ClockThứ Năm, 01/08/2024 06:18

Đồng bộ điện lưới và môi trường đạt chuẩn nông thôn mới

TTH - Hạ tầng điện lưới nông thôn và rác thải vệ sinh môi trường là 2 vấn đề “nóng” được cử tri huyện Quảng Điền quan tâm và đại biểu chất vấn đến cơ quan chức năng tại kỳ họp HĐND huyện giữa năm 2024.

Cử tri TP. Huế, huyện Quảng Điền quan tâm hạ tầng giao thông, nâng cao đời sống

 Việc thu gom rác thải ở Quảng Điền đã được Công ty cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Huế đảm nhiệm

Tăng cường giải pháp an toàn lưới điện

Đại biểu Trần Đức chất vấn: Hiện nay, hệ thống điện trên địa bàn huyện có nhiều tuyến xuống cấp, một số tuyến dân cư chưa có các tuyến rẽ nhánh (cách xa 200m) dây chùng, cột hỏng, nhiều trụ điện trong nhà dân chưa được di dời nằm giữa đường liên thôn, liên xóm gây mất an toàn và ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất và sinh hoạt cho người dân, nhất là vào mùa bão lũ.

Theo lãnh đạo Điện lực Quảng Điền, lưới điện hạ áp nông thôn sau tiếp nhận, hầu hết do các địa phương đầu tư xây dựng bằng nhiều nguồn vốn khác nhau. Đối với các khu vực lưới điện xuống cấp, nhất là tại các khu vực lưới điện hạ áp nông thôn tiếp nhận từ địa phương, bằng nhiều nguồn vốn, ngành điện đã đầu tư sửa chữa, cải tạo, xây dựng mới với khối lượng rất lớn, hiện nay cơ bản lưới điện đã đảm bảo an toàn.

Giai đoạn từ năm 2017-2024, ngành điện lực đầu tư cải tạo, sửa chữa và xây dựng mới đường dây trung hạ thế và trạm biến áp tổng số 66 công trình, với tổng mức đầu tư hơn 185 tỷ đồng. Điện lực huyện sẽ tiếp tục kiểm tra và đưa vào kế hoạch đầu tư sửa chữa lớn để lưới điện ngày càng hoàn thiện hơn.

Đối với các đường dây điện đi qua nhà dân, theo ngành điện lực, nguyên trước đây đơn vị tiếp nhận từ các địa phương, đơn vị tập trung kiểm tra, xử lý các điểm mất an toàn, đến nay đã xử lý xong, từng bước đưa các đường dây này ra khỏi khu vực nhà dân và phù hợp với quy hoạch nông thôn mới. Tuy vậy, do khối lượng lưới điện đi qua nhà dân rất lớn nên đòi hỏi phải có kế hoạch dài hạn. Lý do: Đường dây sau công tơ của hộ dân phải kéo dài hơn so với trước đây, vị trí dựng cột một số hộ không đồng thuận nên không triển khai thi công được, gây ảnh hưởng đến khối lượng và tiến độ công trình đầu tư.

Hàng năm, ngành điện có văn bản gửi cho UBND cấp xã về nhu cầu đầu tư lưới điện tại địa phương, để đưa vào kế hoạch đầu tư xây dựng. Trong năm 2024, ngành điện đã triển khai đầu tư các tuyến rẽ nhánh 4,3km, với tổng mức đầu tư 1,9 tỷ đồng. Kế hoạch năm 2025 tiếp tục đầu tư cải tạo, sửa chữa và xây dựng mới 27,8km đường dây trung hạ thế và trạm biến áp, với tổng mức đầu tư hơn 16 tỷ đồng.

Ông Phan Chí Lợi, Giám đốc Điện lực Quảng Điền đề nghị từng hộ dân sử dụng điện có giải pháp đảm bảo an toàn dây sau công tơ. Điện lực sẽ tiếp tục phối hợp với UBND cấp xã nắm bắt nhu cầu đầu tư lưới điện và đưa vào kế hoạch, nhằm giảm thiểu số lượng nhánh rẽ có chiều dài 200m, qua đó hoàn thiện và cải tạo lưới điện ngày càng tốt hơn.

