ClockThứ Sáu, 29/12/2023 11:53

GDP năm 2023 tăng 5,05%, điểm sáng của kinh tế dòng vốn FDI

Tại họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội năm 2023 diễn ra sáng 29/12, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho biết: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm nay của Việt Nam ước tính tăng 5,05% so với năm trước, chỉ cao hơn tốc độ tăng 2,87% và 2,55% của các năm 2020 và 2021 trong giai đoạn 2011 - 2023.

GDP 6 tháng đầu năm 2023 tăng 3,72%Việt Nam giữ vững vị thế trong top 30 quốc gia hùng mạnh nhấtHy vọng sự phục hồi cao của nền kinh tếADB: Nền tảng kinh tế mạnh mẽ là chìa khóa cho sự phục hồi nhanh tại Việt NamKinh tế 6 tháng khởi sắc nhưng áp lực lạm phát lớn

Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương. 

“Điểm sáng khác của nền kinh tế năm 2023 là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam ước đạt 23,18 tỷ USD, tăng 3,5% so với năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất trong 5 năm qua”, Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương cho biết. 

Trước đó, theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), sự phục hồi của dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam những tháng cuối năm đã khiến dòng vốn này trong cả năm nay tăng mạnh so với năm 2022. Trong tổng vốn đăng ký hơn 36,6 tỷ USD, vốn đăng ký mới đạt gần 20,19 tỷ USD, tăng 62,2% so với cùng kỳ. Số dự án đăng ký mới cũng đạt 3.188 dự án, tăng 56,6%. Như vậy, cả dự án mới và vốn đăng ký mới đều tăng mạnh. Đây là một điểm rất đáng ghi nhận.

Ngoài vốn đăng ký mới, năm 2023 cũng ghi nhận 1.262 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư (tăng 14% so với cùng kỳ), với tổng vốn đầu tư tăng thêm đạt hơn 7,88 tỷ USD (giảm 22,1% so với cùng kỳ).

Trong khi đó, vốn đầu tư thông qua góp vốn mua cổ phần đạt hơn 8,5 tỷ USD, tăng 65,7% so với cùng kỳ. Nhờ quy mô vốn góp tăng nên dù lượt giao dịch góp vốn, mua cổ phần trong năm 2023 chỉ đạt 3.451 lượt, giảm 3,2% so với cùng kỳ, nhưng vốn góp lại tăng cao.

"Việc vốn giải ngân tăng so với cùng kỳ đã cho thấy sự đồng hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương trong việc chủ động tiếp cận, nắm bắt, tháo gỡ những điểm nghẽn, rào cản pháp lý đang cản trở hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp đã phát huy hiệu quả, giúp doanh nghiệp ổn định và cải thiện sản xuất - kinh doanh, và tiếp tục đầu tư", đại diện Cục Đầu tư nước ngoài cho biết.

Theo đại diện Tổng cục Thống kê, GDP quý IV/2023 ước tính tăng 6,72% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn quý IV các năm 2012 - 2013 và 2020 - 2022 và với xu hướng tích cực, quý sau cao hơn quý trước (quý I tăng 3,41%, quý II tăng 4,25%, quý III tăng 5,47%). 

Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,13%, đóng góp 7,51% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,35%, đóng góp 42,58%; khu vực dịch vụ tăng 7,29%, đóng góp 49,91%. 

Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng trưởng tích cực, trong đó kim ngạch xuất khẩu một số nông sản tăng cao, chăn nuôi phát triển ổn định, ứng dụng mô hình công nghệ cao trong nuôi tôm thẻ chân trắng đã đem lại hiệu quả kinh tế. 

Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh tổng cầu thế giới suy giảm. Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp năm 2023 chỉ tăng 3,02% so với năm trước, là mức tăng thấp nhất của các năm trong giai đoạn 2011 - 2023, đóng góp 1,0 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế. 

Tuy nhiên, theo đại diện Tổng cục Thống kê, các hoạt động thương mại, du lịch duy trì đà tăng trưởng cao, đóng góp tích cực vào tăng trưởng của khu vực dịch vụ. Giá trị tăng thêm khu vực dịch vụ năm 2023 tăng 6,82% so với năm trước, cao hơn mức tăng 2,01% và 1,75% của các năm 2020 - 2021. 

Một số ngành dịch vụ thị trường có tỷ trọng lớn, đóng góp nhiều vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế như sau: Bán buôn và bán lẻ tăng 8,82% so với năm trước, đóng góp 0,86 điểm phần trăm; ngành vận tải, kho bãi tăng 9,18%, đóng góp 0,55 điểm phần trăm; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 6,24%, đóng góp 0,37 điểm phần trăm; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 12,24%, đóng góp 0,31 điểm phần trăm.

Một tín hiệu tích cực khác của nền kinh tế là tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý IV/2023 (tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước). Tính chung năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,6% so với năm trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tiếp tục tăng cho thấy xu hướng phục hồi của nền kinh tế

Cùng với đó, khách quốc tế đến Việt Nam tháng 12/2023 đạt gần 1,4 triệu lượt người (tăng 11,2% so với tháng trước và tăng 93,9% so với cùng kỳ năm trước). Tính chung năm 2023, khách quốc tế đến nước ta đạt 12,6 triệu lượt người, gấp 3,4 lần năm 2022, vượt xa mục tiêu 8 triệu khách quốc tế của năm 2023. Tuy nhiên khách quốc tế đến Việt Nam năm 2023 chỉ bằng 70% năm 2019 - năm chưa xảy ra dịch COVID-19.

Về xuất nhập khẩu hàng hoá, năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 683 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 355,5 tỷ USD (giảm 4,4% so với năm trước); kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 327,5 tỷ USD (giảm 8,9% so với năm trước). Như vậy năm 2023, cán cân thương mại hàng hóa năm 2023 ước tính xuất siêu 28 tỷ USD.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, lãnh đạo Tổng cục Thống kê cũng cho rằng: Năm 2024, kinh tế - xã hội Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là kinh tế Việt Nam có độ mở lớn nên chịu tác động đan xen nhiều mặt. Trong khi đó, kinh tế thế giới đang gia tăng khả năng suy thoái, bất ổn; biến động nhanh và khó lường về kinh tế, chính trị, quân sự; thiên tai dịch bệnh khó dự báo trước. 

“Để đạt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, tạo đà tăng trưởng và hoàn thành mục tiêu của giai đoạn 2021 - 2025 là thách thức rất lớn, cần sự chung sức, đồng lòng của Chính phủ, doanh nghiệp và nhân dân cả nước. Các ngành, các cấp tăng cường dự báo, chủ động điều hành linh hoạt, phù hợp với tình hình mới, kịp thời ứng phó với các tình huống phát sinh, tập trung triển khai hiệu quả đồng bộ các chính sách hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội”, Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương đề xuất.

Tin tức
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đón dòng vốn FDI dịch chuyển sang Việt Nam

Năm 2024 được dự báo là điểm khởi đầu của làn sóng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lần thứ tư vào Việt Nam. Nhiều địa phương đã chủ động chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết để sẵn sàng đón dòng vốn ngoại, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Đón dòng vốn FDI dịch chuyển sang Việt Nam
Kỳ vọng 'đón sóng' dòng vốn FDI

Việt Nam được các nhà đầu tư quốc tế đánh giá là điểm đến hấp dẫn, an toàn và đang đón “làn sóng” đầu tư, đặc biệt lĩnh vực công nghệ, điện tử, sản xuất linh kiện bán dẫn. Dự báo nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam năm 2024 sẽ duy trì tăng, tương đương hoặc cao hơn năm 2023.

Kỳ vọng đón sóng dòng vốn FDI
Đà hồi phục sức khỏe của doanh nghiệp đang có dấu hiệu tốt lên

Theo Báo cáo kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng năm 2023 của Tổng cục Thống kê sáng 29/8, trong 8 tháng năm nay, Việt Nam có 149.400 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, giảm 0,03% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có 18.700 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Đà hồi phục sức khỏe của doanh nghiệp đang có dấu hiệu tốt lên

TIN MỚI

Return to top