ClockThứ Hai, 29/04/2019 07:24

Làng nghề cải tiến quy trình sản xuất

TTH - Tháng 3/2019, UBND tỉnh phê duyệt đề án “Phát triển công nghiệp nông thôn (CNNT) đến năm 2025” với tổng kinh phí gần 1.900 tỷ đồng.

Đủ tài, đủ tâm làng nghề sẽ sống

Sản phẩm mây tre đan Bao La được khắc lôgô bằng kỹ thuật khắc laze

Hạn chế do thủ công

Trong câu chuyện với chúng tôi, Giám đốc HTX Mây tre đan Bao La - ông Võ Văn Dinh khẳng định, đến thời điểm này, sản phẩm của HTX làm ra không đủ để cung ứng cho thị trường, nhiều đơn hàng phải hủy bỏ do không đáp ứng đủ số lượng. Trong khi đó, thu nhập của người lao động chưa cao do năng suất thấp, ảnh hưởng đến tiến độ công việc.

Ông Dinh giải thích, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do đa số các công đoạn sản xuất các sản phẩm, như: đèn bát, đèn ngủ, khay trà, lồng bàn, khay mứt, rổ, rá và các sản phẩm trang trí nội ngoại thất được sản xuất từ mây, tre đều làm thủ công nên mất nhiều thời gian, năng suất thấp và số lượng ít nên không đáp ứng các đơn đặt hàng lớn.

Chủ cơ sở Cỏ Bàng NX Nguyễn Viết Nam trăn trở, nếu như làng nghề có máy đập cỏ bàng thì người dân làng nghề bớt khổ. Bởi, lâu nay các công đoạn để tạo ra các sản phẩm, như túi xách, mũ, hộp đựng bút, khung ảnh… đều làm thủ công nên năng suất thấp dẫn đến giá thành cao, khó cạnh tranh với các sản phẩm trên thị trường.

Ông Nam giải thích, để duy trì và phát triển nghề đệm bàng truyền thống, ông và nhiều người dân trong làng đứng ra vận động bà con chăm sóc cỏ bàng, tranh thủ thời gian đan lát để tăng thu nhập. Song, cái khó và tốn nhiều công sức nhất đối với nghề đó là công đoạn đập cỏ bàng, ảnh hưởng đến năng suất, trong khi người dân làng nghề chưa thể đầu tư máy do kinh phí quá lớn.

Tăng giá trị

Với trên 1 ngàn hộ dân tham gia sản xuất, nghề dệt zèng (thổ cẩm) của đồng bào Tà Ôi, A Lưới đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và giải quyết một lượng lớn lao động nhàn rỗi. Song, trước đây người dân gặp khá nhiều khó khăn trong khâu tiêu thụ do sản phẩm chủ yếu dệt thủ công nên năng suất thấp, giá thành cao và chất lượng chưa đồng đều.

Nguyên nhân là do sản phẩm chủ yếu dệt thủ công nên chất liệu vải dày, giá thành cao (1 tấm vải có giá bán 500 ngàn đồng) nên không đủ cung ứng cho các đối tác và không thể sử dụng để may trang phục học sinh hay các sản phẩm dân dụng khác. Cuối năm 2018, thông qua nguồn vốn khuyến công, Sở Công thương hỗ trợ HTX Dệt thổ cẩm A Co 35 triệu đồng trang bị máy sản xuất sản phẩm vải zèng bao gồm bộ dàn khung dệt cải tiến và các phụ kiện đi kèm, công suất 30m vải/ngày.

Giám đốc HTX, bà Trương Thị Huyền cho biết, sau khi đưa máy dệt vào hoạt động, năng suất dệt tăng lên gấp 4-5 lần so với dệt thủ công, đồng thời giá thành hạ và chất liệu vải mềm, mát nên các trường học trên địa bàn huyện đã đặt may đồng phục học sinh với số lượng lớn, góp phần khôi phục nghề truyền thống và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.

Cũng trong năm 2018, HTX Mây tre đan Bao La được Sở Công thương hỗ trợ 50% kinh phí trang bị máy khắc cắt laser khắc các biểu tượng Huế, linh vật lên sản phẩm mây tre đan nhằm nâng cao giá trị và chất lượng sản phẩm.

