ClockThứ Sáu, 13/07/2018 14:48

Khôi phục, phát triển kinh tế biển

TTH - Chiếm 75% sản lượng khai thác biển trên toàn tỉnh, sau sự cố môi trường biển, huyện Phú Vang không ngừng nỗ lực khôi phục và phát triển kinh tế biển, đầm phá.

Đòn bẩy cho vùng kinh tế trọng điểmPhát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ môi trườngKhôi phục và phát triển kinh tế biển, đầm phá

Ngư dân Thuận An ra khơi đánh bắt

Đóng mới, nâng công suất tàu

Liên lạc nhiều lần nhưng mãi vẫn không gặp được “ông chủ” của 3 tàu vỏ thép công suất mỗi chiếc hơn 800 CV được đóng mới theo Nghị định 67 của Chính phủ (NĐ 67) sau sự cố môi trường biển (SCMTB), lãnh đạo UBND thị trấn Thuận An “phân bua”: “Họ thường xuyên đi biển dài ngày cả tháng trời, khó gặp lắm. Đang trời yên biển lặng, có tàu thuyền nào chịu nằm bờ đâu, nhất là những tàu công suất lớn”.

Thị trấn Thuận An và xã Phú Thuận là những “vựa” tàu lớn của Phú Vang và của tỉnh. Thời gian qua, Thuận An huy động nguồn vốn trong Nhân dân, kết hợp nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ đóng mới 47 tàu, thuyền có công suất từ 400-800 CV, cải hoán nâng công suất 31 tàu thuyền, nâng tổng số tàu thuyền khai thác biển lên 408 chiếc (trong đó 25 chiếc công suất từ 800 CV trở lên). Sản lượng khai thác bình quân hàng năm đạt 8.500 tấn, đạt 85% kế hoạch. Riêng 6 tháng đầu năm 2018, sản lượng khai thác đạt 5.100 tấn, tăng 1.000 tấn so với cùng kỳ. Phú Thuận hiện có 538 phương tiện khai thác thủy sản với tổng công suất trên 30.000 CV. Trong 58 tàu công suất lớn đánh bắt xa bờ (ĐBXB) có 1 tàu vỏ thép được đóng mới, nhiều tàu được cải hoán, nâng công suất máy.

Theo Phòng NN&PTNT Phú Vang, toàn huyện hiện có 1.365 tàu cá, với tổng công suất 130.037 CV; 300 chiếc có công suất lớn, ĐBXB. Trong đó, 26 tàu công suất trên 800 CV được đầu tư, đóng mới theo NĐ67, sau SCMTB. Ngoài ra, nhiều tàu công suất lớn do người dân tự bỏ tiền trang bị. Quá trình nỗ lực đầu tư, đóng mới, cải hoán nâng công suất máy để vươn khơi ĐBXB kết hợp phát triển đội tàu dịch vụ trên địa bàn huyện (đến nay gần 40 chiếc tàu dịch vụ, thu mua cá và cung cấp nhiên liệu, nhu yếu phẩm ở ngoài khơi) đã tăng hiệu quả kinh tế và đánh bắt dài ngày trên biển. Khai thác biển năm 2017 đạt 25.390 tấn/25.300 tấn, đạt 100,4% kế hoạch; 6 tháng đầu năm 2018 đạt 16.900 tấn/ 30.000 tấn/cả năm.

Nâng cao hiệu quả khai thác biển

Theo ông Nguyễn Viết Mạnh, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phú Vang, với những nỗ lực về mọi mặt trong thời gian qua, mà “điểm nhấn” là đầu tư đóng mới tàu công suất lớn, cải hoán nâng công suất máy, vươn khơi bám biển ĐBXB, sau SCMTB, hoạt động khai thác biển đã đạt những kết quả đáng mừngtrong tiến trình khôi phục, phát triển kinh tế biển của huyện. Thế nhưng, còn rất nhiều khó khăn cần các giải pháp mang tính dài lâu, bền vững.

Trước hết, về hạ tầng, những âu thuyền trên địa bàn bị cạn, cửa biển Thuận An luồng lạch thường xuyên thay đổi, cản trở tàu thuyền vào ra. “Trong điều kiện thời tiết gió cấp 5, 6, biển động, nước đục, việc đánh bắt sẽ đạt hiệu quả cao hơn. Thế nhưng với tình trạng hạ tầng nêu trên, trong điều kiện thời tiết như vậy, tàu thuyền vào ra rất khó. Ngư dân không dám, đồng thời tỉnh cũng quy định không cho tàu thuyền ra khơi trong điều kiện thời tiết này. Tần suất ra khơi giảm kéo theo hạn chế về năng suất, sản lượng khai thác”, ông Mạnh nói.

