Bao gói sản phẩm bây giờ chủ yếu dùng túi ny-lông
Vài năm trước, trào lưu dùng lá chuối gói thực phẩm được nhiều siêu thị, các chợ trong tỉnh triển khai với mong muốn hình thành lối tiêu dùng thân thiện với môi trường. Thế nhưng, việc làm này không tồn tại được, rau xanh trở lại với túi ny-lông, dây thun, khay nhựa.
Siêu thị Co.opmart Huế một dạo phần lớn các loại rau thơm có kích thước nhỏ, cần tây, lá hẹ được gói cẩn thận bằng lá chuối, trông vừa mới lạ vừa đẹp mắt. Người bán, người mua đều hào hứng vì có thể tham gia vào việc bảo vệ môi trường thông qua hành vi mua bán hằng ngày. Tầm hai năm trở lại đây, hình ảnh lá chuối gói rau không còn xuất hiện trên kệ hàng, thay vào đó là bao ny-lông, cọng dây thun, khay xốp, hộp nhựa.
Chị Lê Hồng Thư, khách mua hàng tại siêu thị chiều 5/6 vừa qua chia sẻ, lâu rồi chị không nhìn thấy hình ảnh lá chuối gói rau ở siêu thị. Chị rất thiện cảm với các mớ rau gói lá chuối vì lật qua lật lại là biết mớ nào tươi, mớ nào úa...
Tìm hiểu câu chuyện trên, một nhân viên bán hàng tại siêu thị Co.opmart Huế cho biết, trước đây siêu thị dùng lá chuối gói rau. Siêu thị tự tìm mua lá, phân loại, sơ chế, đóng gói rất tốn kém nhân công...
Hiện nhiều siêu thị lớn nhỏ ở Thừa Thiên Huế không còn áp dụng lá chuối gói rau. Phần lớn rau ăn lá được đóng gói trong túi ny-lông, có tem mác ghi thông tin nhà sản xuất, nơi sản xuất, hạn sử dụng; một số ít rau ăn lá cột bằng dây thun, sợi hóa học tổng hợp… Các loại củ, quả được đóng gói khay, hộp sinh học...
Không chỉ lá chuối gói rau, các trào lưu sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường khác, như ống hút bằng cỏ bàng, túi cói, khay làm từ mây tre đan cũng rộ lên rồi tàn. Nguyên nhân là giá các sản phẩm này cao hơn nhiều so với túi ny-lông; nguồn nguyên liệu không phổ biến dẫn đến khó sử dụng đại trà, lâu dài.
Theo một chuyên gia môi trường ở Huế, đa số người dân vẫn thích dùng túi ny-lông sử dụng một lần vì không tốn tiền, bền, tiện dụng... Bên cạnh đó, việc tuyên truyền "chống rác thải nhựa" trên nhiều kênh nhưng chưa hiệu quả vì thiếu sự hỗ trợ thiết thực về tài chính, thị trường tiêu thụ cho doanh nghiệp sản xuất, đơn vị kinh doanh, người tiêu dùng. Các đơn vị tiên phong áp dụng cũng không có cơ quan chịu trách nhiệm đi kiểm tra, đánh giá, đề xuất khen thưởng hoặc xử phạt...
Bà Hồ Nhật Phương, Giám đốc Công ty TNHH SBC Hoàng Gia Huế - người đang triển khai nhiều hoạt động hướng vào "tiêu dùng xanh" ở Huế chia sẻ, giá thành, sự tiện dụng quyết định đến hiệu quả của các chương trình. Lá chuối, lạt tre, túi cói từng được sử dụng rất nhiều ở nông thôn vì có sẵn trong tự nhiên. Hiện nay, lá chuối, tre nứa trong tự nhiên không còn nhiều, không dễ khai thác. Người nông thôn đã bỏ thói quen này thì thành thị lấy đâu ra nguồn nguyên liệu để sử dụng đại trà, lâu dài. Một thực tế khác, trong khi các ngành Tài nguyên - Môi trường, Công thương kêu gọi siêu thị, trung tâm thương mại, chợ giảm túi ny-lông để bảo vệ môi trường thì sản phẩm tươi sống (rau, củ, quả, thịt cá) vào siêu thị phải tuân thủ quy trình đóng gói, bảo quản sản phẩm bằng túi, khay, hộp.
Theo bà Hồ Nhật Phương, việc sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường, "sống xanh" là hành động đẹp, ý nghĩa. Để trào lưu trở thành thói quen trong cộng đồng đòi hỏi trách nhiệm chung của nhà sản xuất, đơn vị phân phối, người tiêu dùng. Trong điều kiện nguồn nguyên liệu thiên nhiên có hạn, cần tiếp tục nghiên cứu, phát triển sản phẩm bao bì công nghiệp thân thiện với môi trường. Ưu tiên nguyên liệu từ phụ phẩm nông nghiệp vừa giải quyết bài toán giá thành vừa hạn chế chất thải ra môi trường; đồng thời có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sản phẩm bao bì “xanh”...
Bài, ảnh: Song Minh