ClockThứ Tư, 06/03/2024 14:12

Thúc đẩy tăng trưởng tín dụng: Giảm lãi suất cần nhưng chưa đủ

TTH - Thúc đẩy tăng trưởng tín dụng ngay từ đầu năm là câu chuyện được nhắc đến nhiều nhất trong những ngày đầu năm 2024, nhất là sau hội nghị trực tuyến toàn ngành về đẩy mạnh tín dụng ngân hàng và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2024. Điều này đủ để thấy, Ngân hàng Nhà nước coi đây là giải pháp quan trọng và xuyên suốt nhằm ổn định thị trường tiền tệ, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2024.

Đẩy mạnh tín dụng hỗ trợ nền kinh tếNgân hàng Nhà nước yêu cầu đẩy mạnh tín dụng ngay đầu nămLo tăng trưởng tín dụng từ đầu năm

Các ngân hàng đẩy mạnh triển khai các gói tín dụng ưu đãi 

Áp lực lớn

Tăng trưởng tín dụng 12% là con số mà Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh đặt ra cho hệ thống các tổ chức tín dụng trên địa bàn trong năm 2024. Con số này hiện đang thấp hơn so với mức tăng trưởng mà Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đặt ra cho hệ thống các tổ chức tín dụng trên toàn quốc. Dù vậy, đây vẫn là thách thức không nhỏ đối với các tổ chức tín dụng cũng như chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, bởi tăng trưởng tín dụng phụ thuộc rất nhiều vào quy mô nền kinh tế, tình hình hoạt động của doanh nghiệp… chứ không phải chỉ có chính sách tiền tệ.

Trong khi các dự báo đều cho thấy kinh tế khó bứt tốc trong năm 2024. Và ngay trong 2 tháng đầu năm đã có sự lệch pha giữa số doanh nghiệp thành lập mới với doanh nghiệp đăng ký tạm ngưng hoạt động. Khi tính đến 29/2, toàn tỉnh có 87 doanh nghiệp thành lập mới và 97 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tuy nhiên số doanh nghiệp đăng ký tạm ngưng hoạt động lên đến 335 doanh nghiệp, tăng 105 doanh nghiệp so với cùng kỳ năm trước, ngoài ra còn có 16 doanh nghiệp giải thể tự nguyện. Đây là áp lực không nhỏ cho tăng trưởng kinh tế nói chung và tăng trưởng tín dụng nói riêng, vì doanh nghiệp được coi là đầu tàu trong phát triển kinh tế.

Trước áp lực đó để thực hiện theo đúng định hướng ngay trong những ngày đầu năm 2024, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh đã phát động phong trào thi đua trong toàn ngành. Cùng với đó trong hầu hết các chỉ đạo, điều hành của mình, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh yêu cầu các tổ chức tín dụng tập trung tăng trưởng ngay từ đầu năm đi đôi với kiểm soát nâng cao chất lượng tín dụng, hướng tín dụng vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ và chính sách phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Đồng thời, tiếp tục tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay, triển khai quyết liệt, thực hiện có hiệu quả các giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng. Triển khai giải pháp ứng dụng dữ liệu từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong hoạt động cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh thông tin, chi nhánh đang tăng cường các hoạt động theo dõi, giám sát tình hình cấp tín dụng đối với các ngành, lĩnh vực trên địa bàn, đặc biệt là tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Theo dõi sát diễn biến lãi suất để tổ chức các đoàn kiểm tra chuyên đề đối với các tổ chức tín dụng trên địa bàn về thực hiện chủ trương, chính sách của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước về giảm lãi suất cho vay hỗ trợ nền kinh tế. Nắm bắt và đôn đốc việc triển khai chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng theo Nghị quyết 33 của Chính phủ, chương trình tín dụng 15.000 tỷ đồng cho vay lĩnh vực lâm sản, thủy sản; chương trình tín dụng thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn. Theo dõi tình hình triển khai cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02 của Ngân hàng Nhà nước.

Giảm lãi suất, tăng cường các chương trình đồng hành

Không chỉ đầu năm 2024 mà ngay trong những tháng cuối năm 2023, các  ngân hàng trên địa bàn đều đã thực hiện triển khai rất nhiều chương trình tín dụng, áp dụng giảm lãi suất cho các đối tượng khách hàng nhằm thực hiện các mục tiêu tăng trưởng. Thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy đến cuối tháng 1, mặt bằng lãi suất tiền gửi và cho vay giảm lần lượt khoảng 0,15%/năm và 0,25%/năm so với cuối năm 2023.

