Cảng biển Chân Mây-nơi thu hút nhiều lao động địa phương có thu nhập ổn định
Nhờ môi trường công nghiệp
Năm 2017, anh Nguyễn Văn Phong (Phong Chương, Phong Điền) rời bỏ ruộng đồng vốn gắn bó từ tuổi thơ vào làm công nhân may mặc tại Công ty SCavi-Huế. Trước khi vào môi trường làm việc mới, anh Phong có gần một năm học chuyên ngành may vì thế luôn được đồng nghiệp tin tưởng. Hàng tháng, thu nhập 6-7 triệu đồng - mức lương chưa phải lớn nhưng giúp anh Phong sống tốt ở quê nhà. Theo nghề may công nghiệp được 2 năm, Phong tạo điều kiện để vợ trở thành đồng nghiệp, thoát cảnh chân lấm tay bùn. Anh nói: "Nhà ở cách nơi làm việc chưa đến 5km, sáng đi chiều về, áo quần tươm tất sạch sẽ, có thời gian giao tiếp với đồng nghiệp thấy cuộc sống ý nghĩa".
Gắn bó với cảng Chân Mây, thuộc KKT Chân Mây-Lăng Cô (CM-LC) hơn 5 năm, hiện nay anh Hoàng Văn Tám (xã Lộc Vĩnh, Phú Lộc) là cán bộ phòng điều độ xuất nhập hàng hóa, với mức thu nhập bình quân gần 8 triệu đồng/tháng. Ở môi trường làm việc này, anh Tám phát huy được nghề nghiệp, xây dựng cuộc sống gia đình hạnh phúc. "Nhu cầu kinh tế cho cuộc sống là vô cùng, nhưng hiện tại mình thấy mãn nguyện, vui vẻ khi có mức thu nhập, làm việc tại cảng"- anh Tám chia sẻ.
Trường hợp như anh Tám hiện nay chỉ tính riêng xã Lộc Vĩnh đã lên con số hàng trăm,vào làm việc các nhà máy, nhà xưởng ở KKT CM-LC, trong đó rất nhiều trường hợp xa quê trở về với mức thu nhập ổn định.
Ông Đặng Hữu Phúc, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết, các KKT, KCN đóng vai trò rất lớn trong giải quyết việc làm, nhất là lứa tuổi trẻ và trung niên. Trước đây, phần lớn lao động ở các địa phương Phú Vang, Phú Lộc, Phong Điền vào miền Nam tìm việc, thì nay nhiều người ở lại làm việc trong các KCN gần nhà. Bình quân mỗi năm, các cơ sở đào tạo nghề thuộc Sở LĐ-TB&XH đào tạo, nâng cấp hơn 14 nghìn trường hợp lao động có tay nghề, trong đó phần lớn vào làm việc tại các KKT, KCN có thu nhập ổn định. Không chỉ dạy nghề, nhiều lao động được trang bị những kỹ năng, tác phong công nghiệp, qua đó giúp thay đổi thói quen cho những công nhân vốn xuất thân từ nông dân, lao động tự do thích ứng với môi trường làm việc chuyên nghiệp hơn.
Thúc đẩy phát triển kinh tế
Mới đây, trong lần trò chuyện với lãnh đạo Cảng Chân Mây, tôi đồng cảm với lời chia sẻ, nếu lĩnh vực nông nghiệp đóng vai trò nền tảng nhưng để đi nhanh, làm đòn bẩy phát triển kinh tế chỉ có công nghiệp. Đó là lý do tỉnh có chủ trương xây dựng KCN Phú Bài, tiếp theo mong muốn có KKT CM-LC ra đời để tạo động lực và cơ sở kết nối cho nhiều KCN Phú Đa, Tứ Hạ, La Sơn, Phong Điền... hình thành.
Nhà máy chế biến khoáng sản Phenikaa ở KCN Phong Điền thu hút lao động địa phương có thu nhập ổn định
Đến nay các KKT, KCN trên địa bàn tỉnh đã thu hút 155 dự án (DA) đầu tư với tổng vốn đăng ký khoảng 109.658 tỷ đồng; trong đó có 34 DA vốn FDI với vốn đầu tư đăng ký khoảng 68.350 tỷ đồng. Thời gian gần đây, dù ảnh hưởng dịch COVID-19 nhưng nhìn chung hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN tăng trưởng đều qua các năm, vượt các chỉ tiêu theo kế hoạch đề ra. Năm 2021, kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt 1,35 tỷ USD, tăng 69% so kế hoạch; doanh thu đạt 32.300 tỷ đồng, tăng 9% so kế hoạch; nộp ngân sách đạt 3.667,9 tỷ đồng, tăng 4% so với năm 2020; giải quyết việc làm hơn 43.000 lao động, tăng 15% so với năm 2020.
Theo ông Lê Văn Tuệ, Trưởng Ban Quản lý các KKT, KCN tỉnh, một trong những đóng góp của các KKT, KCN là chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ, đặc biệt giải quyết việc làm cho nhiều lao động phổ thông. Nhiều khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong hoạt động đầu tư đã được tháo gỡ. Đặc biệt, thông qua việc đẩy mạnh các giải pháp chiến lược về cải cách hành chính, xúc tiến đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, môi trường đầu tư cũng thay đổi rõ nét, từ đó thúc đẩy và nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư vào các KKT, KCN trên địa bàn .
Thực tế nhiều năm qua việc kêu gọi đầu tư vào KKT, KCN luôn được tỉnh quan tâm với nhiều văn bản, nghị quyết nhằm thúc đẩy công nghiệp phát triển. Thừa Thiên Huế đang tập trung xây dựng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh theo định hướng tại Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị. Vì thế việc đầu tư xây dựng các KKT, KCN thu hút các DA tại địa phương phải thân thiện với môi trường.
Ông Lê Văn Tuệ khẳng định, chủ trương xuyên suốt của tỉnh là xây dựng Huế xanh - sạch - đẹp, do đó, đơn vị luôn chú trọng rà soát điều chỉnh, tập trung đầu tư phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng KKT, KCN sạch đẹp. Trong thu hút các DA sản xuất kinh doanh tại các KKT, KCN cũng được thẩm định chặt chẽ, ưu tiên các ngành nghề, như công nghiệp nhẹ, công nghiệp sạch, điện tử, y tế, công nghệ thông tin... Bên cạnh đó, thu các DA đầu tư hạ tầng cảng biển, logistics, sản xuất công nghiệp và các DA đầu tư khu đô thị, du lịch sinh thái... với những nhà đầu tư chiến lược đủ năng lực, kinh nghiệm, góp phần đưa Thừa Thiên Huế phát triển xứng tầm một trung tâm kinh tế văn hóa ở khu vực miền Trung, cả nước...
Bài, ảnh: Minh Văn