ClockChủ Nhật, 04/09/2022 07:37

Doanh nghiệp thích ứng nhanh với điều kiện từ Hiệp định CPTPP

Bảy tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu giữa Việt Nam với các nước thành viên CPTPP đạt 31,47 tỷ USD, tăng 21,43 % so cùng kỳ năm 2021 và chiếm 14,48% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam.

Bộ Tài chính xây dựng biểu thuế xuất khẩu ưu đãi thực hiện Hiệp định CPTPP áp dụng đối với 603 dòng thuếCPTPP giúp duy trì và tăng cường khả năng phục hồi các chuỗi cung ứng toàn cầuHàn Quốc quyết định gia nhập hiệp định CPTPP

Một dây chuyền sản xuất đồ gỗ xuất khẩu. (Ảnh: An Hiếu/TTXVN)

Sau 3 năm kể từ khi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực, hàng hóa xuất khẩu Việt Nam sang các nước thành viên CPTPP đã có bước nhảy vọt đáng kể, đặc biệt khu vực châu Mỹ như Canada, Mexico, Peru… Điều này thể hiện khả năng thích ứng, bắt nhịp nhanh với các điều kiện CPTPP mang lại.

Thống kê cho thấy, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang các thị trường thuộc khối CPTPP năm 2021 đều ghi nhận mức tăng trưởng dương. Tiêu biểu như Singapore, Malaysia, Nhật Bản, Australia, Canada, Mexico, Chile đều ghi nhận mức tăng trưởng mạnh. Ngoài ra, 3 thị trường còn lại là Peru, Brunei và New Zeland tuy tăng trưởng cao nhưng giá trị tuyệt đối trong giao dịch thương mại còn thấp.

Riêng 7 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu giữa Việt Nam với các nước thành viên CPTPP đạt 31,47 tỷ USD, tăng 21,43 % so cùng kỳ năm 2021 và chiếm 14,48% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam...

Nhận định về việc thực thi Hiệp định CPTPP đang mang lại những kết quả tích cực trên các lĩnh vực xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài, ông Tô Hoài Nam-Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam nhấn mạnh, đây là giá trị và lợi ích kinh tế mà doanh nghiệp cần khai thác một cách nghiêm túc, từ đó gia tăng thêm cơ hội để tiếp cận nhiều thị trường mới ở khu vực châu Mỹ.

Theo ông Tô Hoài Nam, nếu tiếp cận ở góc độ doanh nghiệp, có thể nói sau khoảng 3 năm, doanh nghiệp đã thể hiện được khả năng vươn lên, thích ứng trong điều kiện bình thường mới để tận dụng, khai thác hiệu quả Hiệp định CPTPP để gia tăng xuất khẩu hàng hóa vào các thị trường thành viên trong nội khối.

Tuy nhiên, doanh nghiệp muốn tận dụng cơ hội cần phải có sự chủ động, tích cực nắm bắt, nghiên cứu thị trường, văn hóa tiêu dùng cũng như các tiêu chuẩn, hàng rào kỹ thuật của các nền kinh tế.

Theo đó, doanh nghiệp muốn khai thác thị trường các nước thành viên CPTPP, buộc phải đổi mới năng lực sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm; nhất là nắm rõ các quy định về quy tắc xuất xứ; cải thiện, đầu tư công nghệ sản xuất.

Ngoài ra, cơ quan chức năng cần cung cấp đầy đủ thông tin để doanh nghiệp tận dụng, khai thác được những quy định có lợi của CPTPP. Bởi trong một số nội dung cam kết có những quy định còn mới lạ với doanh nghiệp Việt Nam.

Đồng thời, Chính phủ cần tháo gỡ các rào cản về chính sách, tiếp tục thúc đẩy việc cắt giảm chi phí về thủ tục, thời gian, hỗ trợ hạ tầng cơ sở nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp.

Đánh giá về những khó khăn khi xuất khẩu vào thị trường này, theo các chuyên gia đó chính là quy tắc xuất xứ của CPTPP phức tạp hơn so với các FTA khác bởi rào cản để doanh nghiệp tận dụng được các lợi thế của Hiệp định là khác nhau.

Chẳng hạn như việc tiếp cận thị trường để hưởng ưu đãi thuế quan, các doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện, mà điều kiện quan trọng là đáp ứng yêu cầu về nguồn gốc xuất xứ.

Thế nhưng, quy định về xuất xứ hàng hoá trong CPTPP có nhiều hình thức khác nhau đòi hỏi doanh nghiệp phải có quá trình sản xuất, mua nguyên liệu, canh tác theo tiêu chuẩn và tập hợp các hồ sơ chứng minh nguồn gốc hàng hoá hay tự chứng nhận xuất xứ C/O.

Liên quan đến quy tắc xuất xứ hàng hóa, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) chia sẻ, đối với CPTPP, ngoài các quy định chung như xuất xứ thuần túy, xuất xứ không thuần túy, thay đổi theo hàm lượng khu vực cũng như thay đổi về quá trình sản xuất, có chuyển đổi cơ bản giữa các dòng thuế, trong một số các trường hợp, hiệp định yêu cầu mô tả thêm các quy trình cụ thể của hoạt động sản xuất.

Điều này đồng nghĩa với việc những yếu tố làm cho quy tắc xuất xứ chặt chẽ hơn, khó đáp ứng hơn, nhưng qua đó cũng để tránh tình trạng những nước không phải thành viên của hiệp định có thể hưởng lợi từ các quy định này.

Theo ông Trần Thanh Hải, Bộ Công Thương đã có một chương trình hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng lợi ích từ FTA; trong đó, có Hiệp định CPTPP. Ngoài ra, các hoạt động sẽ được tăng cường thời gian tới như phổ biến, tuyên truyền các cam kết cũng như quy tắc xuất xứ.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu trên nền tảng số, hỗ trợ kết nối giao thương; tuyên truyền và hỗ trợ doanh nghiệp phòng tránh nguy cơ bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại khi xuất khẩu hàng hóa sang thị trường này.

Theo TTXVN/Vietnam+

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thừa Thiên Huế luôn đồng hành cùng doanh nghiệp FDI

Thừa Thiên Huế luôn đồng hành cùng doanh nghiệp FDI là chia sẻ của ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tại chương trình gặp gỡ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2024 do Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Câu lạc bộ FDI tổ chức tối 12/12.

Thừa Thiên Huế luôn đồng hành cùng doanh nghiệp FDI
Từ 1/1/2025: Doanh nghiệp cần cập nhật thông tin đăng ký kinh doanh

Doanh nghiệp (DN) sẽ không tốn bất kỳ khoản phí và lệ phí nào liên quan thủ tục cập nhật thông tin địa giới hành chính của DN. Đó là khẳng định của bà Nguyễn Thị My My, Phó Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh, Sở Kế hoạch và Đầu tư với Báo Thừa Thiên Huế. Bà My cho biết thêm:

Từ 1 1 2025 Doanh nghiệp cần cập nhật thông tin đăng ký kinh doanh

TIN MỚI

Return to top