Không nhất thiết phải học đại học, người LĐ có thể tham gia khóa đào tạo kỹ năng nghề ngắn hạn để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của DN
Tham dự có ông Nguyễn Văn Phương, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Đào tạo kết nối với doanh nghiệp
Xu hướng sử dụng lao động (LĐ) hiện nay của nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn là chuyển từ LĐ phổ thông sang tuyển dụng, sử dụng LĐ có kỹ năng, tay nghề và "không đi theo con đường LĐ giá rẻ và đầu tư lớn" mà tập trung vào tăng trưởng, tăng năng suất LĐ và thoát "bẫy thu nhập trung bình".
Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, nguồn cung LĐ trên địa bàn hiện nay luôn xảy ra tình trạng thiếu nghiêm trọng LĐ kỹ thuật trình độ cao, LĐ trong một số ngành dịch vụ (ngân hàng, tài chính, thông tin - viễn thông, du lịch…) và công nghiệp mới. Tỷ lệ LĐ được đào tạo nghề còn thấp, kỹ năng, tay nghề, thể lực và tác phong LĐ công nghiệp còn yếu. Trình độ lực lượng LĐ đạt cao đẳng nghề chỉ chiếm 0,37%, trung cấp nghề chỉ chiếm 1,56%.
Tại hội thảo, hai yếu tố cốt lõi cũng đã được đưa ra phân tích để đầu tư cải thiện đó là: Năng suất LĐ thấp, chất lượng nguồn nhân lực chưa cao và trình độ, năng lực tổ chức quản lý của DN còn nhiều hạn chế. Theo một khảo sát của VCCI, có khoảng 9% tổng số các DN gặp khó khăn trong việc tuyển dụng các LĐ có kỹ năng phù hợp và 67% trong số các DN này cho rằng nguyên nhân chính là do thiếu các LĐ có đủ kỹ năng như yêu cầu.
Vì thế, nhiều ý kiến cho rằng, xu thế hiện nay không nhất thiết phải vào đại học, mà ngay từ khi còn học chương trình văn hoá, học sinh cần sớm có và được định hướng nghề nghiệp. Đồng quan điểm trên, theo TS. Hoàng Bảo Hùng, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin tỉnh: "Đầu tư ngắn hạn nhưng lại thu được siêu lợi nhuận dài hạn" khi người LĐ có kỹ năng, có tay nghề vững chắc.
Đại diện Trường cao đẳng Công nghiệp Huế cũng đưa ra chiến lược đào tạo và tuyển sinh của nhà trường là gắn kết "tam giác" gia đình- nhà trường-DN và phải xác định chuẩn đầu ra chính là "sản phẩm" để DN tiếp nhận. Do đó quá trình đào tạo cần gắn kết với DN từ năm đầu tiên, đến tốt nghiệp và quá trình công tác sau này của sinh viên. Do đó cần tăng cường, mở rộng mối quan hệ, xây dựng hệ thống liên kết với DN, xây dựng và lưu trữ hệ thống lịch sử hồ sơ với DN trong quá trình đào tạo, thực tập, tuyển dụng, công việc…
Theo tổng hợp nhu cầu của các DN, dự báo giai đoạn 2020- 2025, các khu kinh tế, khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh cẩn tuyển dụng khoảng hơn 15.000- 20.000 LĐ thuộc các lĩnh vực thế mạnh của tỉnh như: may mặc, sợi, cơ khí, điện tử, du lịch dịch vụ... Trong đó tập trung phần lớn tại địa bàn Khu kinh tế Chân Mây- Lăng Cô với khoảng 12.000 LĐ; các khu công nghiệp đã được đầu tư hạ tầng như Phong Điền, Phú Bài với khoảng 8.000 LĐ.
|
|
Nhu cầu tuyển dụng LĐ của hầu hết các DN hiện nay là tập trung ưu tiên các đối tượng có kỹ năng, tay nghề
Chuẩn hoá kỹ năng, chất lượng nghề nghiệp
Ông Đặng Hữu Phúc, Giám đốc Sở LĐTBXH thông tin, kết quả chỉ số Đào tạo LĐ của tỉnh năm 2019 xếp thứ 7/63 tỉnh, thành; tăng 28 bậc. Đây là chỉ số có vị trí xếp hạng cao nhất trong 10 chỉ số thành phần về đánh giá năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) vừa được VCCI công bố đầu tháng 6/2020. Ngoài ra, có 8/11 chỉ số con trong chỉ số Đào tạo LĐ có số điểm cao hơn mức bình quân của cả nước.
Tuy được đánh giá thuộc "tốp" đầu về chỉ số đào tạo LĐ, song công tác đào tạo nghề nghiệp để đáp ứng nhu cầu thực tế cũng như những biến động trong tương lai vẫn còn thiếu dự báo và định hướng. Vì thực tế, trong khi LĐ có trình độ chuyên môn kỹ thuật còn thiếu thì đào tạo cử nhân, đại học quá nhiều và thiếu kỹ sư công nghệ, kỹ sư thực hành, LĐ kỹ thuật chuyên ngành...
Các đơn vị tham gia ký kết quy chế phối hợp thực hiện phát triển đào tạo kỹ năng nghề nghiệp
Theo ông Nguyễn Văn Sơn, Phó trưởng Ban quản lý Khu kinh tế, Khu công nghiệp tỉnh, đến cuối tháng 5/2020, các KKT, KCN đã giải quyết việc làm cho khoảng 32.243 LĐ, tăng 13.450 LĐ so với cuối năm 2015. Trong đó, LĐ đã qua đào tạo là 25.246 người; LĐ không có trình độ chuyên môn là 6.997 người.
Tuy trình độ chuyên môn kỹ thuật và chất lượng của nguồn nhân lực được nâng lên, nhưng tỷ lệ LĐ có kỹ năng tay nghề cao lại thiếu. Một số ngành như: may công nghiệp, may thời trang, cơ khí, điện tử, chế biến thực phẩm… hầu hết DN phải tốn một khoản chi phí để đào tạo lại người LĐ trước khi tuyển dụng vào làm việc.
Hơn nữa, một nhược điểm còn tồn tại được ông Nguyễn Chí Trường, Vụ trưởng Vụ Kỹ năng nghề (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp- Bộ LĐTB&XH) chỉ ra tại hội thảo là hiện không riêng Thừa Thiên Huế mà trên cả nước vẫn đang thống kê chất lượng LĐ bằng tỷ lệ qua đào tạo, nên chưa thể hiện thoả đáng và đúng bức tranh của lực lượng LĐ. Trong xu thế hội nhập, nhất là yêu cầu tuyển dụng LĐ theo kỹ năng, ngoài việc đồng hành phát triển giáo dục đào tạo nghề nghiệp và gắn kết với DN, các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực này cần hình thành các công cụ để đo lường, chuẩn hoá lực lượng LĐ, góp phần đáp ứng nhu cầu phát triển của DN.
Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG