Ông Mai Quốc Bảo, Giám đốc Công ty TNHH Lộc Mai
Chưa quan tâm đúng mức
Theo ông Hồ Thắng, Phó Giám đốc Sở KH&CN, nhiều người vẫn chưa biết và chưa quan tâm đúng mức đến sở hữu trí tuệ, kể cả trong cộng đồng doanh nghiệp. Do vậy, cùng với những nỗ lực từ phía Nhà nước về việc bảo hộ, bảo đảm hiệu quả thực thi quyền sở hữu trí tuệ, tạo môi trường cạnh tranh sòng phẳng, thì bản thân mỗi doanh nghiệp cũng cần nhận thức đầy đủ hơn về tài sản trí tuệ.
Để cụ thể hóa những chính sách của Nhà nước về Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2017-2020, Sở KH&CN đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình Phát triển tài sản trí tuệ năm 2018. Với quan điểm xuyên suốt là phát triển thương hiệu gắn với chuỗi giá trị các đặc sản của tỉnh, ngành KH&CN tỉnh tập trung vào 5 nhóm giải pháp trọng tâm, gồm: Tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh; tập trung hỗ trợ phát triển vùng nguyên liệu cho các đặc sản chủ lực; trong đó, ưu tiên các sản phẩm dầu tràm, thanh trà Huế, sen Huế, rau má, cam, nguyên dược liệu...; hỗ trợ đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ; hỗ trợ ứng dụng các tài sản trí tuệ, thành quả sáng tạo cá nhân và tập trung hỗ trợ tiếp cận thị trường.
Doanh nghiệp cần gì?
Câu hỏi này được đặt ra cho các chủ cơ sở và doanh nghiệp đang trực tiếp sản xuất các sản phẩm đặc sản của địa phương tham gia hội thảo. Xây dựng sản phẩm và phát triển thương hiệu với quả vả xứ Huế, ông Mai Quốc Bảo (Giám đốc Công ty TNHH Lộc Mai) cho biết, doanh nghiệp vẫn rất cần được Nhà nước tiếp tục tạo điều kiện về nguồn vốn và công nghệ để phát triển mạnh hơn những sản phẩm liên quan đến quả vả. Mặt khác, để những sản phẩm từ trái vả của Huế có chỗ đứng ngày càng bền vững trên thị trường, rất mong các cơ quan chức năng tạo điều kiện để trái vả Huế được bảo hộ và có chỉ dẫn địa lý.
Trong khi đó, ông Trần Văn Lực, đại diện của Công ty TNHH sản xuất tinh dầu Kim Vui lại băn khoăn về vấn đề đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh trước mối đe dọa của hàng giả, hàng nhái. “Ở góc độ doanh nghiệp cụ thể, chúng tôi ý thức được quyền và nghĩa vụ khi đấu tranh với hàng giả, hàng nhái sản phẩm của mình. Tuy nhiên, nếu là sản phẩm của một nhãn hiệu tập thể, biện pháp để các doanh nghiệp cùng chung nhãn hàng ấy là gì?”, ông Trần Văn Lực quan tâm. Đó cũng là vấn đề được nhiều chủ cơ sở, doanh nghiệp vừa và nhỏ quan tâm khi được biết trong thời gian tới, tỉnh sẽ thành lập hiệp hội, đồng thời tạo lập và đăng ký nhãn hiệu tập thể cho nhiều sản phẩm, như: dầu tràm Huế, áo dài Huế, sen Huế…
Cũng hoạt động trong lĩnh vực sản xuất tinh dầu, ông Trương Văn Bắc (Giám đốc công ty TNHH MTV sản xuất tinh dầu Hoa Nén) quan tâm đến vấn đề nguyên liệu bền vững cho sản phẩm. Từ bài học vùng nguyên liệu cho dầu tràm bị cạn kiệt ở Phú Lộc, ông Bắc kiến nghị các cơ quan chức năng nên hỗ trợ thêm các doanh nghiệp vấn đề về vùng nguyên liệu. Mặt khác, theo ông Bắc để tạo thêm động lực cho các doanh nghiệp, hoạt động truyền thông về sở hữu trí tuệ cũng cần được đẩy mạnh. Trong nhiều giải pháp đang được thảo luận để truyền thông mạnh hơn nữa về lĩnh vực này, cần xem xét việc trình chiếu những video giới thiệu về các đặc sản địa phương tại các điểm công cộng.
Lắng nghe và trao đổi cùng đại diện các doanh nghiệp tại hội thảo, ông Hồ Thắng nói: “Sở KH&CN sẽ tiếp thu đầy đủ ý kiến của các doanh nghiệp để hoàn thiện hơn kế hoạch năm 2018. Sắp tới, sở sẽ có những cuộc làm việc trực tiếp với các chủ thể được giao chủ trì từng nhiệm vụ cụ thể để thực hiện có hiệu quả các hoạt động liên quan đến sở hữu trí tuệ. Mọi nỗ lực đều hướng đến mục tiêu xuyên suốt nhằm phát triển hơn nữa những giá trị tài sản trí tuệ của tỉnh. Hành trình này cần sự chung tay của các chủ cơ sở, doanh nghiệp đang trực tiếp sản xuất sản phẩm đặc sản địa phương”.
Bài, ảnh: ĐỒNG VĂN