ClockThứ Năm, 29/02/2024 11:17

Đồng USD mạnh gây sức ép lên giá hàng hóa nguyên liệu thế giới

Số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, kết thúc ngày giao dịch hôm qua (28/2), 21 trên tổng số 31 mặt hàng đang được giao dịch liên thông thế giới tại MXV đồng loạt giảm giá. Chỉ số MXV-Index quay đầu giảm 0,51% xuống 2.125 điểm, kết thúc chuỗi tăng hai ngày liên tiếp trước đó. Giá trị giao dịch toàn Sở đạt gần 3.700 tỷ đồng.
 

Giá cà phê quay đầu suy yếu

Theo MXV, khép lại phiên giao dịch 28/2, sắc đỏ chiếm ưu thế trên bảng giá nguyên liệu công nghiệp. Trong đó, giá hai mặt hàng cà phê quay đầu suy yếu khi đánh mất 0,71% với Arabica và 1,07% với Robusta. Những tín hiệu tích cực về tồn kho kết hợp với tỷ giá USD/BRL tăng là yếu tố đã gây sức ép lên giá cà phê trong phiên hôm qua.

Trong báo cáo kết phiên 27/2, lượng cà phê Arabica đã qua chứng nhận trên Sở ICE tăng thêm 992 bao loại 60kg, nâng tổng lượng cà phê lưu trữ tại đây lên 333.771 bao. Hơn nữa, số bao cà phê chờ chứng nhận vẫn ở ngưỡng cao với 166.027 bao, là động lực để tồn kho mở rộng trong thời gian tới.

Cùng với đó, đồng Real nội địa của Brazil giảm mạnh trong khi đồng USD mạnh lên, kéo tỷ giá USD/BRL tăng 0,69%. Chênh lệch tỷ giá nới lỏng đã thúc đẩy nhu cầu bán cà phê của nông dân Brazil.

Với Robusta, tồn kho trên Sở ICE-EU có dấu hiệu cải thiện trong hai phiên gần đây, giúp dịu đi lo ngại thiếu hụt nguồn cung trên thị trường. Cụ thể, tồn kho Robusta trên sở ICE kết phiên 27/2 tăng thêm 440 tấn, kéo tổng lượng cà phê lưu trữ tại đây lên mức 24.540 tấn.

Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng hôm nay (29/2), giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ giảm 200 đồng/kg. Theo đó, cà phê trong nước hiện được thu mua quanh mức 82.700 - 83.500 đồng/kg.

 

Sau khi chạm đỉnh lịch sử, giá ca cao tiếp tục mất đà và lao dốc 7,14%. Dù vậy, lo ngại về tình hình sản lượng thấp vẫn chưa dừng lại. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Kobenan Kouassi Adjoumani của Bờ Biển Ngà cho biết, bất lợi về thời tiết có thể khiến sản lượng ca cao nước này giảm khoảng 25% trong vụ hiện tại.

Giá dầu cọ thô giảm 0,07% khi chịu sức ép nhu cầu suy yếu và áp lực từ sự đi xuống của giá các loại dầu thực vật khác. Nhà khảo sát AmSpec Agri Malaysia biết, xuất khẩu các sản phẩm dầu cọ của Malaysia trong 25 ngày đầu tháng 2 ước giảm 14,3% so với cùng kỳ tháng trước.

Diễn biến trái chiều, một số mặt hàng cũng tăng giá, trong đó, giá bông cao hơn 2,31%, neo ở mức giá cao nhất trong hơn một năm. Lo ngại thiếu hụt nguồn cung đã lấn át sức ép từ việc đồng USD tăng trong phiên hôm qua. Về lý thuyết, đồng USD mạnh lên, khiến giá bông Mỹ trở nên kém thu hút đối với khách hàng nắm giữ loại tiền tệ khác. Chi phí tăng, thúc đẩy lực bán chiếm ưu thế trên trên thị trường.

Giá đường 11 nhích nhẹ 0,04%, đánh dấu phiên tăng thứ ba liên tiếp khi thị trường đón nhận thêm thông tin kém khả quan về triển vọng nguồn cung. Tổ chức đường quốc tế (ISO) đã nâng dự báo thâm hụt đường toàn cầu niên vụ 23/24 lên 689.000 tấn. Sản lượng đường sụt giảm tại Thái Lan là nguyên nhân chính khiến nguồn cung đường toàn cầu thắt chặt.

Sức ép vĩ mô kéo giá kim loại suy yếu

 

Kết thúc giao dịch ngày hôm qua, hầu hết các mặt hàng kim loại đều giảm giá bởi sức ép của đồng USD. Đối với kim loại quý, giá bạc để mất 0,53% về 22,63 USD/ounce, mức thấp nhất trong gần hai tuần. Giá bạch kim đóng cửa tại mức 885,1 USD/ounce sau khi giảm 1,33%.

Kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sớm hạ lãi suất ngày càng bị lung lay trong khi đồng USD mạnh lên đã khiến giá kim loại quý suy yếu trong phiên hôm qua.

Theo dữ liệu sơ bộ do Cục Phân tích Kinh tế Mỹ công bố, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý IV/2023 của Mỹ tăng 3,2% so với quý trước. Con số này được điều chỉnh giảm từ mức tăng 3,3% trong báo cáo sơ bộ lần 1. Mặc dù bị điều chỉnh giảm nhẹ, tuy nhiên, nhìn chung đây vẫn là một mức tăng trưởng tốt, phản ánh nền kinh tế Mỹ ổn định trong cuối năm 2023 do được thúc đẩy bởi chi tiêu tiêu dùng mạnh mẽ. Ngoài ra, chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) lõi quý IV/2023 của Mỹ được điều chỉnh tăng lên 2,1%, từ mức 2% trong báo cáo trước.

Như vậy, trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ vẫn mạnh mẽ trong khi lạm phát được điều chỉnh tăng, kỳ vọng Mỹ tránh được suy thoái ngày càng được củng cố nhưng kỳ vọng FED sớm hạ lãi suất lại bị lu mờ hơn nữa. Điều này đã gián tiếp củng cố cho đà tăng của đồng USD với chỉ số Dollar Index kết phiên tăng 0,14% lên 103,98 điểm. Giá kim loại quý vì thế cũng gặp sức ép.

Đối với kim loại cơ bản, giá đồng COMEX quay đầu giảm 0,26%, chốt phiên tại 3,84 USD/pound. Cùng chung xu hướng giảm, giá quặng sắt để mất 1,28% về 116,02 USD/tấn. Đồng USD tăng giá cũng gây áp lực lên giá kim loại cơ bản.

Thêm vào yếu tố gây áp lực lên giá, theo Reuters đưa tin hôm qua, tập đoàn Country Garden của Trung Quốc cho biết họ đã bị chủ nợ Ever Credit Limited đệ trình đơn yêu cầu thanh lý vì tập đoàn bất động sản khổng lồ này không thanh toán khoản vay 205 triệu USD. Động thái này tiếp tục làm gia tăng mối lo ngại về cuộc khủng hoảng nợ trong lĩnh vực bất động sản Trung Quốc, đặc biệt là vào thời điểm chính phủ đang nỗ lực khôi phục niềm tin của người dân vào ngành chiếm 1/4 GDP của nước này.

Hơn nữa, đối với mặt hàng đồng, số liệu tồn kho đồng tăng cao tại Trung Quốc phản ánh nhu cầu chưa phục hồi sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán cũng góp phần làm gia tăng lực bán trên thị trường. Cụ thể, dữ liệu cho thấy tồn kho đồng trên Sàn Giao dịch kỳ hạn Thượng Hải đã tăng hơn gấp đôi sau hơn hai tuần lên 181.323 tấn, mức cao nhất kể từ tháng 3 năm ngoái.

Theo TTXVN
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Y tế kỹ thuật cao: Tạo đà bứt phá, vươn tầm.

Năm 2023, Bệnh viện Trung ương Huế là đơn vị tiêu biểu xuất sắc trong các đơn vị y tế của cả nước về phát triển các kỹ thuật cao: Ghép tạng, ghép tế bào gốc tạo máu tự thân, lĩnh vực ung thư, đột quỵ, tim mạch...

Y tế kỹ thuật cao Tạo đà bứt phá, vươn tầm
HỘI NGHỊ THƯỢNG ĐỈNH G20:
Thế giới trông chờ bước đột phá trong đàm phán khí hậu

Tại thành phố Rio de Janeiro (Brazil), từ ngày 18 - 19/11, các nhà lãnh đạo sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), với chủ đề “Xây dựng thế giới công bằng và hành tinh bền vững”, nhằm giải quyết một loạt vấn đề từ đói nghèo đến cải cách các thể chế toàn cầu.

Thế giới trông chờ bước đột phá trong đàm phán khí hậu
Có một thế giới truyện ngắn Trần Băng Khuê

Đọc Trần Băng Khuê, tôi không có cảm giác đang chạm vào một cấu trúc hư cấu kiểu mẫu, mà đang mò mẫm bước qua từng không gian luôn khép kín, chỉ có một cánh cửa để mở vào một không gian khác và cứ thế dẫm lên những siêu hiện thực không ngừng được bày ra.

Có một thế giới truyện ngắn Trần Băng Khuê
Hãy dùng hành động để ủng hộ “thỏa thuận xanh” của thế giới

Hội nghị lần thứ 29 các bên tham gia Công ước Khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP29) tổ chức tại Baku (Azerbaijan) từ ngày 11 - 22/11 đưa tính cấp thiết của việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu trở lại chương trình nghị sự quốc tế.

Hãy dùng hành động để ủng hộ “thỏa thuận xanh” của thế giới

TIN MỚI

Return to top