hồ nuôi tôm của ông Nhàn đảm bảo môi trường sạch
Hướng đến “môi trường sạch”
Vài năm gần đây, các hộ nuôi tôm ở Ngũ Điền ý thức hơn trong việc tuân thủ các quy định nuôi tôm theo hướng công nghiệp, an toàn dịch bệnh. Môi trường các vùng nuôi tôm, xung quanh các ao nuôi ngày càng cải thiện. Về các vùng nuôi tôm ở các xã Phong Hải, Điền Hương, Điền Lộc… những ngày này, chúng tôi không còn chứng kiến cảnh rác thải, chai lọ, bao bì đựng thuốc, hóa chất… xả thải bừa bãi quanh ao hồ như nhiều năm trước.
Ông Trương Nhàn ở thôn Hải Nhuận, xã Phong Hải chỉ tay về phía các ao hồ nuôi tôm của mình, bảo: “Các anh thấy đó, trên bờ ao không thấy bất cứ cọng rác nào. Tất cả các chất thải đều đưa vào vị trí quy định, sau đó có xe rác của thôn trung chuyển đến bãi tập kết rác của địa phương. Tui cũng như các hộ trên địa bàn đều tuân thủ quy trình kỹ thuật, xử lý vệ sinh nguồn nước… theo quy định của huyện, xã”.
Ông Nguyễn Trọng Tưởng, Phó Chủ tịch UBND xã Phong Hải thông tin: Yếu tố quan trọng được người dân xã Phong Hải cũng như vùng Ngũ Điền chấp hành khá tốt là việc tuân thủ quy hoạch, quy trình nuôi tôm trên cát. Ngoài các hạng mục chính được huyện đầu tư, các địa phương, người dân còn tự bỏ kinh phí xây dựng thêm hệ thống kênh mương phụ đảm bảo cấp thoát nước, xử lý vệ sinh môi trường. Hầu hết các hộ, nhóm hộ nuôi đều có ao xử lý nước cấp và thải, cứ 3-4 ao nuôi có một ao lắng xử lý nguồn nước.
Hai năm nay, nhất là các vụ nuôi đầu năm, hoặc vụ thu hoạch trong dịp tết, sản lượng tôm đạt khá cao, bình quân từ 8-9 tấn/hồ (3.000m2), năng suất bình quân trên 25 tấn/ha; phần lớn các hộ nuôi đều có lãi từ vài trăm triệu đến trên 500 triệu đồng/vụ/hồ.
Người dân Phong Hải kiểm tra tôm nuôi vụ mới
Chuyên nghiệp hóa
Theo ông Trần Gia Duy, Phó Chủ tịch UBND xã Điền Hương, các vùng nuôi của Công ty cổ phần Chăn nuôi CP tại xã Điền Hương và Điền Môn đã đầu tư 2 hệ thống xử lý nước thải tập trung. Tại Điền Hương cũng như các địa phương khác, huyện đã đầu tư hệ thống kênh dẫn chính, ao chứa lắng và xử lý nguồn nước; hệ thống dẫn từ các ao nuôi của nhóm hộ đã và đang đầu tư cơ bản hoàn thiện. Các hộ, nhóm hộ dành lại 1 ao nuôi để làm ao xử lý.
Ông Nguyễn Đăng Thành, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phong Điền cho rằng, quy hoạch vùng nuôi tôm hợp lý gắn với đầu tư hạ tầng cơ sở đảm bảo theo hướng chuyên nghiệp hóa đang được huyện Phong Điền triển khai. Theo đó, huyện đã quy hoạch hệ thống dẫn nước thải từ hồ nuôi đến hồ chứa nước thải. Hệ thống đường ống khép kín này được chôn ngầm dưới đất (không để nước thải thẩm thấu xuống lòng đất); đường dẫn nước thải từ hồ chứa nước thải ra biển của các tiểu khu đảm bảo cách xa khu vực lấy nước tối thiểu 300m.
Diện tích hồ chứa, xử lý nước thải tại từng tiểu khu tối thiểu 10% diện tích mặt nước cơ sở. Vị trí của các hồ chứa, xử lý này được chọn tại vị trí phía cuối của khu nuôi và gần với kênh thải nhằm tránh ảnh hưởng đến các hồ nuôi.
Qua kiểm tra tại các hộ nuôi, sau khi tôm được thu hoạch thì lượng chất thải rắn trong hồ được người dân thu dọn, chuẩn bị vụ nuôi mới. Bãi chứa bùn thải được người dân xây dựng các bờ đê bao quanh nhằm tránh chất thải chảy ra ngoài, sau đó xử lý theo quy định. Đối với chất thải rắn trong quá trình sinh hoạt, bao bì đựng thức ăn được các hộ nuôi phân loại, thu gom và trung chuyển đến bãi rác của xã để xử lý.
Gần đây, người dân chấp hành tốt quy định của huyện về quy trình kỹ thuật cũng như xử lý chất thải trong ao nuôi. Bà con sử dụng thức ăn chất lượng cao mua từ các cơ sơ sở, đại lý có uy tín, lượng thức ăn được phân bổ hợp lý; đồng thời kết hợp thiết kế ao nuôi khoa học có khả năng rút chất thải đáy ao.
Nước thải nuôi tôm được được người dân thông qua hệ thống dẫn thải từ ao nuôi đến ao chứa lắng để xử lý trước khi thải ra môi trường. Sau khi lắng 1-2 cấp được sử dụng phương pháp sinh học (thả cá, các loại nhuyển thể...), hoặc phương pháp hóa học (dùng hóa chất để lắng chất thải trong nước) nhằm giảm nồng độ các chất thải xuống mức cho phép. Sau đó nguồn nước này được bà con thải ra hệ thống thoát nước bên ngoài... Chấp hành tốt quy hoạch, quy trình kỹ thuật nuôi theo hướng chuyên nghiệp, thời gian gần đây đã hạn chế tối đa ô nhiễm môi trường, tôm ít xảy ra dịch bệnh, nhiều hộ nuôi có lãi, một số hộ lãi từ 500 triệu đồng đến gần 1 tỷ đồng.
Quy hoạch tổng thể nuôi tôm trên cát toàn huyện Phong Điền với diện tích 898,84 ha. Đến nay huyện đã phê duyệt quy hoạch bổ sung và quy hoạch chi tiết hạ tầng nuôi thủy sản trên cát ven biển xã Điền Hòa 56,78 ha, xã Phong Hải 166,55 ha và xã Điền Hương 386,16 ha. Vụ nuôi đầu năm 2018, đến thời điểm này, người dân, các doanh nghiệp đã thả nuôi hơn một nửa diện tích. |
Bài, ảnh: Hoàng Triều