ClockThứ Sáu, 09/08/2024 12:21

Chưa phát hiện tình trạng lợn bị nhiễm các loại bệnh trên địa bàn

TTH - Một người dân ở xã Quảng Phú (Quảng Điền) bị nhiễm bệnh liên cầu lợn (LCL) mới đây đã được ngành chăn nuôi và thú y xác nhận: Tại khu vực người bị nhiễm bệnh này không có tình trạng lợn bị dịch bệnh, lợn chết.

Ngăn chặn lây nhiễm, không để xảy ra dịch trên địa bàn

 Tiêm vắc-xin cho heo nuôi

Người bị bệnh LCL là ông N.V.A. trước đó đã nhập viện với các triệu chứng như sốt cao, đau bụng, mệt mỏi, rét run. Sau khi các bác sĩ lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm đã cho kết quả dương tính với vi khuẩn Streptococcus suis II, xác định chẩn đoán LCL.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh đã tiến hành điều tra dịch tễ bệnh nhân và gia đình, cho thấy người này và các thành viên trong gia đình trước đó không ăn thịt lợn và các sản phẩm chế biến từ loại thịt này. Các thành viên trong gia đình và những người cùng bữa ăn với ông A. vẫn khỏe mạnh. Người dân tại khu vực nhà ông A. và các hộ lân cận, trong đó có các hộ chăn nuôi lợn sức khỏe bình thường.

Một điều tra khác cho thấy, sự bất thường của bệnh nhân này là trước đó có ăn tiết canh dê. Trong tiết canh dê có thể bị pha trộn với tiết canh lợn không rõ nguồn gốc là nguyên nhân dẫn đến bệnh nhân này bị nhiễm bệnh LCL. Ông N.V.A. cũng thừa nhận trước khi có các triệu chứng bất thường và nhập viện, có ăn tiết canh dê.

Ông Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh thông tin, ngay sau khi nhận được thông tin có người bị bệnh LCL tại xã Quảng Phú, đơn vị đã cử cán bộ phòng chức năng phối hợp với cán bộ thú y cơ sở, chính quyền địa phương tiến hành nắm bắt tình hình chăn nuôi lợn tại khu vực bệnh nhân đang sinh sống. Qua kiểm tra, khu vực ông N.V.A. sinh sống chỉ có một số ít hộ chăn nuôi lợn. Các chuồng trại lợn này vẫn đang an toàn, không có dấu hiệu bị nhiễm các loại dịch bệnh nguy hiểm, kể cả bệnh thông thường. Mở rộng điều tra trên toàn địa bàn tỉnh (tính đến ngày 8/8), cơ quan thú y vẫn chưa phát hiện có lợn nuôi bị nhiễm các loại bệnh.

Ông Nguyễn Văn Hưng cho rằng, liên quan đến bệnh nhân nhiễm LCL cũng như các biện pháp phòng tránh dịch bệnh này thuộc về cơ quan y tế. Sau khi kiểm tra, tiến hành các biện pháp khoanh vùng, tiêu độc khử trùng, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh phối hợp với cơ quan y tế sở tại tổ chức giám sát và triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh LCL trên người.

Theo đó, các lực lượng chức năng tiến hành điều tra ca bệnh và xử lý vệ sinh môi trường bằng hóa chất Chloramin B 25% với nồng độ 5% tại khu vực nhà ông N.V.A. Cán bộ Trạm Y tế xã Quảng Phú đang triển khai các biện pháp đồng bộ ứng phó bệnh LCL, trong đó tiến hành theo dõi để kịp thời phát hiện, khuyến cáo người dân khi có các triệu chứng như sốt, ho, khó thở, người mệt mỏi, da xung huyết thì đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

