ClockThứ Ba, 30/06/2020 14:21

Doanh nghiệp loay hoay, than khó vì điều kiện tiếp cận gói hỗ trợ 62.000 tỷ

Nhiều doanh nghiệp cho rằng, điều kiện để hưởng gói hỗ trợ 62.000 tỷ của Chính phủ chưa phù hợp, khiến doanh nghiệp và người lao động khó tiếp cận.

UBND thành phố Hà Nội và Vietnam Airlines ký biên bản ghi nhớ hợp tác phục hồi du lịch Thủ đôNâng cao năng lực thiết nhãn hiệu và bao bì sản phẩmDoanh nghiệp cam kết hỗ trợ lương khi sinh viên thực tậpChưa có doanh nghiệp đủ điều kiện vay vốn theo chính sách hỗ trợ khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19Giám sát thực hiện chính sách hỗ trợ khó khăn do đại dịch COVID-19

Theo báo cáo của Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB-XH), ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tính đến nay, cả nước đã có 7,8 triệu lao động mất việc, phải nghỉ luân phiên, giãn việc. Số lao động có việc làm giảm mạnh nhất trong 10 năm qua.

Cũng do ảnh hưởng của dịch bệnh, trong 6 tháng đầu năm, cả nước có 62.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giảm 7,3% so với cùng kỳ năm trước. Số doanh nghiệp ngừng kinh doanh có thời hạn là 29.000 doanh nghiệp, tăng 38,2% so với năm 2019. 75% doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô sản xuất và có gần 10% phải giảm tới 1 nửa quy mô lao động so với hiện nay.

Đáng chú ý, số liệu từ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, chỉ trong quý 1/2020, đã có 35.000 doanh nghiệp rút khỏi thị trường. Đây là con số kỷ lục từ trước tới nay, lần đầu sau hàng thập kỷ, số lượng doanh nghiệp rời khỏi thị trường lớn hơn số doanh nghiệp thành lập.

Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Điều kiện nhận hỗ trợ thiếu thực tế

Trước những khó khăn, nhiều doanh nghiệp mong muốn được tiếp cận gói hỗ trợ 62.000 tỷ của Chính phủ, song đến nay vẫn chưa thể thực hiện bởi nhiều vướng mắc về điều kiện đưa ra.

Ông Trần Mạnh Cường, Phó phòng Tổ chức hành chính Tổng Công ty May 10 cho biết, trong 6 tháng đầu năm, công ty gặp nhiều khó khăn khi nhu cầu thị trường giảm mạnh, đơn hàng sản xuất ra nhưng khách hàng không nhận, hàng tồn kho, ảnh hưởng đến nguồn tiền doanh nghiệp.

“Thời gian qua có khoảng 30-35% lao động không có việc làm. Thời gian dịch bệnh, nhu cầu may mặc giảm, nhưng nhu cầu sử dụng khẩu trang lại tăng, chúng tôi chuyển hướng sản xuất để bù đắp thiệt hại. Nhưng đến nay, khi nhu cầu sử dụng các sản phẩm bảo vệ này đã hết, nhu cầu về may mặc chưa có dấu hiệu khởi sắc, nên thời gian tới các doanh nghiệp may mặc sẽ gặp rất nhiều khó khăn”, ông Cường lo ngại.

Ông Trần Mạnh Cường cho biết, hoạt động sản xuất ngưng trệ, ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiêp và người lao động, song việc tiếp cận gói hỗ trợ 62.000 tỷ của Chính phủ còn nhiều vướng mắc. Đơn cử như điều kiện để lao động tạm hoãn hợp đồng lao động được hưởng hỗ trợ từ gói 62.000 tỷ đề ra khá ngặt nghèo như làm việc trong doanh nghiệp không có doanh thu hoặc không còn nguồn tài chính để trả sau khi đã sử dụng các quỹ tiền lương dự phòng, nguồn lợi nhuận sau thuế và các nguồn tài chính khác.

“Nếu không có doanh thu, hay không còn bất kỳ nguồn lương dự phòng nào, thì đồng nghĩa với việc doanh nghiệp phá sản”, ông Cường cho biết.

Đại diện công ty May 10 chỉ ra thực tế rằng, lĩnh vực kinh doanh thời trang nội địa tại các Trung tâm thương mại trong nước của công ty bị ngưng trệ, doanh thu gần như bằng 0 trong thời gian dịch bệnh. Song vì vẫn có những hoạt động khác, nên tổng doanh thu của cả công ty vẫn có. Người lao động khó khăn, vẫn không được tiếp cận gói hỗ trợ 62.000 tỷ.

Ông Cường kiến nghị, Chính phủ nên điều chỉnh điều kiện để lao động tạm hoãn hợp đồng hưởng trợ cấp thành làm việc trong doanh nghiệp.

Trong khi đó, một số doanh nghiệp về vận tải biển lại cho biết đang gặp khó khăn với quy định, doanh nghiệp phải có từ 20% lao động đang tham gia BHXH bắt buộc ngừng việc mới đươc nhận hỗ trợ. Các doanh nghiệp này cho rằng, với ngành vận tải biển, sẽ không có việc cắt giảm lượng lớn nhân sự, vì chỉ cần thiếu 1 bộ phận cả tàu sẽ không thể vận hành. Hay quy định người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động được nhận hỗ trợ khi doanh nghiệp không còn doanh thu cũng rất khó. Văn bản đưa ra chính xác, nhưng khi áp dụng vào thực tiễn lại không thực hiện được.