Dù đã nỗ lực đầu tư đóng mới, cải hoán, nâng công suất máy, nâng số lượng tàu công suất lớn có khả năng vươn khơi xa bờ nhưng số lượng tàu công suất thấp vẫn chiếm đa số, không phát huy hết hiệu quả khai thác. Bên cạnh đó là việc thiếu hụt lực lượng ngư dân được đào tạo bài bản, có trình độ KHKT để có thể làm chủ phương tiện, kỹ thuật đánh bắt chứ không phải chỉ dựa vào kinh nghiệm, may rủi trên ngư trường.

Giải pháp căn cơ là tỉnh, huyện nên có chính sách khuyến khích, hỗ trợ về kinh phí để thu hút con em ngư dân tham gia đào tạo bài bản tại Khoa Khai thác thủy sản Trường đại học Thủy sản Nha Trang. Con em ngư dân, theo truyền thống cha truyền con nối, gắn bó với biển, yêu nghề, có kinh nghiệm, có sức chịu đựng lênh đênh dài ngày trên biển, được trang bị, nắm trong tay kiến thức KHKT, chắc chắn sẽ sử dụng máy móc thiết bị, sử dụng ngư trường, khai thác đạt hiệu quả cao. Trước mắt, huyện đã có chủ trương và giao Trung tâm Dạy nghề liên hệ với Trường đại học Thủy sản Nha Trang mở 4 lớp đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng, sửa chữa máy tàu thuyền cho ngư dân.

UBND huyện và các xã biển tiếp tục khuyến khích ngư dân và có chính sách đẩy mạnh cải hoán, nâng công suất máy tàu thuyền, đầu tư trang bị hầm bảo quản hiện đại trên tàu ĐBXB để giữ nhiệt tốt hơn, giảm chi phí trong quá trình khai thác. Đến nay, đã có 6 tàu được trang bị hầm bảo quản hiện đại; 4 tàu đang trang bị; đồng thời, huyện đã quy hoạch cụm công nghiệp Thuận An (đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết), chế biến theo diện quy mô thủy sản ra thành phẩm, nâng cao hiệu quả kinh tế; và đã có một số nhà đầu tư ngoại tỉnh đăng ký.

Đối với các âu thuyền xuống cấp, huyện đã gửi danh mục, có đề xuất nâng cấp và đã được UBND tỉnh đồng ý. Chờ nguồn kinh phí (trong gói bồi thường sau SCMTB) “rót” về, sẽ thực hiện cải tạo. Đó là những “cánh cửa” mở ra cơ hội để Phú Vang nâng cao hiệu quả khai thác biển.

Bài, ảnh: Quỳnh Anh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát triển các dịch vụ nông thôn thông minh

Trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, việc áp dụng công nghệ trong dịch vụ nông thôn giúp nâng cao hiệu quả và chất lượng cuộc sống của người dân, đồng thời thúc đẩy sự phát triển bền vững và hiện đại hóa khu vực này. Để làm được điều này, mô hình xã nông thôn mới thông minh là lựa chọn tối ưu.

Phát triển các dịch vụ nông thôn thông minh
Phát triển nhà ở xã hội: Ý Đảng thỏa lòng dân - Bài 2: Khó ở đâu, gỡ ở đó

Hiện, số lượng các dự án nhà ở thương mại được đầu tư hàng năm khá lớn, nhưng các dự án nhà ở xã hội (NƠXH) triển khai chỉ đếm trên đầu ngón tay. Vì thế, ngoài hoàn thiện chính sách thuộc thẩm quyền, đồng hành cùng doanh nghiệp (DN) trong thúc đẩy đầu tư NƠXH, việc lãnh đạo, chỉ đạo đa dạng nguồn lực đầu tư NƠXH đã là hiệu lệnh.

Phát triển nhà ở xã hội Ý Đảng thỏa lòng dân - Bài 2 Khó ở đâu, gỡ ở đó
Phát triển nhà ở xã hội: Ý Đảng thỏa lòng dân - Bài 1: Giải bài toán về nhu cầu

Các cơ quan, ban ngành liên quan cần phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phát triển nhà ở xã hội (NƠXH) là yêu cầu của Ban Bí thư tại Chỉ thị 34 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển NƠXH trong tình hình mới (Chỉ thị 34). Thừa Thiên Huế đã có nhiều giải pháp phát huy hiệu quả của Chỉ thị này nhằm thực hiện đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ NƠXH cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”. Hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2030, Thừa Thiên Huế đầu tư 7.700 căn hộ.

Phát triển nhà ở xã hội Ý Đảng thỏa lòng dân - Bài 1 Giải bài toán về nhu cầu
Return to top