Chia sẻ thông tin lao động, thị trường việc làm
Chia sẻ cùng các DN tại hội nghị, ông Đặng Hữu Phúc, TUV, Giám đốc Sở LĐTB&XH cho rằng, tình hình sản xuất kinh doanh của các DN trên địa bàn vẫn gặp khó khăn. Nhiều DN cần tuyển lao động nhưng chưa tuyển đủ hoặc có DN muốn giữ chân lao động nhưng lại bị ảnh hưởng dịch tác động.
Ông Đặng Hữu Phúc chia sẻ khó khăn do đại dịch và rà soát, nắm nhu cầu tuyển dụng lao động
Đại diện Công ty CP Dệt May Thiên An Phú cho biết, đơn vị đang cần tuyển dụng 1.100 vị trí vào làm tại nhà máy ở KCN Phú Bài. Trong đó ưu tiên 900 lao động nghề may, 200 lao động dịch vụ. Công ty có chế độ chính sách với mỗi NLĐ với mức hỗ trợ hàng tháng khoảng 760 nghìn đồng phụ cấp xăng xe, nhà trọ...
Công ty CP Scavi Huế đang cần thêm 2.500 lao động đến cuối năm 2021; trong đó 2.000 lao động may, 500 lao động phổ thông, ngoài ra cần tuyển các vị trí quản lý có trình độ đại học trở lên. Đến năm 2022, đơn vị cần tuyển 4.500 thành viên, trong đó 3.000 lao động may, 1.500 lao động phổ thông. Để thu hút lao động, đơn vị đã có thư ngỏ và áp dụng chính sách hỗ trợ 8 triệu đồng cho mỗi lao động mới, trong đó hỗ trợ nóng 5 triệu đồng và 3 triệu đồng tiền lương tháng...
Trong những tháng cuối năm, nhiều DN có nhu cầu tuyển dụng lao động vào làm việc, chủ yếu là DN về lĩnh vực may công nghiệp, chế biến và chế tạo với trình độ lao động có tay nghề phổ thông. Theo thống kê hiện nay, có 34 DN trên địa bàn tỉnh có nhu cầu tuyển dụng 7.669 lao động, tập trung các DN tại Khu kinh tế, công nghiệp như: Công ty SCAVI Huế; Công ty TNHH Công Nghệ Bảo Hộ Kanglongda Việt Nam; Công ty CP Dệt May Phú Hòa An; Chi Nhánh Huế - Công Ty CP Vinatex Quốc Tế; Công ty CP Hello Quốc Tế Việt Nam; Công ty TNHH chế xuất Billion Max Việt Nam, Công ty CP Chăn Nuôi C.P Việt Nam- CN Đông Lạnh Thừa Thiên Huế; Công ty CP Dệt May Thiên An Phú…
Một số DN đề xuất các cơ quan chức năng cần tạo điều kiện hỗ trợ đào tạo nghề, chuyển đổi nghề cho các lao động hồi hương. Đại diện các đơn vị trong ngành dệt may đều thừa nhận, đơn vị không có thời gian, kinh phí, nguồn nhân lực để đào tạo nghề cơ bản cho lao động mới, dù họ rất sẵn sàng hỗ trợ một phần, phối hợp với cơ sở đào tạo nghề tạo điều kiện về nhà xưởng thực hành cũng như cam kết tiếp nhận hoàn toàn lao động ký kết đào tạo.
Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, sản xuất kinh doanh ảnh hưởng, đại diện Công ty TNHH chế xuất Billion Max Việt Nam đưa ra ý kiến, giữa các DN cần có sự kết nối, chia sẻ NLĐ. Vì có thể trong thời điểm này, ở công ty này có nguồn nhân lực qua đào tạo phù hợp với vị trí cần dùng của công ty kia thì cũng nên chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau, giúp NLĐ có cơ hội làm đúng ngành nghề, sở trường và ổn định công việc.
