Buổi làm việc với các nhà đầu tư tại huyện Phú Lộc
Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc
Báo cáo với Bí thư Tỉnh ủy - Lê Trường Lưu và đoàn công tác của tỉnh, thay mặt các chủ đầu tư, ông Nguyễn Duy Hưng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Sài Gòn - Huế (đơn vị thực hiện Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng Khu Công nghiệp và Khu phi Thuế quan Sài Gòn - Chân Mây) khẳng định, công ty luôn tích cực, chủ động kêu gọi các nhà đầu tư thứ cấp và tham gia các chương trình xúc tiến đầu tư của các cấp chính quyền, các tổ chức, trong và ngoài nước.
Riêng trong giai đoạn 2019 - 2021, công ty thu hút được các nhà đầu tư thứ cấp thuê nhà xưởng, thuê đất và ký kết hợp đồng thuê nhà xưởng, thuê đất với tổng vốn đăng ký đầu tư 48 triệu USD và 63 tỷ đồng Việt Nam, diện tích đất thuê là 27,10ha. Đến nay, công ty đã triển khai công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng với diện tích hơn 118ha và tổng tiền đã chi trả là 90,27 tỷ đồng.
Mặc dù công ty đã tập trung mọi nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án. Tuy nhiên, do công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng thời gian qua gặp nhiều khó khăn, vướng mắc dẫn đến việc bàn giao mặt bằng kéo dài; ảnh hưởng đến tiến độ.
Một số dự án như: Khu liên hiệp sản xuất, lắp ráp Kim Long Motors Huế; Khu Công nghiệp và Khi phi Thuế quan Sài Gòn - Chân Mây; Nhà máy chế xuất Billion Max Việt Nam; Nhà máy Nakamoto Việt Nam cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc nhất định. Trong đó, liên quan đến giải phóng mặt bằng; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rừng sản xuất; bồi thường giải phóng mặt bằng…
Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu khẳng định, vấn đề thủ tục hành chính cũng phải được quan tâm triển khai nhanh nhất
Để thuận lợi cho việc đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án xây dựng hạ tầng tại Khu Công nghiệp và Khu Phi thuế quan Sài Gòn - Chân Mây; đồng thời sớm có quỹ đất sạch cho nhà đầu tư thứ cấp và nâng cao công tác thu hút đầu tư nước ngoài vào, Công ty cổ phần Đầu tư Sài Gòn - Huế kiến nghị với Bí thư Tỉnh ủy - Lê Trường Lưu và các sở ban, ngành chỉ đạo cơ quan có thẩm quyền giải quyết vướng mắc về đền bù giải phóng mặt bằng; giải quyết những phản hồi của nhà đầu tư thứ cấp.
Cho phép công ty cấn trừ hoặc hoàn trả các chi phí đầu tư ngoài ranh giới dự án như: đường Tây Cảng Chân Mây và chi phí rà phá bom mìn. Mong muốn của các nhà đầu tư là làm sao để tỉnh và huyện bàn giao mặt bằng đúng tiến độ như đã cam kết.
Trước những khó khăn, vướng mắc trên của Công ty cổ phần Đầu tư Sài Gòn - Huế và các nhà đầu tư, lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh và chính quyền địa phương huyện Phú Lộc đã giải đáp, làm rõ thêm nhiều vấn đề mà các nhà đầu tư quan tâm. Đồng thời khẳng định, các sở, ban, ngành của tỉnh và chính quyền địa phương huyện Phú Lộc đã và đang tích cực phối hợp, cùng với các chủ đầu tư để từng bước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư, nhất là trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, bàn giao mặt bằng sạch.
“Phối hợp giải quyết và luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp, nhà đầu tư được chúng tôi xác định rất rõ. Khó khăn, vướng mắc đều cùng tìm cách tháo gỡ để các dự án của các nhà đầu tư sớm đi vào hoạt động”, ông Nguyễn Văn Mạnh, Bí Thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc khẳng định.
Đồng hành và hỗ trợ nhà đầu tư tối đa
Công nhân làm việc tại nhà máy sản xuất đồ chơi trong Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô
Trên cơ sở các ý kiến và trực tiếp đến kiểm tra hoạt động ở một số nhà máy, Bí thư Tỉnh ủy - Lê Trường Lưu chỉ đạo, các sở, ban, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương liên quan tập trung để giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện tối đa nhất cho các nhà đầu tư. Nếu khó khăn, cần tổ chức thêm lực lượng tham gia giải phóng mặt bằng; cần thiết thì triệu tập thêm nhân lực có chuyên môn để cùng phối hợp thực hiện.
Bên cạnh đó, cần huy động tổ công tác dân vận, có thể là Mặt trận, Ban Dân vận Huyện ủy cùng với lực lượng khác gặp gỡ, tuyên truyền, vận động, giải quyết những thắc mắc của người dân. Các đơn vị, địa phương cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các chủ đầu tư để giải quyết khó khăn, vướng mắc theo từng giai đoạn một, thời gian cụ thể.
Bí thư Tỉnh ủy - Lê Trường Lưu khẳng định, ngoài giải quyết những khó khăn trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng thì vấn đề thủ tục hành chính cũng phải được quan tâm triển khai nhanh nhất, thuận lợi nhất cho chủ đầu tư, kể cả vấn đề thuế, cần rút ngắn thời gian. Phát huy hiệu quả trong giải quyết thủ tục hành chính một cửa, một cửa liên thông để tránh mất thời gian của chủ đầu tư.
Các nhà đầu tư cũng cần tính toán để triển khai xây dựng các thiết chế đô thị, phục vụ các chuyên gia và người lao động đến làm việc tại các công ty, nhà máy trong Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô. Các thủ tục đấu giá mỏ đất để san lấp mặt bằng cũng phải tính toán sao cho thật nhanh, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư.
Việc phối hợp giữa các cơ sở đào tạo, chính quyền và doanh nghiệp để có nguồn lao động chất lượng cao thời gian qua chưa tốt. Do vậy, cần làm tốt hơn, đào tạo, dạy nghề trên cơ sở nhu cầu sử dụng lao động trực tiếp của doanh nghiệp. Tất cả các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương phải thực hiện đúng cam kết với chủ đầu tư trong giải phóng, bàn giao mặt bằng và có báo cáo tiến độ theo quy định. Tinh thần đặt ra là luôn đồng hành và hỗ trợ các nhà đầu tư tối đa.
Doanh nghiệp phấn khởi trước sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh về đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng
Bài, ảnh: Anh Phong