Ngành y tế cũng như ngành thú y khuyến cáo, người dân không nên quá lo lắng trong việc sử dụng thịt lợn, sản phẩm được chế biến từ thịt lợn. Tuy nhiên, khi sử dụng thịt lợn, thức ăn chế biến từ thịt lợn phải nấu chín, uống sôi; tuyệt đối không ăn thịt lợn chết không rõ nguồn gốc, không nên ăn tiết canh từ động vật không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Người dân không nên tự ý giết mổ lợn, đặc biệt là lợn bệnh để đưa ra thị trường tiêu thụ. Lợn được đưa vào lò giết mổ và xuất ra thị trường phải qua kiểm tra, kiểm dịch của cơ quan thú y.  Người nội trợ phải biết chọn lựa các sản phẩm thịt lợn có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng để phục vụ nhu cầu tiêu thụ. Các dụng cụ như thớt, dao, kéo… trong nhà bếp phải được vệ sinh bằng xà phòng, hoặc các loại nước khử trùng, diệt khuẩn theo quy định. Sau khi chế biến thịt lợn, sản phẩm từ lợn phải rửa tay bằng xà phòng đảm bảo vệ sinh, an toàn dịch bệnh.

Cơ quan thú y đang triển khai đồng bộ các biện pháp phòng tránh các loại dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh. Trong đó, tập trung các biện pháp tiêm vắc-xin phòng, chống dịch bệnh, tổ chức tiêu độc, khử trùng tại các trang trại, gia trại chăn nuôi gia súc và những nơi có nguy cơ cao xảy ra dịch bệnh.

Tại các chợ, điểm giết mổ, tiêu thụ gia súc, gia cầm cũng được tiêu độc, khử trùng thường xuyên nhằm hạn chế tối đa nguy cơ tái bùng phát dịch bệnh. Hiện nay, vẫn còn nhiều tỉnh, thành có dịch bệnh trên lợn chưa qua 21 ngày, nên ngành thú y phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức giám sát, quản lý hoạt động vận chuyển lợn từ nơi khác vào địa bàn tỉnh tiêu thụ, hoặc đi qua các địa phương trên Quốc lộ 1A và những tuyến đường xung yếu. Các phương tiện vận chuyển lợn đi qua địa bàn được kiểm tra thủ tục kiểm dịch, phun thuốc tiêu độc, khử trùng theo quy định.

Theo CDC, từ năm 2020 đến nay, trên địa bàn tỉnh mới phát hiện sự trở lại của ca bệnh LCL. Vi khuẩn Streptococcus suis có thể sống ở nhiệt độ 60oC trong 10 phút, 50oC trong 2 giờ và 10oC trong 6 tuần. Tỷ lệ tử vong do liên cầu khuẩn lợn gây ra khoảng 7%. Người nhiễm loại vi khuẩn này không được chữa trị kịp thời sẽ dẫn đến viêm màng não, nhiễm trùng huyết gây choáng và có thể để lại những di chứng nặng nề với 60% bị ù tai, giảm thính lực, 20% điếc hoàn toàn không hồi phục. Bệnh liên cầu khuẩn lây từ lợn bệnh sang người gồm 3 thể, đó là nhiễm trùng huyết, viêm màng não mủ hoặc kết hợp cả hai, tùy từng thể, bệnh diễn biến nặng, nhẹ khác nhau.
Bài, ảnh: Hoàng Thế
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Liều thuốc” làm vợi nỗi đau

Bệnh nhân trên địa bàn huyện Phú Vang và cả những địa phương khác tin tưởng đến với Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Phú Vang. Ở đây không chỉ có các thiết bị y tế hiện đại, đội ngũ y bác sĩ giỏi chuyên môn, mà còn luôn có loại “thuốc” kỳ diệu làm vợi đi những nỗi đau, đó là tình thương và nụ cười.

“Liều thuốc” làm vợi nỗi đau
Ngăn chặn lây nhiễm, không để xảy ra dịch trên địa bàn

Ông Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y thông tin, đến ngày 2/8, các loại dịch tả lợn châu Phi, viêm da nổi cục, dịch cúm gia cầm (DCGC) A/H5N1 đã xảy ra tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Đã có một trường hợp tử vong do nhiễm dịch cúm A/H9N2. Trên địa bàn tỉnh cũng đã có nhiều nguy cơ tái bùng phát các loại dịch bệnh nguy hiểm này.

Ngăn chặn lây nhiễm, không để xảy ra dịch trên địa bàn

TIN MỚI

Return to top