ClockThứ Năm, 23/11/2023 13:52

Đảm bảo mục tiêu kép trong thu hồi nợ thuế

TTH - Rà soát, phân loại các khoản nợ thuế theo đúng quy trình và xử lý các khoản nợ theo quy định; áp dụng các biện pháp đôn đốc, cưỡng chế phù hợp, lập kế hoạch thu nợ, giao chỉ tiêu thu nợ tới từng công chức… là giải pháp mà ngành thuế đang thực hiện để thu hồi các khoản nợ tiền thuế góp phần thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách trên địa bàn.

2 doanh nghiệp của Thừa Thiên Huế được Tổng cục Thuế tuyên dươngTuyên dương 124 doanh nghiệp thực hiện tốt chính sách thuế

Cán bộ thuế hỗ trợ người nộp thuế 

Nợ thuế lớn

Suy thoái kinh tế, thị trường bất động sản hạ nhiệt, các nguồn thu tạo nên đột biến không còn, cộng với những bất ổn từ tình hình kinh tế, chính trị thế giới khiến doanh nghiệp gặp khó khăn, kéo theo các nghĩa vụ cho ngân sách cũng giảm.

Số liệu từ Cục Thống kê tỉnh cho thấy, thu ngân sách Nhà nước 10 tháng qua ước đạt 8.228 tỷ đồng, bằng 83% dự toán, bằng 63,3% so với chỉ tiêu phấn đấu. Số thu ngân sách này đang giảm 22,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, thu nội địa ước đạt 7.690 tỷ đồng, bằng 82,2% dự toán, bằng 62,6% chỉ tiêu phấn đấu và giảm 24%; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 522 tỷ đồng, bằng 94% dự toán, bằng 76,8% chỉ tiêu phấn đấu; thu viện trợ, huy động đóng góp 16 tỷ đồng giảm 53% so với cùng kỳ.

Không chỉ tác động đến tình hình thu ngân sách, những khó khăn về kinh tế của doanh nghiệp cũng đang tạo áp lực không nhỏ làm gia tăng tình hình nợ thuế. Cụ thể, nợ thuế tại thời điểm cuối năm 2022 chuyển sang năm 2023 hơn 812 tỷ đồng (trong đó, nợ có khả năng thu hơn 700 tỷ đồng; nợ khó thu gần 112 tỷ đồng; nợ đang khiếu nại, khiếu kiện 94 triệu đồng). Tính đến thời điểm cuối tháng 6, toàn ngành thu được 297 tỷ đồng tổng nợ năm 2022 chuyển qua, trong đó, thu bằng biện pháp quản lý nợ là 283 tỷ đồng, thu bằng biện pháp cưỡng chế nợ 14 tỷ đồng. Nếu cộng thêm số nợ thuế phát sinh thì đến nay, tổng nợ thuế trên địa bàn là 749 tỷ đồng.

Theo lý giải của cơ quan thuế, đại dịch COVID-19 và cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới đã tác động không nhỏ đến hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn. Một bộ phận doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ khởi nghiệp gặp khó khăn đã mất khả năng thanh toán dẫn đến nợ thuế. Nhiều khoản nợ khó thu đến từ doanh nghiệp đã ngừng hoạt động, bỏ kinh doanh nên không có khả năng thu hồi… Bên cạnh đó, việc tính tiền chậm nộp với tỷ lệ 0,03%/ngày đối với các khoản nợ không có khả năng thu hồi làm cho số nợ ngày càng tăng lên.

Tăng cường các giải pháp xử lý nợ

Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế, Tổng cục Thuế đã có văn bản yêu cầu cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải tăng cường thực hiện các giải pháp quản lý, thu hồi tiền thuế nợ, không để dây dưa, kéo dài, hạn chế nợ mới phát sinh.

Theo đó, ngay từ đầu năm, Cục Thuế tỉnh đã giao chỉ tiêu thu nợ và chỉ đạo các chi cục thuế chuẩn hóa dữ liệu nợ thuế, phân loại từng khoản nợ theo đúng tính chất, trên cơ sở đó đề ra các giải pháp phù hợp nhằm đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu thu nợ, chỉ tiêu tiền thuế nợ của Tổng cục Thuế giao.