Tuyển dụng nhưng phải đảm bảo phòng chống dịch
Theo ông Đặng Hữu Phúc, ngoài lao động đang thất nghiệp tại địa phương, hiện có lực lượng lao động trở về từ các vùng dịch rất lớn. Khoảng trên 15.000 lao động thực hiện cách ly và 4.000-5.000 người trong độ tuổi lao động trong số hơn 36.000 người trở về địa phương từ ngày 28/4 đến nay. Việc di chuyển lao động này vừa tạo cơ hội đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các DN trên địa bàn, nhưng cũng là một thách thức "giải quyết việc làm" với số lượng lớn trong và sau dịch.
Nhu cầu tuyển dụng của các DN trên địa bàn, nhất là ngành may mặc rất lớn
Tính đến tháng 8/2021, tổng số lao động được giải quyết việc làm toàn tỉnh 10.132 lao động (trong đó có 482 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng), đạt 63,3% so với kế hoạch đề ra.
Qua tổng hợp, rà soát các DN hoạt động tại các khu kinh tế, công nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn duy trì, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, người lao động vẫn việc làm bình thường theo các phương án và các quy định về phòng chống dịch bệnh. Trong 8 tháng đầu năm, số lao động làm việc tại các khu kinh tế, công nghiệp trên địa bàn tỉnh tăng khoảng 3.500 lao động so với đầu năm 2021, đời sống của công nhân, người lao động vẫn đảm bảo. Có 5.182 người nhận quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp, giảm 33% so với cùng kỳ; 350 người được hỗ trợ học nghề, tăng 148% cùng kỳ năm 2020.
Tại hội nghị, nhiều DN cũng thẳng thắn chia sẻ về những khó khăn trong công tác phòng chống dịch, một lượng lớn công nhân, các vị trí quan trọng có nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 vẫn chưa được tiêm vắc xin phòng dịch.
Công ty Dệt may Thiên An Phát có 2.200 người, nhưng mới có 20 người được tiêm vắc xin mũi 1 và 139 người được công ty gửi danh sách lên Sở Y tế đã hơn 2 tháng vẫn chưa được bố trí tiêm. Bên cạnh đảm bảo 5K, test nhanh, đo thân nhiệt, khai báo y tế, xét nghiệm PCR, chi trả đủ 14 ngày tiền lương đối với những lao động bị cách ly (trên 15 ngày áp dụng hỗ trợ theo chính sách Nghị quyết 68)..., nhiều DN rất quan tâm đến nhu cầu được tiêm vắc xin.
Ông Lê Tuấn Anh, đại diện Công ty CP Dệt may Phú Hoà An chia sẻ, với lực lượng lao động từ phía Nam trở về quê là cơ hội rất lớn cho đơn vị khi đang cần tuyển 1.000 lao động và kể cả các DN ngành may khác, vì cần sử dụng hơn 80% tổng cầu lao động. Nên, ngoài hỗ trợ, chia sẻ cùng DN trong các biện pháp phòng chống dịch, nhất là những lao động về từ vùng dịch, đơn vị muốn ngành lao động công khai danh sách, thông tin cụ thể, chi tiết về địa chỉ, nghề nghiệp, nhu cầu chuyển đổi nghề của NLĐ, để các DN tìm hiểu và chủ động liên hệ phỏng vấn, tuyển dụng.
Liên quan đến vấn đề này, Sở LĐTB&XH đề nghị phía DN cũng cần cập nhật những thông tin, vị trí cần tuyển, ngành nghề cụ thể để người dân biết và chủ động liên hệ với DN hoặc qua đơn vị dịch vụ việc làm.
Ông Đặng Hữu Phúc thông tin, Sở LĐTB&XH cũng đang phối hợp với các địa phương trên địa bàn rà soát, nắm bắt số lượng, ngành nghề, trình độ tay nghề đối với lao động làm việc ngoài tỉnh trở về, đưa những lao động này nhanh chóng tham gia sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội. Sở sẽ tổ chức đào tạo nghề theo chuyên đề cho ngành may và chuyển đổi nghề nghiệp; đồng thời tích cực triển khai các chính sách hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động hưởng các chính sách theo Nghị quyết 68 và Quyết định 23.
Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG