|
Khu sản xuất lắp ráp ô tô của Kim Long Motors Huế |
Kỳ vọng “sếu đầu đàn”
Sự kiện ra mắt sản phẩm xe bus thương hiệu Kim Long vào ngày 3/2 vừa qua chính thức đánh dấu sự gia nhập thị trường ô tô Việt Nam của Công ty cổ phần Kim Long Motors Huế (Kim Long Motors). Những chiếc xe bus mang thương hiệu Việt - Kim Long MOBILINE đầu tiên được các đối tác đưa vào vận hành, khai thác trong dịp tết Nguyên đán 2024 cho thấy sự cam kết của tập đoàn này khi chính thức đặt chân đến Thừa Thiên Huế vào giữa năm 2021.
Ông Võ Phi Hải, Tổng Giám đốc Kim Long Motors chia sẻ, với sự kiện này đơn vị chính thức gia nhập thị trường ô tô Việt Nam. Việc trở thành đối tác chiến lược của các DN vận tải hàng đầu tại Việt Nam cũng là bảo chứng cho năng lực sản xuất, kinh doanh, từng bước khẳng định uy tín của thương hiệu Kim Long Motors.
Hiện nay, Kim Long Motors đang đầu tư xây dựng trên diện tích 160ha tại Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, (KKT CM-LC) vốn đầu tư giai đoạn 1 khoảng 3.330 tỷ đồng. Khác với các DN khác, Kim Long Motors chọn một chiến lược, tập trung mọi nguồn lực nghiên cứu, phát triển và cho ra mắt ô tô bus Việt chất lượng cao, điển hình là các sản phẩm sử dụng động cơ tiêu chuẩn Euro 5 thân thiện với môi trường, với công suất 16.000 xe các loại/năm; trong đó có 2 sản phẩm chủ lực là xe bus từ 30 đến 45 chỗ ngồi và xe trung chuyển khách 16 chỗ ngồi… Bước đầu, đơn vị giải quyết việc làm cho gần 3 nghìn kỹ sư, công nhân, lao động trong, ngoài địa phương. Ngoài hoạt động lắp ráp, sản xuất ô tô, Kim Long Motors đang thực hiện DA kinh doanh hạ tầng công nghiệp tại KKT CM-LC với diện tích gần 435ha, phục vụ dịch vụ kho bãi, hạ tầng logistics…
Tham dự sự kiện trên, ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh nhận định, đây là DA trọng điểm, đóng góp tích cực cho phát triển ngành công nghiệp ô tô, tạo sức lan tỏa để thu hút lĩnh vực công nghiệp phụ trợ ô tô ở Việt Nam. Dự kiến năm 2024, đơn vị này đóng góp ngân sách khoảng 2.000 tỷ đồng, khi hoàn thành toàn bộ DA sẽ đóng góp khoảng 8.000 tỷ đồng/năm và giải quyết việc làm cho khoảng 8.000 lao động...
Cùng với Kim Long Motors Huế, năm 2023, các DA đầu tư mới đưa vào hoạt động tạo xung lực mới ngành công nghiệp, như: DA sản xuất sản phẩm phụ trợ ô tô của Công ty Nakamoto Packs tại KKT CM-LC công suất 3,56 triệu SP/năm; DA nhà máy chế biến bột hạnh nhân của Công ty TNHH Gold Tree Food Việt Nam tại KCN Tứ Hạ công suất 4.800 tấn SP/năm…
Tại TX Hương Thury, tháng 11/2022, DA đầu tư hạ tầng KCN Gilimex khởi công xây dựng với tổng vốn trên 2.600 tỷ đồng, diện tích hơn 460ha, gồm khu A và B. Đây là DA do Công ty CP KCN Gilimex làm chủ đầu tư, được xác định là KCN tổng hợp xanh, sạch, công nghệ tiên tiến, công nghiệp kỹ thuật cao, hiện đại phù hợp quy chuẩn quốc tế… Khi DA đi vào hoạt động sẽ thu hút 20.000 - 30.000 lao động.
Theo lãnh đạo Công ty cổ phần KCN Gilimex, hiện nay DA đang tập trung mọi nguồn lực đẩy nhanh tiến độ; trong đó mới đây DA đã khởi công xây dựng Trạm xử lý nước thải công suất 7.600m3/ngày đêm, với kinh phí 130 tỷ đồng sẽ đưa vào vận hành cuối năm 2024. Đây là điều kiện để thu hút các nhà đầu tư thứ cấp trong, ngoài nước, kỳ vọng là “sếu đầu đàn” hiện nay ở miền Trung.
Lạc quan tăng trưởng
Tín hiệu vui khi sang 2 tháng đầu năm nay, Thừa Thiên Huế có thêm 87 DN thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 855 tỷ đồng, tăng gấp 2,4 lần về vốn với cùng kỳ. Toàn tỉnh đã cấp phép cho 10 DA mới, tổng vốn đăng ký đạt 3.250 tỷ đồng; cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 2 DA và đang lựa chọn nhà đầu tư với tổng vốn đăng ký 712 tỷ đồng…
Theo các chuyên gia kinh tế, qua các dự báo cho thấy, nền kinh tế năm 2024 sẽ tăng trưởng nhưng không mạnh vì chưa thể tránh được những tác động từ tình hình khó khăn của kinh tế thế giới.
Tại hội nghi giao ban KT-XH 2 tháng đầu năm mới đây, UBND tỉnh đã xây dựng kịch bản tăng trưởng GRDP đạt 10% (Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh đề ra 8,5- 9,5%) và phấn đấu thu ngân sách tăng hơn 12% so với năm 2023 là một bài toán. Bởi lý do, đa phần các DN địa phương đều vừa và nhỏ, thậm chí siêu nhỏ. Vì thế, “nhất cử, nhất động” của các “sếu đầu đàn” ở địa phương là những “trụ cột” góp phần để gánh vác của mọi sự tăng hay giảm GRDP và thu ngân sách địa phương. Hơn nữa, sự phát triển của các “sếu đầu đàn” không chỉ liên quan đến đóng góp giá trị tăng trưởng GRDP, thu ngân sách mà còn thu hút hàng nghìn lao động địa phương.