ClockThứ Sáu, 02/10/2015 10:48

Dự trữ hàng phòng bão lũ

TTH - Để đảm bảo đủ số lương thực, thực phẩm phục vụ người dân khi bão lụt xảy ra, nhiều DN và hộ kinh doanh đã tích cực tham gia dự trữ các mặt hàng thiết yếu và sẵn sàng xuất kho khi có lệnh.

Kho dự trữ gạo của các hộ kinh doanh ở thị trấn Khe Tre (Nam Đông) chất đầy hàng hóa

Huyện miền núi Nam Đông là địa bàn thường xuyên bị chia cắt khi có các trận lũ lớn xảy ra do đường giao thông sạt lở, nên việc dự trữ hàng hóa đóng vai trò khá quan trọng trong việc đảm bảo đời sống cho người dân. Năm nay, với sự chủ động từ sớm, các DN và hộ kinh doanh đăng ký dự trữ 35 tấn gạo, 400 thùng mì ăn liền và 4.500 lít xăng dầu các loại.

Phó trưởng phòng Kinh tế & Hạ tầng huyện Nam Đông, ông Trần Đình Vĩnh Lộc cho biết: Huyện đã hỗ trợ lãi suất vay ngân hàng và chi phí lưu kho, bảo quản để các DN và hộ kinh doanh dự trữ hàng, đồng thời tổ chức phân phối hàng khi có lệnh xuất của UBND huyện. Hiện, số lượng hàng đang lưu kho tại các DN, đảm bảo đủ số lượng và chất lượng cung ứng cho người dân các địa phương khi cần.

Tiểu thương các chợ tích cực tham gia dự trữ hàng hóa phục vụ công tác PCLB

Tại kho dự trữ gạo của ông Lại Kinh, tiểu thương chợ Khe Tre, 15 tấn gạo đang sẵn sàng cung ứng cho người dân các địa phương trên địa bàn huyện. “Ngoài số lượng hàng đăng ký dự trữ của huyện, cơ sở còn đầu tư trên 200 triệu đồng để dự trữ thêm 15 tấn gạo các loại nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân”, ông Kinh chia sẻ.

Tại đồng bằng, việc dự phòng hàng hóa cho bão lụt cũng được các doanh nghiệp quan tâm. Kho dự trữ hàng của Công ty TNHH DV & TM TH Hoàng Đạt ở 146 Bạch Đằng, TP Huế chật cứng và cao ngất với hơn 60 tấn mì ăn liền và các mặt hàng thiết yếu như cá hộp, dầu ăn, sữa và bánh kẹo. Trong đó, DN đăng ký dự trữ hàng phục vụ công tác PCLB của tỉnh gồm 10 tấn mì ăn liền hiệu 3 miền, sẵn sàng xuất kho khi có lệnh. Với 2 kho hàng có diện tích gần 1.000m2, hàng dự trữ luôn được đảo kho, quay vòng nhằm đảm bảo không bị hư hỏng, ẩm mốc và hao hụt về trọng lượng.

Giám đốc Công ty TNHH DV & TM TH Hoàng Đạt, Nguyễn Thị Xuân Thu cho biết: “Năm nay, ngoài việc dự trữ 10 tấn mì ăn liền theo cam kết của tỉnh, DN đầu tư trên 20 tỷ đồng dự trữ nhiều mặt hàng thiết yếu, đồng thời trang bị thêm gần 10 xe tải chở hàng để kịp thời vận chuyển hàng đến các huyện, thị xã khi lụt bão xảy ra nhằm bình ổn giá cả thị trường và đảm bảo đủ thực phẩm cung ứng cho người dân”.

Đầu tháng 9 vừa qua, Sở Công thương đã triển khai ký hợp đồng dự trữ hàng hóa PCLB với các DN trên địa bàn tỉnh. Năm nay, 6 DN chủ lực trong lĩnh vực thương mại sẽ dự trữ 100 tấn gạo và 100 tấn mì ăn liền. Thời gian dự trữ kéo dài gần 4 tháng, từ 1/9 đến 15/12/2015. Ngoài ra, các địa phương chủ động triển khai tốt công tác dự trữ hàng hoá tại chỗ phục vụ PCLB năm 2015. Theo đó, các DN, tiểu thương các chợ và chính quyền địa phương tại các huyện, thị xã, TP Huế đã dự trữ trên 437 tấn gạo, 77 tấn mì ăn liền, 54 nghìn lít xăng dầu, 107 nghìn lít nước uống và nhiều mặt hàng thiết yếu khác. Riêng 2 huyện miền núi Nam Đông và A Lưới, tăng cường dự trữ lương thực, thực phẩm, xăng dầu, nước uống đề phòng đường giao thông bị sạt lở, chia cắt dài ngày.

Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công thương Phan Hùng Sơn cho biết: Nhằm tạo động lực và trách nhiệm cho các DN tham gia dự trữ, Sở đề xuất UBND tỉnh hỗ trợ lãi suất vay ngân hàng, hỗ trợ chi phí lưu kho và vận chuyển khi xuất hàng đến các huyện, thị xã. Để đảm bảo số lượng hàng luôn có mặt tại kho cũng như chất lượng hàng, Sở thường xuyên kiểm tra, kiểm soát và bám sát các DN để theo dõi và giám sát quá trình dự trữ”.

 

Bài, ảnh: Thanh Hương
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Xuân Lộc được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới

Chiều 22/11, UBND huyện Phú Lộc tổ chức công bố quyết định và đón bằng công nhận xã Xuân Lộc đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Đến dự buổi lễ có ông Đặng Ngọc Trân, UVTV Tỉnh ủy, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy.

Xuân Lộc được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới
Thúc đẩy liên kết phát triển dược liệu bền vững

Đó là chủ đề tại hội thảo khoa học do Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức vào ngày 22/11, với sự tham gia của các sở, ban, ngành liên quan, nhà khoa học, doanh nghiệp, chính quyền địa phương để cùng nhau bàn luận các giải pháp, tháo gỡ vướng mắc trong phát triển dược liệu, nhất là vấn đề liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm từ dược liệu.

Thúc đẩy liên kết phát triển dược liệu bền vững

TIN MỚI

Return to top