Giao dịch việc làm thông qua hình thức trực tiếp và trực tuyến
Ra tết, chị Thủy Tiên, ở phường Kim Long, TP. Huế lại tiếp tục tìm công việc mới. Do có con nhỏ, chị muốn tìm việc bán thời gian. Ngoài tìm kiếm thông tin trên mạng, chị chọn đến Sàn giao dịch việc làm (GDVL) với tần suất 2 phiên/tháng vào ngày 5 và 20 của Trung tâm DVVL để mong sớm có việc.
Cùng hoàn cảnh đi tìm việc như chị Thủy Tiên, anh Võ Đăng Nhật, sinh viên mới ra trường quê ở TX. Hương Trà cũng thường truy cập website cũng như các trang facebook sàn GDVL của Trung tâm DVVL và của một số doanh nghiệp (DN) sản xuất kinh doanh, công ty dịch vụ tuyển dụng, đào tạo lao động đi làm việc ở nước ngoài... để tìm kiếm, lựa chọn vị trí việc làm phù hợp nhằm nộp hồ sơ tuyển dụng.
Gia tăng hiệu quả kết nối giữa DN và người lao động, ngoài duy trì hiệu quả hoạt động website của đơn vị và fanpage “Việc làm Huế”, Trung tâm DVVL còn phối hợp với các địa phương thực hiện điều tra cung - cầu; ký kết hợp tác với các DN trong việc cung ứng lao động.
Hiện nay, thông qua trực tiếp tại trụ sở chính, tại các điểm giao dịch vệ tinh của Trung tâm DVVL, các phiên GDVL và gián tiếp qua cổng thông tin điện tử việc làm, các website, điện thoại, tin nhắn..., trung tâm thường xuyên cập nhật những việc làm trống, người tìm việc để chia sẻ thông tin. Định kỳ, trung tâm tích cực phân tích và đưa ra các bản tin về thị trường lao động, bản tin về dự báo thị trường lao động ngắn hạn trên địa bàn. Số lượt người truy cập trang website việc làm của trung tâm đạt hàng triệu lượt truy cập và fanpage “Việc làm Huế” cũng luôn thu hút hàng nghìn lượt người thích và theo dõi.
Để tăng tính hiệu quả cũng như đa dạng hình thức hoạt động GDVL, trung tâm tổ chức giao dịch trực tuyến, giao dịch lưu động ở các huyện, thị xã trong tỉnh, tổ chức ngày hội việc làm mang tính quy mô toàn tỉnh; đăng thông tin tuyển dụng tại trụ sở chính của trung tâm và 2 cơ sở. Nhờ đó, hàng năm đã giới thiệu thành công từ 2.200-2.800 vị trí việc làm phù hợp với khả năng, trình độ và nguyện vọng, giúp người tìm việc tại địa phương không phải mất thời gian đi lại, tiết kiệm chi phí, nhất là người lao động ở các huyện vùng sâu, vùng xa.
Trung tâm DVVL còn đưa ra phương án xây dựng bộ công cụ quản lý thông báo, nhắc lịch, kết nối việc làm và thông tin việc làm hỗ trợ lao động qua ứng dụng trên điện thoại thông minh. Bộ công cụ này sẽ kết nối với các cơ sở dữ liệu sẵn có của trung tâm: cơ sở dữ liệu việc làm trống, lịch khai báo tìm kiếm việc làm hàng tháng của người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp… để hỗ trợ thông báo, nhắc lịch và thông tin việc làm cho người lao động, tăng cường chất lượng và hiệu quả cho công tác giải quyết chế độ cho người lao động tham gia hưởng bảo hiểm thất nghiệp cũng như phổ biến, thông tin chính sách việc làm, thị trường lao động cho người lao động.
Theo ông Nguyễn Duy Thông, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, để tăng hiệu quả cầu nối “người tìm việc, việc tìm người”, trung tâm đẩy mạnh kết nối với các trung tâm dịch vụ việc làm trên toàn quốc, phục vụ kết nối cung- cầu lao động, tạo điều kiện cho DN và người lao động tiếp cận dịch vụ thuận tiện, nhanh chóng, không phải mất chi phí về tài chính và tiết kiệm được thời gian.
Bài, ảnh: SONG MINH