Ngoài ra, Cục Thuế tỉnh đã tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng trên địa bàn thành lập các tổ công tác liên ngành để thu hồi nợ thuế, kêu gọi sự vào cuộc của các cấp chính quyền từ UBND cấp huyện đến UBND cấp xã, ban quản lý chợ trong công tác thu hồi nợ thuế, góp phần giảm số nợ đọng thuế, tăng thu cho ngân sách Nhà nước.

Định kỳ hằng quý, Cục Thuế tỉnh công khai thông tin người nộp thuế nợ thuế quá hạn 90 ngày trên các phương tiện thông tin đại chúng. Và mới đây, Cục Thuế tỉnh đã thực hiện công khai thông tin 69 người nộp thuế còn nợ tiền thuế và các khoản thu khác thuộc ngân sách Nhà nước tính đến thời điểm 30/9/2023 với tổng số tiền là 109 tỷ đồng.

Theo ông Hà Văn Khoa, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh, để kéo giảm nợ thuế, Cơ quan Thuế sẽ tiếp tục cụ thể hóa, quyết liệt triển khai đầy đủ, kịp thời, có hiệu quả các giải pháp công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế theo định hướng nhằm mục tiêu hoàn thành ở mức cao nhất các chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra. Cơ quan Thuế hướng tới mục tiêu kép vừa thu hồi nợ thuế, vừa tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trên tinh thần tập trung phân loại hồ sơ nợ, tháo gỡ hoặc phối hợp các sở ngành, ban ngành tháo gỡ khó khăn đối với doanh nghiệp, người nộp thuế nhưng kiên quyết xử lý đối với các đơn vị chây ỳ, có dấu hiệu chiếm dụng tiền thuế.

Với các khoản nợ liên quan đến đất, cơ quan Thuế sẽ thực hiện rà soát, xác định chính xác số tiền người nộp thuế còn nợ ngân sách Nhà nước. Trường hợp có vướng mắc, cơ quan Thuế sẽ chủ trì và phối hợp với các cơ quan liên quan trên địa bàn, báo cáo UBND tỉnh, thành phố hoặc cơ quan có thẩm quyền để giải quyết dứt điểm số nợ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất. Người có quyền sử dụng đất nhưng chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và cơ quan Thuế đã áp dụng biện pháp cưỡng chế nhưng không chấp hành thì cơ quan Thuế chủ động ban hành văn bản kiến nghị UBND thu hồi đất theo quy định của Luật Đất đai.

Với khoản tiền thuế đang chờ điều chỉnh, cơ quan Thuế sẽ thực hiện phân loại khi có đầy đủ hồ sơ, đồng thời phối hợp với các bộ phận liên quan và người nộp thuế để đối chiếu nợ, chuẩn hóa dữ liệu nợ.

Đối với tiền nợ thuế khó thu, Cục Thuế tiến hành rà soát để xử lý các khoản nợ thuế không còn khả năng thu; tổ chức lập thủ tục, hồ sơ xử lý nợ tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp đối với những người nộp thuế thuộc các trường hợp xử lý nợ. Triển khai các biện pháp đôn đốc, cưỡng chế thu nợ với người nộp thuế nợ tiền thuế, tiền thuê đất sau khi đã hết thời gian gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất theo quy định.

Bài, ảnh: Hoàng Loan
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CÁC NGHỊ QUYẾT CỦA QUỐC HỘI:
Đảm bảo thông suốt, ổn định

Triển khai thực hiện Nghị quyết (NQ) của Quốc hội về việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương và NQ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã của thành phố Huế giai đoạn 2023 – 2025 là vấn đề quan trọng, cấp bách, bởi từ ngày 1/1/2025, các NQ này sẽ có hiệu lực.

Đảm bảo thông suốt, ổn định
Đảm bảo an toàn khi đi rừng mùa mưa bão

Việc người dân ở các xã miền núi có thói quen vào rừng lấy mật ong, măng rừng, chăm sóc gia súc...giữa mùa mưa tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Đã có một số trường hợp bị mắc kẹt trong rừng, may mắn được lực lượng chức năng ứng cứu.

Đảm bảo an toàn khi đi rừng mùa mưa bão

TIN MỚI

Return to top