Khai thác thủy sản quanh rừng ngập mặn ở Quảng Lợi
Vẫn còn thách thức
Trong khi nhiều người ý thức bảo vệ ngư trường thì một bộ phận ngư dân vẫn chưa từ bỏ các nghề khai thác thủy sản trái phép, hủy diệt NLTS đặt ra nhiều khó khăn, thách thức đối với lực lượng chức năng. Các chi hội nghề cá (CHNC) tổ chức nhiều đợt tuần tra định kỳ, đột xuất, phối hợp xử lý nhiều trường hợp vi phạm khai thác trong khu bảo vệ NLTS. Số vụ vi phạm được bắt giữ chỉ là “phẩn nổi của tảng băng trôi” so với số lượng đối tượng khai thác trái phép bị phát hiện, xua đuổi, bắt giữ nhưng không thành công.
Tính riêng năm 2020, CHNC Thạch Sơn, xã Lộc Điền (Phú Lộc) tổ chức hàng chục lượt tuần tra trên vùng đầm phá, phát hiện, xua đuổi nhiều đối tượng vi phạm. Chi hội bắt giữ 4 trường hợp sử dụng tàu khai thác trong khu BVNLTS, bàn giao UBND huyện Phú Lộc xử lý và 4 trường hợp vi phạm bàn giao UBND xã Lộc Điền xử lý. CHNC Trung Hưng, xã Vinh Hưng (Phú Lộc) tổ chức 40 lượt tuần tra, phối hợp với lực lượng công an phát hiện 5 trường hợp, trong đó 1 trường hợp sử dụng xung điện, 4 trường hợp đánh bắt trong khu bảo vệ; truy bắt 6 trường hợp nhưng không thành công…
Ông Trần Xuân Tám, Chi hội trưởng CHNC Vinh Hiền (Phú Lộc) nan giải: Một trong số những bất cập trong tuần tra, bảo vệ ngư trường là sau khi tuần tra, bắt giữ các đối tượng khai thác vi phạm, cơ quan chức năng chậm xử lý, không công bố rộng rãi hình thức xử phạt, mức xử phạt để răn đe các đối tượng. Ban điều hành CHNC cơ sở hầu hết làm việc tự nguyện, không được hưởng chính sách hay nguồn thu nhập nào từ các hoạt động quản lý, BVNLTS; thiếu nhân lực, thiếu nguồn tài chính hoạt động nên quá trình điều hành, tổ chức các hoạt động chưa tốt.
Ông Hồ Trúc, Chi hội trưởng CHNC thôn Hà Công, xã Quảng Lợi (Quảng Điền) cho rằng, khó khăn lớn hiện nay đối với CHNC là thiếu trang thiết bị, dụng cụ hỗ trợ, đèn pha, xăng dầu. Thuyền tuần tra công suất nhỏ, khó truy bắt các đối tượng khai thác trộm. Trong khi đó, các đối tượng vi phạm thường sử dụng thuyền công suất lớn, đi theo nhóm khai thác, chống trả quyết liệt khi các CHNC truy bắt.
TS. Nguyễn Quang Vinh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh đánh giá, một số chính quyền địa phương thiếu quan tâm hỗ trợ quản lý, BVNLTS, xem đây là việc của CHNC, Chi cục Thủy sản. Sự phối hợp trong quá trình quản lý, BVNLTS giữa các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, tổ chức xã hội-nghề nghiệp, tổ chức nghiên cứu trong và ngoài nước chưa chặt chẽ, chưa thường xuyên.
Ông Bình cũng nêu rõ, một trong những khó khăn lớn hiện nay là thiếu cơ chế, chính sách khuyến khích công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong khai thác, bảo vệ và phát triển NLTS. Chẳng hạn, việc sản xuất giống có giá trị kinh tế, tái tạo các loài quý hiếm chưa được quan tâm đầu tư.
Hoạt động giám sát, đánh giá biến động môi trường và NLTS tại các khu BVNLTS để xác định sự hiện diện các loài và phát triển thủy sản tại vùng lõi làm cơ sở điều chỉnh, đề xuất các giải pháp quản lý trong giai đoạn mới. Hoạt động này đòi hỏi tiến hành thường xuyên mới có được số liệu mang tính hệ thống, trong khi nguồn kinh phí cho hoạt động này không có nên chưa thể triển khai.
Cần đầu tư đồng bộ
Ông Phan Văn Ty, Trưởng thôn Ngư Mỹ Thạnh, xã Quảng Lợi cho rằng, trong điều kiện còn nhiều khó khăn như hiện nay, cần có giải pháp đầu tư đồng bộ trong công tác quản lý, BVNLTS đầm phá Tam Giang-Cầu Hai. Trước hết, các CHNC phối hợp với các hội, đoàn thể tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức về các quy định, chế tài xử lý vi phạm khai thác thủy sản đến từng hộ ngư dân. Ngành thủy sản, chính quyền địa phương tổ chức các hoạt động giáo dục nâng cao hiểu biết, ý thức BVNLTS cho cộng đồng ngư dân, con em học sinh vùng đầm phá bằng nhiều hình thức như hội thi rung chuông vàng, tìm hiểu và chia sẻ kinh nghiệm quản lý khu BVNLTS...
Ông Lê Thiết, hội viên CHNC Vinh Hiền đề xuất, các địa phương triển khai các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao kỹ năng quản lý, khai thác và bảo vệ vùng nước được tỉnh giao, đảm bảo năng lực tự quản, phối hợp với hệ thống cơ quan Nhà nước quản lý và phát triển khu BVNLTS. Cơ quan chức năng có chính sách hỗ trợ, khuyến khích ngư dân tự chủ tài chính, sáng tạo, phát triển các lợi thế nhằm cải thiện sinh kế bền vững thông qua các hoạt động du lịch sinh thái, dịch vụ trong khai thác và nuôi trồng thủy sản.
Theo ông Thiết, các CHNC cần được hỗ trợ kinh phí, trang cấp các thiết bị, phương tiện như thuyền công suất lớn, đèn pha, áo phao, xăng dầu... phục vụ hoạt động tuần tra, giám sát ngư trường và tự quản lý của cộng đồng. Đồng thời hỗ trợ nguồn giống thả bổ sung một số đối tượng thủy sản phù hợp, loài có giá trị kinh tế trong các hệ thống khu BVNLTS.
Ông Nguyễn Quang Vinh Bình kiến nghị, để quản lý, bảo vệ và phát triển NLTS đầm phá nói chung, các khu BVNLTS nói riêng thuận lợi và hiệu quả, Sở NN&PTNT cần tiếp tục phân bổ kinh phí ngân sách sự nghiệp tăng thêm để triển khai mạng lưới khu BVNLTS phát triển đồng bộ, theo chiều sâu; từng bước hướng dẫn cho các tổ chức cộng đồng mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế dựa trên vùng nước được UBND tỉnh giao quyền quản lý. UBND các huyện, thị xã vùng đầm phá bổ sung thêm ngân sách địa phương và cán bộ chuyên trách nhằm phát huy vai trò quản lý, hỗ trợ điều phối tốt mạng lưới khu BVNLTS nói riêng, quản lý, khai thác và BVNLTS đầm phá nói chung...
Bài, ảnh: HOÀNG TRIỀU