“Hiện, HTX đã có máy khắc để khắc tên, lô gô lên sản phẩm để nhận diện thương hiệu sản phẩm làng nghề, song các công đoạn khác vẫn còn làm thủ công do thiếu vốn nên chưa thể nhận các đơn hàng lớn”, ông Dinh chia sẻ.

Chuyển giao công nghệ

Phát biểu tại buổi kiểm tra hoạt động sản xuất tại các làng nghề truyền thống mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ yêu cầu các HTX, cơ sở sản xuất trên địa bàn phải nghiên cứu để cải tiến quy trình sản xuất, đưa cơ giới hóa vào sản xuất để giảm nhân công, tăng năng suất. Để đứng vững và phát triển, các làng nghề phải xây dựng thương hiệu, thiết kế mẫu mã, lựa chọn chất liệu... Các làng nghề phải nghiên cứu và có nhiều giải pháp tích cực để làng nghề phải nuôi sống người dân làng nghề.

Tháng 3/2019, UBND tỉnh phê duyệt đề án “Phát triển CNNT đến năm 2025” với tổng nguồn vốn gần 1.900 tỷ đồng, trong đó đề án sẽ đầu tư khoảng 110 tỷ đồng đầu tư chuyển giao công nghệ và máy móc, thiết bị tiên tiến trong phát triển CNNT; phát triển ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản; dự án khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống; nâng cao năng suất, chất lượng một số sản phẩm CNNT tiêu biểu…

Ngoài ra, đề án còn hỗ trợ đào tạo nghề, truyền nghề gắn với nhu cầu của cơ sở CNNT; tổ chức tập huấn, hội thảo, hội nghị diễn đàn nâng cao năng lực sản xuất và phát triển thị trường sản phẩm CNNT với mục đích phát triển CNNT bền vững, dựa trên cơ sở khai thác tiềm năng, thế mạnh về vị trí địa lý, nguồn nguyên liệu tại chỗ, nguồn nhân lực chất lượng cao và liên kết các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Phó Giám đốc Sở Công thương, ông Nguyễn Lương Bảy cho rằng, cùng với đề án phát triển CNNT, Sở tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ các làng nghề trong việc đầu tư máy móc thiết bị, cải tiến mẫu và xây dựng thương hiệu thông qua nguồn vốn khuyến công, vốn khôi phục và phát triển nghề. Năm 2019 sẽ áp dụng đối với các làng nghề truyền thống như mây tre đan Bao La, làng bún Vân Cù, Ô Sa, mộc mỹ nghệ…; trong đó, sẽ hỗ trợ khâu kết nối thị trường, hỗ trợ máy móc thiết bị cho các sở sở sản xuất và định hướng để các làng nghề kết hợp giữa sản xuất bằng thiết bị tiên tiến và vẫn duy trì một số công đoạn thủ công, tạo ra sản phẩm tinh xảo, đẹp mắt và có giá thành phù hợp để mở rộng thị trường và thu hút khách, góp phần gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn.

Bài, ảnh: KHÁNH THƯ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sản xuất cửa nhựa composite - Nghề mới ở Hương Thủy

Hương Thủy là vùng đất có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) và dịch vụ thương mại. Để thúc đẩy ngành nghề CN-TTCN trên địa bàn phát triển, TX. Hương Thủy tiếp tục quy hoạch mở rộng cụm công nghiệp, tranh thủ các chính sách khuyến công của tỉnh để hỗ trợ các cơ sở sản xuất đầu tư, đổi mới công nghệ, trang, thiết bị máy móc, tạo ra sản phẩm đạt chất lượng, mẫu mã đẹp, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Sản xuất cửa nhựa composite - Nghề mới ở Hương Thủy
Vợ chồng đảng viên trẻ nêu gương trong sản xuất

Ông Viên Xuân Diệu, Phó Bí thư Đảng ủy xã A Roàng (A Lưới) giới thiệu: Vợ chồng anh Hồ Văn Nghĩa (36 tuổi), chị Viên Thị Cau (32 tuổi) người Cơ Tu, Tà Ôi đã phát huy tốt vai trò nêu gương của người đảng viên.

Vợ chồng đảng viên trẻ nêu gương trong sản xuất
Hướng đến sản xuất xanh

Tăng trưởng xanh - sản xuất xanh là mục tiêu mà nhiều doanh nghiệp (DN) đang hướng đến, nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và phù hợp với xu hướng chung của thị trường trong và ngoài nước.

Hướng đến sản xuất xanh

TIN MỚI

Return to top