Khách hàng chọn mua sản phẩm gốm Phước Tích
Làng gốm Phước Tích (xã Phong Hòa, huyện Phong Điền) nổi tiếng lâu nay với những sản phẩm “độc” như, lu (chum), ghè, thống, om (niêu), bùng binh (ống tiết kiệm), tu huýt (còi) và ông táo nung chín thành sành… Trải qua nhiều biến thiên, dẫu còn khó khăn nhưng những nghệ nhân tâm huyết vẫn cố giữ nghề.
Cứ đến dịp Festival Nghề truyền thống, những sản phẩm gốm Phước Tích lại được mang ra triển lãm, giới thiệu, thu hút du khách về mẫu mã lẫn độ sắc vốn có của mình dù trước đó, có những ngày lò gốm không đỏ lửa.
Năm nay, sản phẩm gốm Phước Tích tại gian hàng triển lãm ở phố đi bộ thu hút khá đông du khách ghé thăm, có không ít người lần đầu biết đến loại gốm ở làng nghề có lịch sử hàng trăm năm và cũng có người tưởng làng nghề này đã mai một. Nghệ nhân Lương Thanh Hiền bảo, làng chỉ còn 3 người chuyên tâm làm gốm để giữ nghề truyền thống. Festival lần này, nhiều sản phẩm đã bán được, thậm chí có doanh nghiệp đặt hàng với số lượng lớn. “Chúng tôi có nhiều mẫu mã tham dự Festival Nghề truyền thống. So với những năm trước, nhiều mặt hàng bán chạy hơn. Tôi chuẩn bị 100 cái chén đã bán hết trong vài ngày. Ngoài ra, ấm trà và các sản phẩm lưu niệm cũng được nhiều khách hàng chọn mua”, ông Hiền cho biết.
Vài năm trở lại đây, sản phẩm ở Phước Tích không đơn thuần là gốm, mỹ thuật ứng dụng được các nghệ nhân nơi đây ứng dụng vào sản phẩm để tăng thêm giá trị. Và, không chỉ những đơn hàng lẻ, tại Festivla Nghề Truyền thống 2019 gốm Phước Tích nhận được nhiều đơn hàng số lượng lớn. “Nhiều đại lý, doanh nghiệp ngỏ ý đặt hàng sĩ. Có một số đơn hàng số lượng lớn, làm trong thời gian ngắn khiến chúng tôi lưỡng lự, chưa dám nhận. Hiện, để cải tiến sản phẩm, chúng tôi đã ứng dụng mỹ thuật lên sản phẩm, tạo nên những mặt hàng lưu niệm bắt mắt, đáp ứng thị hiếu công chúng”, ông Hiền bày tỏ.
Nhiều sản phẩm mộc mỹ nghệ được trưng bày thu hút sự quan tâm của khách hàng
Với những làng nghề “sống khỏe”, Festival Nghề truyền thống là cơ hội để các sản phẩm vươn xa. Năm nay, gian hàng mây tre đan Bao La (xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền) dẫu không nằm ở vị trí “đắc địa” song cũng được nhiều du khách ghé thăm. Có lẽ bây giờ ông Võ Văn Dinh, Giám đốc HTX Mây tre đan Bao La đang đau đầu cho việc giải bài toán thiếu nguồn nhân lực. Nhiều đơn hàng của các doanh nghiệp phía Nam với số lượng lớn đặt mua nhưng ông Dinh không dám nhận.
“Rổ rá và các mặt hàng lưu niệm được nhiều du khách chọn mua. Ngoài ra chúng tôi cũng nhận được nhiều mối làm ăn mới, trong số đó có đơn hàng số lượng lớn nhưng tôi không dám nhận vì thiếu nhân lực làm việc, nguồn hàng làm ra sẽ không đúng với tiến độ trong hợp đồng. Tại festival lần này, doanh thu của đơn vị chúng tôi mỗi ngày đạt khoảng 15-17 triệu đồng”, ông Dinh nói.
Tại Festival Nghề truyền thống Huế 2019, ngoài những làng nghề, nghề truyền thống đã “cũ” xuất hiện nhiều cơ sở nghề, doanh nghiệp lần đầu tham gia.
Xuất phát từ làng nghề đúc đồng truyền thống xứ Huế trứ danh nhưng đây là lần đầu Doanh nghiệp Đúc đồng Nguyễn Phùng Sơn (163 Bùi Thị Xuân, Phường Đúc, TP. Huế) tham dự Festival Nghề truyền thống. Tại đây, nghệ nhân Nguyễn Phùng Sơn đã tung ra những sản phẩm có độ tinh xảo cao, thu hút du khách. Và sản phẩm tượng đồng “Thiên thủ Thiên nhãn” của anh Nguyễn Phùng Sơn giành giải Nhì trong số 15 sản phẩm trưng bày tại Festival Nghề truyền thống Huế 2019 đạt giải bình chọn sản phẩm tiêu biểu.
“Lần đầu tham dự nên mục tiêu của chúng tôi quảng bá là chính. Tuy nhiên, nhiều mặt hàng lưu niệm được du khách chọn mua. Và sản phẩm tượng đồng “Thiên thủ Thiên nhãn” cũng đã có vài khách hàng đến tìm hiểu. Hy vọng sau kỳ Festival Nghề truyền thống này, sản phẩm của doanh nghiệp chúng tôi được biết đến nhiều hơn”, anh Sơn chia sẻ.
Bà Phạm Thị Quỳnh Dao, Trưởng Phòng Văn hoá và Thông tin TP. Huế, Phó Trưởng Ban tổ chức Festival Nghề truyền thống Huế 2019 thông tin: “Tại festival lần này, nhiều sản phẩm của làng nghề, nghề truyền thống của Huế được thị trường đón nhận. Trong số đó, nhiều sản phẩm có giá trị được bán và hợp đồng lớn được ký kết. Nổi bật như hai sản phẩm súng thần công của nghệ nhân đúc đồng Nguyễn Văn Thuận được bán với giá 450 triệu đồng, hay hợp đồng đặt hàng 9 ngồi nhà rường (1 tỷ đồng/ngôi nhà) của anh Lê Đắc Nguyễn Xuân. Ngoài ra, những sản phẩm thủ công, mộc mỹ nghệ thời trang cũng bán được như sản phẩm giày dép thời trang của Công ty TNHH MTV SXTM&DV Xưa”.
Bài, ảnh: L.Thọ