|
|
Du khách trải nghiệm tại không gian nghề truyền thống của 2 nước Nhật - Hàn |
Cùng với các chương trình, hoạt động diễn ra trong suốt 8 ngày đêm tại Festival NTT Huế 2023, không gian trưng bày các sản phẩm thủ công truyền thống của 6 thành phố và 2 tổ chức quốc tế có quan hệ hợp tác, kết nghĩa với TP. Huế đã tạo nên sức hút cho lễ hội năm nay.
Tại không gian này, du khách và người dân được thưởng thức các sản phẩm dệt may với nghệ thuật nhuộm tự nhiên đến từ các nghệ nhân Gongju và các tác phẩm sơn mài khảm xà cừ của Namyangju (Hàn Quốc); trải nghiệm thú vị với Hanbok Fashion Show cùng với các nghệ nhân, người mẫu của Hiệp hội thủ công NTT Hàn Quốc. Đồng thời, tham quan lễ hội truyền thống Saijo, kiệu Danjiri và đèn lồng thông qua hình ảnh và những thước phim sống động do thành phố Saijo mang đến cùng với khu trải nghiệm viết chữ trang trí lên giấy trang trí đèn lồng, các sản phẩm chạm khắc thủ công của thành phố Takayama và hàng thủ công bằng tre Suruga, đồ sơn mài Suruga của Shizuoka, các sản phẩm gốm Tamba đến từ thành phố Sasayama (Nhật Bản).
Bà Lee, cơ sở nghề Hàn Quốc cho rằng, lần đầu tiên tham gia Festival NTT Huế, song bà rất vinh dự, tự hào bởi mong muốn góp phần nhỏ bé của mình trong việc xây dựng mối quan hệ hữu nghị đoàn kết Việt - Hàn ngày càng bền chặt, tốt đẹp hơn. Theo ông Lee Ga Rak, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Văn hóa Hàn Quốc, với nhiều nét tương đồng trong văn hóa và con người đã tạo nên sự gắn kết giữa 2 đất nước Hàn - Việt. Dù đã 7 lần đến Việt Nam tham gia các hoạt động trao đổi văn hóa và lễ hội lớn, song ông vẫn mong muốn có cơ hội muốn được đưa các nghệ nhân truyền thống Hàn Quốc quay trở lại Vệt Nam, đến Huế để giao lưu, học hỏi và cùng trải nghiệm các hoạt động văn hóa.
Phó Chủ tịch UBND TP. Huế, ông Trần Song cho rằng, không gian trưng bày các sản phẩm thủ công truyền thống của các thành phố và tổ chức quốc tế là dịp để thành phố tiếp tục tăng cường giao lưu, thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác với các thành phố trên thế giới nói riêng, giữa Việt Nam - Nhật Bản - Hàn Quốc nói chung. Qua đó, tạo điều kiện phát triển các thương hiệu sản xuất hàng thủ công truyền thống của Huế, của Việt Nam và các đối tác quốc tế.
Với sự tham gia của 37 nghệ nhân đến từ các thành phố của Hàn Quốc và Nhật Bản, Viện Nghiên cứu văn hóa truyền thống Hàn Quốc và Viện Xúc tiến nghiên cứu văn hóa Hàn Quốc là dịp để TP. Huế giao lưu và phát triển các thương hiệu sản xuất hàng thủ công truyền thống của Việt Nam và các đối tác quốc tế. Các nhà nghiên cứu, các nhà thiết kế, các nghệ nhân đến từ Nhật Bản và Hàn Quốc đã mang đến Huế những sản phẩm tinh hoa, đặc sắc để làm nên một không gian trưng bày đa sắc màu.