Trong đó, Agribank đã 2 lần giảm lãi suất huy động với mức giảm từ 0,3 - 0,5% và 1 lần giảm lãi suất cho vay ngắn hạn với mức giảm từ 0,5 - 1%. Hiện, lãi suất cho vay bình quân của Agribank giảm 0,42%/năm so thời điểm đầu năm 2023 và giảm 0,13% so với thời điểm đầu năm 2024. Ngoài ra, ngân hàng này cũng dành gần 60.000 tỷ đồng vốn ưu đãi triển khai 5 chương trình tín dụng lãi suất thấp dành cho khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp. Với các lĩnh vực ưu tiên, Agribank áp dụng mức lãi suất ưu đãi cố định 6%/năm; khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ áp dụng lãi suất ưu đãi thấp hơn lãi suất cho vay thông thường đến 1,5%/năm; lãi suất cho vay ngắn hạn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng sẽ được áp dụng với mức thấp hơn sàn lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa 2,0%/năm…

Thúc đẩy cho vay ngắn hạn và các chương trình tín dụng ưu đãi cho từng nhóm khách hàng là giải pháp của hầu hết các ngân hàng trên địa bàn. Ngoài ra, các ngân hàng cũng đang triển khai rất nhiều giải pháp cải tiến quy trình, thủ tục cho vay, đẩy mạnh áp dụng công nghệ trong quy trình cho vay nhằm đẩy nhanh tốc độ, thời gian xử lý hồ sơ, tiết giảm tối đa thời gian thẩm định, phê duyệt tín dụng.

Thực tế cho thấy, các ngân hàng triển khai rất nhiều giải pháp thúc đẩy tín dụng. Song trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, các doanh nghiệp chưa thể nắm bắt thời cơ để bứt phá thì khó lòng tận dụng đòn bẩy tín dụng để tạo sự bứt phá. Người dân cũng không sẵn sàng cho việc chi tiêu bởi những nhận định, đánh giá về nền kinh tế chưa thật sự sáng sủa.

Các ngân hàng đều có chung nhận định, hiện giảm lãi suất không còn là yếu tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng tín dụng cũng như thúc đẩy khả năng hấp thu của nền kinh tế. Mà quan trọng hơn vẫn là các giải pháp kích cầu nền kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp, tháo gỡ các vướng mắc pháp lý thúc đẩy các dự án mới đầu tư…

Tại hội nghị đẩy mạnh tín dụng ngân hàng và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2024, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú còn yêu cầu các ngân hàng phải công bố lãi suất cho vay bình quân làm căn cứ để người dân, doanh nghiệp lựa chọn các ngân hàng có chính sách hỗ trợ tốt cho người dân, doanh nghiệp. Ngoài ra, các ngân hàng cũng cần tăng cường các hoạt động kết nối ngân hàng, doanh nghiệp. Thay vì các hoạt động hội nghị tri ân khách hàng, các ngân hàng cần tạo nên các diễn đàn để doanh nghiệp có thể tiếp cận với các thông tin tín dụng, tháo gỡ các vướng mắc của khách hàng và triển khai nhiều hơn các hoạt động đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp.

Bài, ảnh: Hoàng Loan
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Doanh nghiệp kỳ vọng vào sự tăng trưởng

Hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trong những tháng đầu năm có những dấu hiệu khởi sắc. Nhiều doanh nghiệp có đơn hàng trở lại, lãi suất ngân hàng hạ nhiệt… là những yếu tố thuận lợi để doanh nghiệp chủ động thực hiện tốt kế hoạch hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Doanh nghiệp kỳ vọng vào sự tăng trưởng
ASEAN trở thành điểm đến chính của FDI lĩnh vực sản xuất

Đầu tư cho sản xuất tại Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang bùng nổ. ASEAN đã trở thành điểm đến mục tiêu của các công ty đa quốc gia và có vai trò cực kỳ quan trọng trong kỷ nguyên cạnh tranh quyền lực toàn cầu. Khối 10 quốc gia với hơn 660 triệu dân này được hưởng lợi từ các chiến lược “Trung Quốc + 1” vốn đã tăng tốc kể từ sau đại dịch COVID-19, khi các doanh nghiệp đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ sang một hoặc nhiều quốc gia ASEAN để tránh việc quá tập trung vào thị trường Trung Quốc.

ASEAN trở thành điểm đến chính của FDI lĩnh vực sản xuất
Giá lương thực toàn cầu dự báo giảm trong năm 2024

Theo dự báo của hãng tư vấn kinh tế Oxford Economics, giá hàng hóa thực phẩm thế giới sẽ ghi nhận sự sụt giảm trong năm nay, làm giảm áp lực lên giá bán lẻ thực phẩm. Động lực chính đằng sau sự sụt giảm này là “nguồn cung dồi dào” đối với nhiều loại cây trồng quan trọng, đặc biệt là lúa mì và ngô.

Giá lương thực toàn cầu dự báo giảm trong năm 2024
Return to top