, đáp ứng đủ điều kiện thì khoản vay mới được phê duyệt, chuyển sang giai đoạn giải ngân. Nhưng để đáp ứng ngay nhu cầu cơ bản trong cuộc sống, người vay có mong muốn tìm kiếm những khoản vay thấp, thủ tục đơn giản, nhận tiền mặt ngay mà không hề quan tâm đến các yếu tố rủi ro có thể phát sinh ngay tại thời điểm giao kết.

Từ thực tế cho thấy, các đối tượng cho vay có thể là tổ chức tín dụng hoặc cá nhân. Nhưng nếu là giao dịch dân sự (quan hệ vay tài sản) giữa những cá nhân với nhau phải tuân thủ quy định Mục 4 Chương XVI Bộ luật Dân sự năm 2015. Vì vậy, bên vay phải hết sức thận trọng với những thỏa thuận, đề xuất mà bên cho vay đưa ra. Đáng quan tâm nhất là thỏa thuận về mức lãi suất khoản vay. Lãi suất vay do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay. Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực là vi phạm Khoản 1 Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015. Những khoản lãi mà bên cho vay đưa ra, người vay cần phải xem xét, tính toán xem có vượt hạn mức luật định hay không, tìm hiểu các quy định về nghĩa vụ thanh toán để hạn chế tối đa các trường hợp lãi chồng lãi, làm người vay mất khả năng thanh toán. Trong trường hợp, khoản vay có dấu hiệu hình sự về hành vi cho vay nặng lãi, người vay cần trình báo ngay cho cơ quan chức năng để xác minh, điều tra, xử lý những đối tượng vi phạm về tội cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự theo quy định tại Điều 201 Bộ luật Hình sự 2015 (Sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Thái Bình (ghi)

 

Bài, ảnh: P. THÀNH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trâng tráo và nguy hại

Mới sáng bảnh mắt bước ra đầu ngõ đã thấy trắng xóa cả một vạt tờ rơi quảng cáo cho vay. Và không chỉ có đầu nhà tôi, mà những tờ rơi kia còn được rải suốt dọc tuyến đường, riêng ở đầu ngã ba các con hẻm dẫn vào các xóm, tờ rơi càng được “ưu tiên” rải quyết liệt hơn.

Trâng tráo và nguy hại
WB nhận được cam kết hơn 11 tỷ USD để ứng phó với khí hậu và thách thức toàn cầu

Ngân hàng Thế giới (WB) vừa cho biết 11 quốc gia đã cam kết đóng góp hơn 11 tỷ USD cho các công cụ vốn kết hợp và bảo lãnh danh mục đầu tư mới, được thiết kế để mở rộng năng lực cho vay của WB thêm 70 tỷ USD trong một thập kỷ, nhằm giải quyết các vấn đề biến đổi khí hậu, đại dịch và các thách thức toàn cầu khác.

WB nhận được cam kết hơn 11 tỷ USD để ứng phó với khí hậu và thách thức toàn cầu
HƯỚNG DÒNG VỐN VÀO LĨNH VỰC ƯU TIÊN:
Nhiều cơ chế, chính sách cho vay được mở rộng

Vấn đề này đã được ông Phạm Bá Nam, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh chia sẻ cùng Thừa Thiên Huế Cuối tuần khi trao đổi về hoạt động tín dụng năm 2024, trong bối cảnh kinh tế trong nước và quốc tế đang tác động tiêu cực đến tình hình hoạt động của doanh nghiệp.

Nhiều cơ chế, chính sách cho vay được mở rộng
Chọn lĩnh vực cho vay tạo ra sức lan tỏa

Có vẻ như là một nghịch lý trong thời điểm hiện nay trong mối quan hệ tín dụng: ngân hàng thừa vốn, doanh nghiệp (DN) cần vốn; không cân đối được nguồn vốn giữa nguồn vốn huy động và nguồn vốn cho vay. Ví dụ như Agribank, một vị lãnh đạo ngân hàng này cho biết, ngân hàng huy động 100 đồng thì chỉ cho vay ra được 80 đồng.

Chọn lĩnh vực cho vay tạo ra sức lan tỏa
Return to top