Kiến nghị gia hạn thời gian chậm đóng BHXH

Bà Nguyễn Thu Hoài, Phó Giám đốc Chi nhánh Lữ hành Saigontourist cho biết, giống như tình trạng chung của nhiều công ty du lịch khác, Saigontourist chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19. Nguồn tiền dự phòng để trang trải chi phí cho lương, thưởng đang giảm dần. Song đến thời điểm hiện tại, công ty vẫn cố gắng chưa cắt giảm nhân sự, tìm biện pháp duy trì nguồn lực sau khi phục hồi.

Trước những khó khăn khi lượng khách du lịch bị ngưng trệ đến giảm mạnh trong 6 tháng đầu năm, đại diện công ty Saigontourist kiến nghị Chính phủ nên có các giải pháp đặc thù như miễn thị thực, giảm thị thực cho khách quốc tế vào Việt Nam khi dịch bệnh được khống chế để kích cầu du lịch. Bên cạnh đó, cũng cần cho phép các doanh nghiệp được chậm nộp BHXH từ năm 2020 đến hết tháng 12/2021.

Ông Bùi Lâm, Phó Trưởng ban Tổ chức và phát triển nguồn nhân lực Tổng công ty Hàng không Việt Nam Vietnam airline cho biết ngành hàng không nhận được sự hỗ trợ lớn từ Chính phủ và đã bước đầu dần tháo gỡ những khó khăn.

Trong khoảng thời gian tháng 4, Vietnam Airline không có chuyến bay, từ tháng 5, mỗi ngày duy trì 1 chuyến bay. Hiện tại, thị trường nội địa ngành hàng không nói chung và Vietnam Airline nói riêng đã dần khôi phục. Song những thiệt hại trong thời gian qua vẫn rất lớn.

“Nếu như trước đây, doanh thu 1 tuần khoảng 1.500 tỷ, thì hiện nay chỉ còn khoảng 10%, tức 150 tỷ. Chúng tôi đang gặp khó khăn trong cân đối thu chi. Bức tranh về sử dụng lao động đang gặp nhiều khó khăn. Để khắc phục tình trạng trên, trong tháng 4, Công ty thực hiện làm việc luân phiên, chỉ 10-20% lao động đi làm, còn lại là tạm hoãn hợp đồng lao động. Tháng 5 và tháng 6, tỷ lệ lao động đi làm xấp xỉ 50%. Dự báo, trong quý 3, nguồn lực đi làm trở lại khoảng 60% tổng nguồn lực của công ty. Ngành hàng không muốn phục hồi, sớm nhất cũng phải đến tháng 9”, ông Lâm cho biết.

Đại diện Vietnam Airline cho rằng, hiện tại, vấn đề sử dụng nguồn nhân lực ra sao trong thời gian này đang là bài toán khiến các công ty hàng không đau đầu.

“Ngành có những đối tượng lao động đặc thù cần huấn luyện như phi công, tiếp viên hàng không... Nếu như hết quý 3, tình trạng vẫn chưa được khôi phục, chúng tôi lo ngại những nhân sự này sẽ ra đi. Hiện nay đã có một số bộ phận kỹ thuật xin nghỉ việc. Đây đều là những nhân lực chất lượng cao, họ không chờ đợi được. Chúng tôi đang nỗ lực dùng nhiều chính sách để hỗ trợ và giữ chân người lao động”.

Trước những khó khăn đang gặp phải, đại diện Vietnam Airline có cùng kiến nghị về việc tạm hoãn việc đóng BHXH đối với doanh nghiệp.

Theo VOV

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giúp người khuyết tật tiếp cận cơ hội việc làm

Muốn người khuyết tật, đối tượng yếu thế hòa nhập cộng đồng, chúng ta cần chú trọng đào tạo kỹ năng nghề, giải quyết việc làm cho họ. Đó là quan điểm của ông Nguyễn Hữu Phước, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội bên cạnh yêu cầu về bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, đảm bảo an sinh xã hội cho người khuyết tật và các đối tượng cần trợ giúp khác.

Giúp người khuyết tật tiếp cận cơ hội việc làm
Để doanh nghiệp quản trị và vận hành hiệu quả

Xây dựng chiến lược, lập kế hoạch kinh doanh và vận hành doanh nghiệp (DN) hiệu quả là nội dung khóa đạo tạo được Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp tổ chức trong 2 ngày 22 và 23/11.

Để doanh nghiệp quản trị và vận hành hiệu quả
Hướng đến doanh nghiệp không khói thuốc

Không chỉ là một khẩu hiệu, phong trào "Doanh nghiệp nói không với thuốc lá" đang trở thành cam kết của nhiều doanh nghiệp (DN), góp phần cùng cộng đồng bảo vệ sức khỏe, nâng cao chất lượng sống.

Hướng đến doanh nghiệp không khói thuốc
Return to top