Hồ Thọ Sơn (Hương Chữ, Hương Trà) luôn được bảo vệ, giữ gìn cung cấp nguồn nước tưới sản xuất cho người dân địa phương
Suốt quá trình đó, dù ít nhiều, hệ sinh thái, tài nguyên thiên nhiên và tính đa dạng sinh học của các loài đã bị tác động và thay đổi khá nhiều, đặc biệt ở những quốc gia đang “bùng nổ” về sản xuất, nỗ lực phát triển công nghiệp.
Điều may mắn là sau nhiều sự cố về môi trường, ngày nay quan điểm này đã thay đổi. Thay vì phát triển với tâm thế “chinh phục” tự nhiên, nhiều quốc gia đã sớm chuyển hướng thành “chung sống hài hòa” với tự nhiên và đề cao yếu tố bảo vệ môi trường.
Trong đó, Việt Nam là một trong những quốc gia xem trọng yếu tố bảo vệ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học. Bảo tồn đa dạng sinh học được hiểu là bảo vệ sự phong phú của các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, hệ sinh thái đặc thù hoặc hệ sinh thái mang tính đại diện; bảo vệ môi trường sống tự nhiên thường xuyên hoặc theo mùa của các loài hoang dã, bảo vệ cảnh quan môi trường, bảo vệ nét đẹp độc đáo của tự nhiên…
Thừa Thiên Huế là một trong số các địa phương được đánh giá có tính đa dạng sinh học cao với nhiều hệ sinh thái phong phú. Bên cạnh hệ thống đầm phá Tam Giang - Cầu Hai được xem "bảo tàng th iên nhiên" của Việt Nam, Vườn Quốc gia Bạch Mã được thành lập vào năm 1991 cũng được xem một hệ sinh thái độc đáo, đến nay vẫn còn giữ được hầu như nguyên vẹn những thảm thực vật phong phú và những cánh rừng nguyên sinh bát ngát...
Theo các nhà khoa học, thảm thực vật ở vườn này khá phát triển, thuộc kiểu rừng kín thường xanh mưa mùa cận nhiệt đới (á nhiệt đới) ở địa hình cao trên 1.000m và kiểu rừng kín thường xanh mưa mùa nhiệt đới trên địa hình dưới l.000m. Vườn được quy hoạch thành 3 phân khu, gồm phân khu bảo vệ nghiêm ngặt (12.064,8ha); phân khu phục hồi sinh thái (20.234ha); phân khu dịch vụ hành chính (5.188,2ha). Hiện tại Ban Quản lý Vườn đã xác định, thống kê được 2.147 loài thực vật (trong đó có 185 loài là đặc hữu của Việt Nam, 54 loài quý hiếm được đưa vào Sách đỏ Việt Nam)... cần bảo vệ một cách nghiêm ngặt.
Vì vậy, bảo vệ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học đã được tỉnh chú trọng thực hiện từ khá lâu với nhiều chính sách cụ thể, nhằm giữ gìn sự đa dạng sinh thái, giữ gìn cảnh quan thiên nhiên, từ đầm phá, hồ, thác… và chú trọng cả công tác bảo vệ lẫn tái tạo môi trường.
Ngày 21/5/2022, UBND tỉnh đã ban hành quyết định phê duyệt và công bố danh mục 168 đầm, hồ, ao, bàu... trên địa bàn 9 huyện, thị, thành phố không được san lấp - một giải pháp tích cực để đảm bảo cân bằng môi trường sinh thái và cung cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Lãnh đạo tỉnh nhiều lần khẳng định, sẽ không “đánh đổi” phát triển kinh tế với môi trường, đặt mục tiêu bảo vệ môi trường lên hàng đầu, các hoạt động từ sản xuất công nghiệp đến sản xuất nông nghiệp hay phát triển du lịch đều phải ưu tiên bảo vệ môi trường và không gây ảnh hưởng đến sự đa dạng sinh học. Giữ gìn môi trường sống hài hòa, bền vững cũng được xem là trách nhiệm với thế hệ tương lai.
Bài, ảnh: Song Minh