ClockThứ Hai, 02/05/2022 14:03

Đồng tiền ẩn náu vào đâu?

TTH - Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê VN được Thời báo Kinh tế Sài Gòn dẫn nguồn: Năm 2020, cả nước đầu tư 2,16 triệu tỷ đồng, nghĩa là chỉ có khoảng 1,7 triệu tỷ đồng tạo ra tài sản cố định và tài sản lưu động, chỉ chiếm khoảng 78,5%. Điều này có thể hiểu: 21,5%, nghĩa là tương ứng với hàng trăm ngàn tỷ đồng không đi vào nền sản xuất mà được “cất giấu” ở một nơi nào đó; khó có ai lý giải thấu đáo điều này!?

Quản lý thị trường bất động sản lành mạnh - kỳ 1: “Cò” có thao túng được giá đất?

Một số ngân hàng đã siết chặt cho vay bất động sản (Ảnh minh họa)

Theo người viết, nó có thể ẩn náu vào hai nơi. Nơi thứ nhất là không phải nền kinh tế thực, nghĩa là không tạo ra sản phẩm hàng hóa; đã không tạo ra sản phẩm hàng hóa thì cũng đồng nghĩa với không tạo ra việc làm; có thể nó ẩn náu vào nền kinh tế tài chính và bất động sản (BĐS).

Mấy năm qua, BĐS tăng giá vùn vụt trên quy mô cả nước. Nhiều người còn đề cập đến việc tìm giải pháp chặn lại cơn sốt đất nền. Nhưng không chặn được, ít nhất là đến thời điểm này. Đất là một loại tài sản có giá trị rất lớn nhưng chưa hẳn nó góp mặt như là một yếu tố cho sản xuất. Chẳng nói đâu xa, ở Huế thời gian gần đây rất nhiều khu đô thị được mở ra; thường mở ra đến đâu là đất nền được bán hết đến đấy. Hai năm 2020 và 2021, riêng ngân sách Nhà nước mỗi năm thu đến hàng ngàn tỷ đồng tiền chuyển quyền sử dụng đất. Chừng ấy đất nền cứ giao dịch “loanh quanh” từ sơ cấp đến thứ cấp, qua mỗi bậc, giá lại được đẩy lên cao hơn. BĐS đã hút một lượng tiền rất lớn vào nó. Nhưng không phải BĐS nào cũng trở thành một yếu tố đầu vào của sản xuất. Có những khu quy hoạch đô thị cả hàng chục năm chưa được lấp đầy. Điều này cũng đồng nghĩa với việc đồng tiền chạy loanh quanh, hoặc đứng yên. Nó như là một loại đầu tư dài hạn để giữ tài sản. Tính ra giá trị tiền thì nhiều, nhưng đồng tiền ấy chỉ đứng yên. Trong kinh tế học có hai khái niệm giá trị và giá trị sử dụng. Rất nhiều miếng đất chỉ là giá trị của một người nào đó, nhưng không có giá trị sử dụng. Bởi có sử dụng đâu mà tạo ra giá trị. Từng nền đất cứ trơ trơ nằm đấy.

Thứ hai là nền kinh tế tài chính, trong đó có việc các ngân hàng cho vay vào lĩnh vực BĐS và tiền kỹ thuật số, hay còn gọi là tiền ảo (bitcoin).

Ngân hàng Nhà nước thường tính toán và khống chế trần cho các ngân hàng thương mại cho vay BĐS, tức là có quyền cho vay nhưng không được vượt qua con số này. Thế là người vay bằng một thủ thuật nào đó mà chính sổ đỏ của miếng đất cần mua được cầm cố tại ngân hàng. Miếng đất này bắt đầu một hành trình chạy loanh quanh. Vừa chạy vừa hút thêm một lượng tiền. Ngân hàng là trung gian để bơm tiền vào nền kinh tế; nhưng rõ ràng như trên đã nói, không tạo ra hàng hóa thực. Đã không thực thì nó cũng chẳng tạo ra tài sản cố định và tài sản lưu động. Đồng tiền kỹ thuật số cũng có yếu tố tương tự như vậy.

Có thể một chỗ để đồng tiền đầu tư nhưng không đi vào sản xuất và ẩn náu vài tham nhũng. Nghĩa là tiền đầu tư ra nhưng bị “ngắt” bớt một phần. Chúng ta có thể tin điều này vì thời gian gần đây, có rất nhiều đại án được phanh phui, có những đại án lên đến hàng ngàn tỷ đồng…

Nền kinh tế nào cũng cần vốn đầu tư. Nhưng đầu tư không hiệu quả hoặc hiệu quả không cao sẽ làm cho nền kinh tế đó chậm phát triển.

Bài: NGUYÊN LÊ - Ảnh: HOÀNG LOAN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đông Nam Á nổi lên như một “điểm nóng” về đổi mới công nghệ bất động sản

Với lợi thế từ sự bùng nổ dân số và làn sóng chuyển đổi số mạnh mẽ, Đông Nam Á đang sẵn sàng trở thành trung tâm đổi mới công nghệ bất động sản, với nhiều cơ hội tăng trưởng đáng kể giữa nhiều thách thức, các nhà lãnh đạo ngành này cho biết tại Hội nghị Công nghệ châu Á được tổ chức tại Jakarta ngày 23/10.

Đông Nam Á nổi lên như một “điểm nóng” về đổi mới công nghệ bất động sản
Siết chặt quản lý thị trường bất động sản

Thời gian qua, giá bất động sản (BĐS) tăng cao, khiến cho thị trường vừa mới hồi phục đã xuất hiện những dấu hiệu bất ổn. Thực trạng này đòi hỏi các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc để ngăn chặn tình trạng “thổi giá”, gây nhiễu loạn thông tin, tránh để người dân trở thành nạn nhân của những đợt sốt đất ảo đã từng diễn ra.

Siết chặt quản lý thị trường bất động sản
“Đáp ứng kỳ vọng của người dân”

Điều này được ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường (TN&MT) chia sẻ với Thừa Thiên Huế Cuối tuần khi trao đổi về những nội dung quan trọng của Luật Đất đai năm 2024.

“Đáp ứng kỳ vọng của người dân”
Return to top