Mỗi năm bù lỗ 2 tỷ đồng thu gom rác thải

Đại biểu Nguyễn Thị Bé chất vấn: Vấn đề thu gom, xử lý rác thải trên địa bàn, giá dịch vụ có thay đổi so với đề án cũ, nhưng chất lượng thu gom rác ở một số địa bàn dân cư chưa tốt; tình trạng xe chở rác chạy nhanh, không được che chắn làm rơi vãi, không có tín hiệu thông báo, nhiều người dân chưa biết thời gian, địa điểm thu gom; một số điểm tập kết rác còn bất cập.

Theo ông Hoàng Tuấn Nam, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Quảng Điền, sở dĩ có việc thu chưa đúng giá (thu thấp hơn mức quy định lần lượt là 5.000 đồng/hộ) dịch vụ thu gom rác thải là do trước đây huyện hợp đồng với một đơn vị thu gom khác. Kể từ quý II/2024, Công ty cổ phần Môi trường và Công trình Đô thị Huế trúng đấu thầu dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn huyện. Theo đó, giá thu đúng quy định: Hộ dân ở xã 35.000 đồng/tháng, ở thị trấn Sịa 40.000 đồng/tháng; hộ kinh doanh cá thể lần lượt 70-80.000 đồng/hộ; đối với cơ quan, đơn vị, trường học mức dao động 100.000 - 345.000 đồng/tháng. Tính đến tháng 7/2024, công ty thu giá dịch vụ thu gom rác trên địa bàn năm 2024 mới đạt được khoảng 26%.

Cũng theo ông Nam, bình quân hàng năm, ngoài số tiền đóng dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt của các hộ dân, thì ngân sách huyện phải bỏ ra để chi bù khoảng trên 2 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo thông báo của UBND huyện về giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn huyện năm 2023 quy định mức thu cho tổ chức từ 100.000 - 345.000 đồng/tháng, nhưng tỷ lệ nộp vẫn không cao; nhiều tổ chức như HTX dịch vụ sản xuất nông nghiệp, trạm y tế, các doanh nghiệp tư nhân… không nộp. Một số xã có tỷ lệ thu đạt thấp, như Quảng Lợi 65%, Quảng Vinh 67%, Quảng An 74%. Do đó, trong thời gian tới, đề nghị UBND các xã, thị trấn tiếp tục tuyên truyền, vận động để người dân chấp hành và thực hiện tốt việc nộp phí dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải theo quy định.

Phòng Tài nguyên và Môi trường cũng chủ động phối hợp với Công ty cổ phần Môi trường và Công trình Đô thị Huế, UBND cấp xã để giải quyết các kiến nghị, phản ánh của người dân. Ngoài ra, đơn vị thu gom đã bố trí các xuồng đựng rác lớn tại các xã Quảng Công, Quảng Ngạn nhằm tránh tình trạng rác vương vãi gây ô nhiễm môi trường. Nhờ thế, việc thu gom rác đã đi vào nề nếp.

Bài, ảnh: THÁI BÌNH
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Mắt thần” giám sát và bảo vệ môi trường

Hệ thống camera là một trong những điểm nhấn về phát triển dịch vụ đô thị thông minh và chuyển đổi số của Thừa Thiên Huế. Với 650 camera an ninh được lắp đặt trên toàn tỉnh phát huy tác dụng rõ rệt, góp phần bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ môi trường và phòng, chống thiên tai, bão lụt.

“Mắt thần” giám sát và bảo vệ môi trường
Miên man với dòng sông “mưa trong nắng đục”

Mới đây, trên Thừa Thiên Huế Online có bài viết “An Cựu - Dòng sông tuổi thơ tôi” của tác giả Dương Đăng Bảo Khánh. Sau khi đọc bài, có bạn đọc gửi thư đề nghị tòa soạn lý giải giúp vì sao sông An Cựu lại “nắng đục mưa trong”?

Miên man với dòng sông “mưa trong nắng đục”

TIN MỚI

Return to top