|
|
Các em nhỏ tham gia tour du lịch trải nghiệm làng cổ Phước Tích |
Nhận diện những rào cản
Làng cổ Phước Tích là một trong 4 làng cổ ở Việt Nam được công nhận di tích Quốc gia và được đánh giá có vẻ đẹp cổ kính với những lợi thế về quần thể 27 ngôi nhà cổ và 10 nhà thờ họ cổ với hệ thống kiến trúc gỗ tinh tế được chạm khắc kỹ lưỡng, hệ thống di tích, đình, chùa, miếu, đường sá cây xanh nối liền nhau… Cùng với đó, chính quyền địa phương nơi đây cũng phối hợp với các doanh nghiệp, Ban Quản lý Di tích kiến trúc nghệ thuật làng cổ Phước Tích triển khai nhiều tour du lịch trải nghiệm cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc với người dân địa phương. Các hoạt động chợ quê, trải nghiệm các làng nghề truyền thống… cũng được tổ chức thường xuyên mang lại luồng sinh khí mới cho làng cổ này.
Tuy nhiên, theo ông Đoàn Quyết Thắng, Giám đốc Ban Quản lý Di tích kiến trúc nghệ thuật làng cổ Phước Tích, để phát triển du lịch tại làng cổ Phước Tích một cách bền vững, mang lại sự đổi mới cho vùng đất này là điều không dễ. Một trong những khó khăn lớn nhất chính là khoảng cách từ Huế về Phước Tích khá xa nên cần sự kết nối tour tuyến với các doanh nghiệp hoạt động lữ hành. Hoạt động truyền thông quảng bá du lịch cho làng cổ cũng gặp khó khăn, việc trùng tu lại các di tích vẫn hạn chế, chưa nói bản thân người dân địa phương cũng chưa được đào tạo nên việc phát triển du lịch cộng đồng tại đây chưa bài bản.
Đó cũng là những rào cản của chính bản thân các doanh nghiệp đang đồng hành cùng làng cổ.
Bà Nguyễn Thị Huệ, Công ty Hữu cơ Huế Việt một doanh nghiệp gắn bó hơn 4 năm với Phước Tích từ hồi sinh làng nghề, tạo công ăn việc làm đến thúc đẩy hoạt động quảng bá cho làng cổ chia sẻ, ngoài những khó khăn về nguồn khách, hạ tầng dịch vụ chưa đáp ứng được, thiếu nguồn lực hỗ trợ triển khai dự án tại địa bàn. Trong thời gian đồng hành cùng làng nghề tại Phước Tích, doanh nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn khác. Trong đó, địa phương chưa có quỹ đất tập trung để kêu gọi đầu tư nên diện tích doanh nghiệp thuê được của người dân rất manh mún nhỏ lẻ, vùng nguyên liệu khó tập trung nên rất khó để phát triển quy mô sản xuất. Chưa nói những tác động từ các điều kiện khách quan như thời tiết, chất lượng đội ngũ lao động… cũng ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, bà Huệ lại đánh giá rất cao sự gắn bó đồng hành của người dân, chính quyền và xem đây là động lực rất lớn để doanh nghiệp đặt nhiều tâm huyết vào các hoạt động khôi phục, phát triển làng nghề nói riêng và phát triển làng cổ nói chung.
Nhiều hỗ trợ sẽ được triển khai
Trên cơ sở khảo sát, nghiên cứu tình hình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tạo sinh kế cho người dân địa phương tại làng cổ Phước Tích và vùng đệm bàng Phò Trạch đối với hoạt động sản xuất thủ công mỹ nghệ, ngành nghề truyền thống, thân thiện môi trường, phát triển du lịch cộng đồng. Mới đây, Cục Phát triển doanh nghiệp, phối hợp với Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) đã lựa chọn vùng đệm bàng Phò Trạch và làng cổ Phước Tích làm thí điểm “nghiên cứu, đề xuất và tư vấn, triển khai chương trình hành động hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh bền vững, bao gồm doanh nghiệp tạo tác động xã hội”.
Hoạt động này nằm trong khuôn khổ dự án hỗ trợ kỹ thuật chương trình thúc đẩy phát triển doanh nghiệp do nữ làm chủ ở Đông Nam Á và Thái Bình Dương (dự án TA 9660 REG). Đây không chỉ là tín hiệu vui cho việc thúc đẩy phát triển tại làng cổ, mà còn là động lực hỗ trợ các doanh nhân nữ đang nỗ lực đóng góp vào sự “hồi sinh” làng cổ.
Trong quá trình nghiên cứu, tư vấn, triển khai chương trình, bà Lê Thị Hồng Mai, Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh, Sở Kế hoạch và Đầu tư đề xuất 5 nhóm giải pháp. Trong đó, tập trung vào các giải pháp về truyền thông, quảng bá từ xây dựng các phóng sự quảng bá, tổ chức các cuộc thi về quảng bá cho làng cổ Phước Tích cũng như đệm bàng… Nhóm giải pháp này đang được thực hiện khá hiệu quả, thông qua hỗ trợ thực hiện cuộc thi quảng bá về làng cổ Phước Tích thu hút rất đông các sinh viên tham gia.
Nhóm giải pháp đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, chỉnh trang cảnh quan sẽ tập trung chỉnh trang lối đi, cây cảnh, bến nước, bến thuyền, vận động người dân tham gia công tác chỉnh trang, đầu tư cho hạ tầng dịch vụ, các điểm dừng chân. Nhóm giải pháp về xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch sẽ tập trung đầu tư vào các dịch vụ bao gồm dịch vụ trải nghiệm, dịch vụ lưu trú, ẩm thực, sản phẩm địa phương; liên kết với các doanh nghiệp trong kết nối tour tuyến... Cùng với đó, nhóm giải pháp về đào tạo, nâng cao năng lực cũng sẽ tập trung đào tạo các hướng dẫn viên địa phương, đào tạo kỹ thuật chế biến trang trí món ăn cũng như các kỹ năng quản trị du lịch, nhà hàng… cho người dân làm hoạt động dịch vụ tại địa phương.
Ngoài ra, giải pháp về hoạt động đầu tư, xúc tiến đầu tư như hỗ trợ cơ sở kinh doanh trong làng nghề xây dựng vận hành lò gốm; sửa chữa trùng tu lại các điểm di tích tại làng cổ, xúc tiến đầu tư xây dựng điểm dịch vụ du lịch tập trung cho các yêu cầu lưu trú, dịch vụ… cũng được đề xuất hỗ trợ nhằm tạo thêm điểm nhấn cho khu vực này.
Cùng với các hoạt động trong khuôn khổ dự án sẽ được triển khai trong thời gian tới, UBND huyện Phong Điền cũng đang xây dựng chương trình hành động hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh bền vững tại làng cổ Phước Tích và vùng đệm bàng Phò Trạch đến năm 2025. Theo đó, UBND huyện sẽ khẩn trương triển khai nhanh, kịp thời và hiệu quả các chính sách của Trung ương, của tỉnh, của huyện; đồng thời, tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân. Từ đó, cải thiện hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp tạo tác động xã hội, đặc biệt là doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ; các hộ kinh doanh, hợp tác xã, người dân trong vùng,… nhằm góp phần tạo nên hệ sinh thái phát triển bền vững, tạo sinh kế cho người dân địa phương.
Dù chỉ đang trong giai đoạn đề xuất phương án hỗ trợ, song đây được xem là tín hiệu tích cực trong thúc đẩy doanh nghiệp tạo tác động xã hội đồng hành hiệu quả trong hành trình “hồi sinh” làng cổ Phước Tích.