Với một tỉnh đa dạng địa hình, có vùng đồi núi, đồng bằng, biển và đầm phá trải trên một diện tích khá rộng, cộng với nguồn nhân lực ở nông thôn vẫn còn hết sức dồi dào… đó là những điều kiện thuận lợi cho phát triển nông nghiệp.
Có điều, qui mô ngành nông nghiệp vẫn còn nhỏ, không có tính đột phá. Con số ước chừng hơn 3.500 tỷ đồng. Tính chung trong 3 năm từ 2016 – 2018 chỉ tăng trưởng ở mức 2,21%.
Sự tăng trưởng phụ thuộc vào nhiều yếu tố nhưng có mấy yếu tố quan trọng đó là: vốn, hàm lượng khoa học kỹ thuật cao được đầu tư, chiều sâu của chế biến… nhưng xem ra, những điều này đối với nông nghiệp Thừa Thiên Huế vẫn còn nhiều hạn chế.
Về yếu tố vốn, nguồn lực trong dân hiện còn thấp cho nên tự người nông dân đầu tư vào nông nghiệp chưa nhiều. Muốn có bứt phá thì cần sự đầu tư của các doanh nghiệp. Nhưng nông nghiệp lại là một ngành ít tạo sức hút đối với doanh nghiệp. Nhìn vào bức tranh thu hút vốn đầu tư, chúng ta sẽ thấy lĩnh vực nông nghiệp rất “lép vế”. Trong 3 năm từ 2016 -2018 trên địa bàn tỉnh có hơn 2.000 doanh nghiệp thành lập mới với qui mô vốn gần 9.200 tỷ đồng, nhưng tìm “đỏ mắt” chỉ thấy vài doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, mà qui mô vốn cũng không lớn. Chỉ có ở huyện Phong Điền có một số doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản tương đối lớn, các huyện còn lại nhìn chung vẫn qui mô hộ gia đình. Ở A Lưới có doanh nghiệp đầu tư dự án chăn nuôi bò qui mô cũng nhỏ; một vài dự án trồng dược liệu cũng vậy. Nuôi trồng thủy sản ít thấy sự bứt phá; sản xuất lúa và hoa màu đi theo hướng hữu cơ nhưng cũng mới ở qui mô nhỏ; lĩnh vực lâm nghiệp đang chuyển biến theo hướng trồng rừng gỗ lớn để nâng thêm giá trị nhưng qui mô còn nhỏ, chỉ chiếm khoảng 10% diện tích rừng trồng toàn tỉnh… Cả ngành nông nghiệp gồm nông - lâm - thủy sản ít thấy có đi vào chế biến theo chiều sâu, ngoại trừ một vài doanh nghiệp hoạt động ở lĩnh vực chế biến thủy sản, chế biến gỗ và một vài sản phẩm nhỏ lẻ khác…
Về yếu tố khoa học, khoa học kỹ thuật được áp dụng trong ngành nông nghiệp như hiện tại, về cơ bản có thể nói là còn lạc hậu. Ví dụ như ở lĩnh vực trồng trọt, mô hình trồng trọt theo hướng hữu cơ, chất lượng VietGAP có thể nâng cao giá trị của sản phẩm nhưng hiện tại lại thiếu sự đảm bảo. Việc xây dựng thương hiệu, truy xuất nguồn gốc vẫn còn khó khăn cho nên chưa tạo được niềm tin thị trường. Cách đây cả chục năm, vùng rau Quảng Thành (Quảng Điền) sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP nhưng cho đến bây giờ, nếu hỏi rau chất lượng VietGAP của Quảng Thành bán ở đâu thì khó mà chỉ ra được. Điều này chứng tỏ một cách làm thiếu bài bản và xâu chuỗi. Gạo hữu cơ hiện tại có doanh nghiệp Quế Lâm làm nhưng qui mô và sức tiêu thụ chưa cao…
Sản xuất sẽ có lợi thế nếu đi cùng với chế biến và kết nối thị trường một cách ổn định. Chẳng hạn như nuôi tôm công nghiệp, các doanh nghiệp lớn họ chủ động từ khâu con giống, khoa học kỹ thuật, thức ăn, thú y, nuôi trồng, chế biến…Trong mỗi khâu như vậy họ đều chủ động, đạt được lợi nhuận và hạ giá thành sản phẩm. Tất nhiên, với nền tảng chế biến nông nghiệp chúng ta còn thấp thì khó có thể so sánh được như vậy. Nhưng đó là điều cần hết sức quan tâm và có giải pháp. Với một diện tích nuôi tôm nước lợ, trên cát rộng lớn ở tỉnh ta có thể cung cấp một nguồn nguyên liệu dồi dào cho ngành chế biến thủy sản. Trong lâm nghiệp, chúng ta trồng rừng kinh tế nhưng rừng chỉ khai thác, sơ chế rồi bán dăm gỗ nên giá trị đạt được không cao. Nếu như chúng ta đi vào chế biến, tạo ra các sản phẩm hoàn thiện thì có thể tham gia vào xuất khẩu, tạo ra giá trị cao hơn. Người ta tính rằng, thị trường xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam có giá trị khoảng 9 tỷ USD (2018), nghĩa là một thị trường rất lớn, Thừa Thiên Huế làm thế nào để tham gia nhiều hơn vào thị trường này?
Để ngành nông nghiệp phát triển mạnh hơn, có lẽ đây là những bài toán cần giải...
Nguyên Lê