Các doanh nghiệp chia sẻ xung quanh các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp
Thêm chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa
Dưới tác động của dịch COVID-19, doanh nghiệp (DN), nhất là DNNVV gặp không ít khó khăn. Song hành với các chính sách từ Trung ương, Thừa Thiên Huế cũng đã xây dựng nhiều chính sách hỗ trợ DN trong phát triển kinh tế. Tỉnh đã xây dựng và vận hành hiệu quả việc khai báo trực tuyến và tổng hợp tự động tình hình thiệt hại do dịch trên website ddci.thuathienhue.gov.vn để chủ động liên hệ với các DN, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn, kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc nhằm có biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ... Đồng thời, hỗ trợ DN thông qua các chương trình đồng hành cùng DN (chương trình cà phê khởi nghiệp); triển khai bán hàng trên sàn thương mại điện tử…
Hiện, Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng đã xây dựng dự thảo nghị quyết trình HĐND tỉnh thông qua về quy định một số chính sách hỗ trợ DNNVV tỉnh Thừa Thiên Huế. Theo đó, DN đăng ký thành lập trên địa bàn tỉnh đáp ứng các tiêu chí xác định DNNVV; cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan đến hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo sẽ nhận được nhiều hỗ trợ. Nếu DN đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp sẽ được hỗ trợ 30% giá thuê mặt bằng. Riêng đầu tư vào khu công nghiệp Phú Bài, Tứ Hạ được hỗ trợ bằng 50% mức hỗ trợ so với các khu công nghiệp còn lại; với cụm công nghiệp Thủy Phương, Tứ Hạ cũng được hỗ trợ bằng 50% mức hỗ trợ so với các cụm công nghiệp còn lại.
Ngoài ra, DN cũng sẽ nhận được các hỗ trợ về đào tạo nguồn nhân lực; tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử .
Riêng DNNVV chuyển đổi từ hộ kinh doanh sẽ được miễn lệ phí đăng ký doanh nghiệp lần đầu tại cơ quan đăng ký kinh doanh; miễn lệ phí môn bài; được tư vấn, hướng dẫn miễn phí về thủ tục hành chính thuế và chế độ kế toán trong thời hạn 3 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký DN lần đầu.
Theo ông Lê Văn Cường, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, để nghị quyết thực sự đáp ứng nhu cầu thực tế của cộng đồng DN, hỗ trợ đúng, trúng nhu cầu và phù hợp với quy định của phát luật hiện hành, Sở đã tổ chức rất nhiều hội thảo tham vấn, lấy ý kiến từ các chuyên gia, sở ngành đến các cộng đồng DN. Bởi theo quan điểm hỗ trợ DN hiện nay, DN phải là trung tâm và các chính sách hỗ trợ phải phù hợp với thực tế nhu cầu của DN. Có như thế mới góp phần tăng số lượng DN tiếp cận với chính sách, xây dựng môi trường tiếp xúc thân thiện giữa DN và sở ngành nhằm tạo nên mối gắn kết giữa sở và DN để hỗ trợ, đồng hành tốt nhất với cộng đồng DN.
Nắm bắt nhu cầu DN
Tuy nhiên, một thực tế được đặt ra hiện nay chính là chính sách hỗ trợ DN nhất là DNNVV rất nhiều, song để tiếp cận chính sách thì không dễ. Nguyên nhân chính được lý giải là do chính sách chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu của DN
Ký kết chương trình phối hợp nhằm tuyên truyền chính sách hỗ trợ doanh nghiệp
Trên cơ sở chính sách hỗ trợ DNNVV trong phát triển thương mại điện tử, ông Nguyễn Đức Tùng, Giám đốc Công ty X10 Digital chia sẻ, trong phát triển và kinh doanh trên sàn thương mại điện tử, khó khăn lớn nhất của DN chính là phí vận chuyển và phí lưu kho. Tuy nhiên, chính sách mới chỉ dừng ở việc hỗ trợ đăng ký lên các sàn chứ chưa thực sự quan tâm tới điểm nghẽn này khiến DN thực sự không mấy mặn mà với tiếp cận chính sách này.
Câu chuyện về chính sách hỗ trợ DNNVV chi phí mặt bằng khi đầu tư vào khu, cụm công nghiệp là một góc nhìn khác. Bởi theo khảo sát của Ban Quản lý khu kinh tế công nghiệp, hiện chỉ có 12/159 DN hoạt động tại khu kinh tế công nghiệp đáp ứng được tiêu chí DNNVV có thể nhận được hỗ trợ từ chính sách này. Tuy nhiên, nếu bám theo tiêu chí thời gian thì đa phần DN đang hoạt động tại khu, cụm công nghiệp đều hoạt động trên 5 năm và không đáp ứng được tiêu chí nhận hỗ trợ. Đó chính là lý do khiến chính sách này dù triển khai khá lâu nhưng vẫn chưa có DN tiếp cận. Vì thế, đại diện Ban Quản lý khu kinh tế công nghiệp tỉnh và các DN kiến nghị khi ban hành nghị quyết mới cần có những điều chỉnh để rút ngắn thủ tục hành chính, sửa lại tiêu chí thời gian hỗ trợ cho phù hợp với thực tế hoạt động của các DN tại khu, cụm công nghiệp.
Ngoài ra, từ góc độ Hiệp hội DN, ông Dương Tuấn Anh, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh cho rằng, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác phối hợp giữa Sở Kế hoạch và Đầu tư và Hiệp hội trong tuyên truyền, triển khai các chính nhằm lan tỏa chính sách mạnh mẽ hơn. Thông qua việc tương tác với Hiệp hội các sở ngành cũng sẽ nắm bắt được nhu cầu thực tế của DN một cách tốt nhất.
Trên cơ sở đề xuất này trong khuôn khổ hội thảo, Sở Kế hoạch và Đầu tư với Hiệp hội DN tỉnh đã ký kết chương trình phối hợp giữa 2 đơn vị trong công tác hỗ trợ DN giai đoạn 2022-2025.
Theo đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư và Hiệp hội DN tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ phát triển DNNVV trong thời gian tới, tạo điều kiện thuận lợi để các DN tiếp cận và thực hiện được những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Phối hợp bồi dưỡng, đào tạo phát triển nguồn nhân lực cho DNNVV. Đồng thời, tư vấn, hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân, DN về đăng ký DN, đăng ký đầu tư, hình thức đầu tư sản xuất kinh doanh, thủ tục về đầu tư, lập dự án đầu tư, thực hiện các thủ tục về đầu tư; tháo gỡ những vướng mắc, giúp DN vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất.
Bài, ảnh: Hoàng Loan