Công nhân làm việc tại nhà máy sợ thuộc Công ty CP Dệt may Huế. Ảnh: Minh Nguyên
Với năng lực như vậy, Thừa Thiên Huế sẽ có lợi thế rất lớn để phát triển riêng ngành này và được hưởng lợi lớn từ khi Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và mới đây là cơ hội mười mươi từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA).
Hai hiệp định này giảm sâu mức thuế vào các thị trường lớn. Ví dụ như ngay khi EVFTA có hiệu lực, hàng dệt may của Việt Nam vào EU được giảm ngay về 0 phần trăm 42,5% số dòng thuế và sẽ giảm dần đến gần 100% sau 7 năm.
Cứ tưởng rằng lợi thế lớn như vậy chúng ta sẽ “chớp” được ngay cơ hội, nhưng hoàn toàn không phải vậy. Các FTA này quy định rất chặt chẽ về nguồn gốc xuất xứ. Dù có hai công đoạn như EVFTA (từ vải) và khắt khe hơn là 3 công đoạn như CPTPP (từ sợi) thì đều được quy định có xuất xứ từ nội khối, tức là những nước tham gia ký hiệp định. Không chứng minh được xuất xứ thì coi như những ưu đãi về thuế đều bằng không. Cái khó chính là ở chỗ này!
Ngành dệt may của Việt Nam nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng tuy có kim ngạch xuất khẩu lớn nhưng đồng thời cũng nhập khẩu nguyên liệu lớn. Số liệu của cả nước cho thấy khoảng 70%. Và Thừa Thiên Huế, theo một số liệu, ngành công nghiệp hỗ trợ cho ngành dệt may phải nhập khẩu đến 60% và nguyên liệu vải phải nhập khẩu đến 70%. Nguyên liệu mà chúng ta phải nhập khẩu thị trường chiếm tỷ lệ lớn nhất là Trung Quốc. Mà Trung Quốc thì không có mặt trong hai FTA nói trên.
Như vậy, có thể hiểu, khi chúng ta không xoay xở được thị trường nội khối hoặc là nội địa hóa, tức là chủ động từ khâu nguyên liệu, ít nhất là từ vải và tốt nữa là từ sợi thì các FTA nói trên nó giống như truyện ngụ ngôn của Laphongten: “Nho hãy còn xanh lắm”! Không được hưởng ưu đãi về thuế, điều này cũng đồng nghĩa với việc chúng ta hưởng được một phần rất nhỏ trong chuỗi cung ứng – phần gia công.
Nhưng để chủ động được từ vải hoặc sợi cũng không phải dễ, nó cần rất nhiều thứ: từ vốn, thiết bị kỹ thuật, khoa học công nghệ, xử lý môi trường… cái nào cũng cần tiền nhiều. Mà điều này, quy mô doanh nghiệp trên cả nước còn thiếu trước hụt sau chứ chẳng riêng gì tỉnh Thừa Thiên Huế.
Có vẻ như tỉnh Thừa Thiên Huế nhìn thấy được điều này rất rõ nên đã quyết tâm xây dựng Đề án xây dựng khu công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may và đã được Chính phủ đồng ý về chủ trương. Công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may nên hiểu rộng ra, đó là những gì thuộc về đầu vào của ngành dệt may từ “cây kim sợi chỉ”, thậm chí là ngành thiết kế thời trang. Không biết khu công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may tại huyện Phong Điền mà tỉnh đề xuất có nội dung như thế nào hay chỉ hỗ trợ trong một số khâu nào đó thôi, chẳng hạn như sợi, dệt nhuộm…
Nếu chúng ta chủ động được các khâu này, tức là đảm bảo nguồn gốc xuất xứ hàng hóa nội khối thì sẽ mở ra một con đường rất rộng cho ngành dệt may phát triển. Tuy nhiên, đến đây thì có một điều quan ngại khác – đó chính là môi trường. Trong ngành dệt may, người ta e ngại nhất là dệt nhuộm, ngành này dễ gây ra những sự cố môi trường nhất nếu không xử lý triệt để.
Nhiều thông tin trên báo chí, đã có không ít tỉnh đã từ chối các dự án thuộc ngành này vì lo ngại về môi trường. Cũng thông tin từ báo chí, phần lớn các dự án thuộc ngành dệt may ở tỉnh ta đều xây dựng hệ thống xử lý cục bộ đạt tiêu chuẩn. Khi có khu công nghiệp tập trung dành riêng cho ngành dệt may, một hệ thống xử lý chung sẽ được xây dựng và sẽ đầu nối từ hệ thống xử lý của các nhà máy vào hệ thống này. Hy vọng vấn đề môi trường được xử lý triệt để hơn. Khi làm tốt những vấn đề này, thì Thừa Thiên Huế có nhiều lợi thế để phát triển ngành dệt may.
NGUYÊN LÊ