ClockThứ Sáu, 09/02/2024 10:30

Giấc mơ rồng Huế

TTH - Tết Nguyên đán 2024 là mở đầu của năm Giáp Thìn. Ước vọng cho năm mới thường là một giấc mơ. Nếu có chăng một giấc mơ cho Huế trong năm Thìn, thì có thể gọi tên là “Giấc mơ Rồng Huế”!

Cơ hội thực hiện “Giấc mơ Huế”

Mái Lầu Ngũ Phụng. Ảnh: Bảo Minh 

Hơn năm năm trước có một vị trong chính quyền Thừa Thiên Huế, ông Phan Ngọc Thọ, đã nói đến giấc mơ Huế rằng: “Giấc mơ Huế không có gì xa vời, đó là hướng đến một xã hội người dân sung túc, một xã hội bình yên và một chính quyền thân thiện”. Đơn giản đây là một giấc mơ êm đềm và đáng yêu, nhưng vẫn có người chưa đồng cảm. Người ta không dừng lại ở tầm giai điệu “ngủ đi, mộng vẫn bình thường” như trong bài thơ Ngậm Ngùi của Huy Cận bởi cảm xúc sôi nổi hơn rằng, khi đã ước mơ thì phải đạt tới một cảnh giới cao hơn là bình thường. Đã mộng là phải “phi thường” chứ chỉ bình thường thì chẳng “bõ bèn” gì để mơ với mộng! Thật ra, thì chút hương hoa mơ với mộng cũng chỉ là cách nói khác của ước vọng tương lai.

Giấc mơ rồng Huế vừa là truyền thống, vừa là dự phóng về Huế trong tương lai.

Từ một vùng Ô Châu lạc địa trong buổi đầu Nam tiến, đến khi trở thành Kinh đô của cả nước thuở vương triều nhà Nguyễn cũng đã là một giấc mơ rồng của Huế. Nhưng rồng Huế là rồng chầu, như ca dao dân gian đã nhìn thấy: “Rồng chầu ngoài Huế; ngựa tế Đồng Nai…”. Rồng chầu là rồng nghi lễ, trang hoàng nên dẫu có muốn vẫy vùng ngang dọc thì nhiều lắm cũng giới hạn trong hình ảnh hai rồng cùng tranh đoạt một viên ngọc (lưỡng long tranh châu), hay ngoan ngoãn hai rồng cùng chầu một mặt trăng (lưỡng long triều nguyệt). Trong lúc đó, trên dòng trôi chảy của lịch sử thì rồng phương Bắc bay vút lên trời xanh như giấc mơ của Lý Công Uẩn (Thăng Long), hay rồng lan xa chín hướng (Cửu Long) như ở phương Nam.

Giấc mơ năm Thìn của Huế là giữ cho được cái thế rồng xưa của Huế; nhưng phải biến rồng chầu, rồng Kim Long, rồng Long Thọ, rồng Hàm Long… đời đời uy nghi, nép mình điểm tô cho quyền uy của vua quan một thời thành rồng bay, rồng lượn, rồng hóa thân như cá vượt vũ môn mà thành. Đó là biểu tượng của ba nét tiêu biểu về rồng: Đẹp thần tiên mà vẫn gần gũi với cuộc đời hiện thực; cống hiến dáng vẻ quý phái cao sang thành giá trị văn hóa và kinh tế phục vụ đất nước, con người; không đánh mất vai trò trong Tứ Quý (Long, Ly, Quy, Phụng) nhưng vẫn hiện đại hóa thành rồng thế kỷ.

Từ mơ đến thực không phải là một quá trình hóa thân “rồng rắn” mà là một tiến trình xây dựng viễn kiến, thông qua lãnh đạo và tổ chức thực hiện nên đòi hỏi phải có nhân sự và kế hoạch thích ứng. Viễn kiến là cái nhìn tầm xa mà không bị chệch hướng, cụ thể như túi khôn “tam thụ” là ba kế hoạch gieo mầm, gây giống đầu tư từ trước mắt cho đến cả trăm năm sau: Kế hoạch một năm không gì bằng trồng lúa, kế hoạch mười năm không gì bằng trồng cây và kế hoạch trăm năm không gì bằng trồng người. Giấc mơ Huế trên đường hiện thực cũng không ra ngoài tầm kế hoạch đầu tư như thế. Trong kinh tế và toán học người ta chia ra điều kiện “ắt có và đủ”. Ắt có là điều kiện cần thiết phải có để làm căn bản xây dựng nguồn vốn và điều kiện đủ là điều kiện phối hợp cân đối những gì mình có để tạo ra thành phẩm, sản phẩm. 

Giấc mơ cụ thể của Huế là đẹp và giàu. Ngày xưa, trò chơi “nói luồn vần” hài hước bình dân xứ Huế có câu: “Huế thơ, Huế mộng, Huế tộng bộng hai đầu…”. Nghĩa nôm na là Huế đẹp mà chưa giàu. Ngày nay, Huế vẫn đẹp nhưng còn chăng hai đầu… tộng bộng? Những người Huế tha hương giờ đây về thăm quê hương thấy xóm làng nay đã có điện, nước máy, internet, nhà cửa khang trang, đường sá đúc xi măng và người dân không còn “mùa đông thiếu áo, mùa hè thiếu ăn”, nhưng vẫn hiểu từ trong ruột hiểu ra là bà con Huế mình chưa giàu. Không may gặp những mùa thiên tai, bão lụt mà nghe bà con Huế trên khắp thế giới gọi tin cho nhau “Thương lắm Huế ơi!” thì Huế kiều nào cũng sụt sùi thương nhớ về cố xứ xa xăm. Cho nên giấc mơ Huế là phải khá lên và từng bước phải giàu. Điều kiện ắt có của Huế chỉ mới có căn bản vững vàng về mặt thiên nhiên và địa lý.

Huế đang và sẽ mở rộng thành phố phía nam và phía bắc. Thừa Thiên mở rộng Đông Tây núi rừng, sông biển nhưng một nền kinh tế tương lai của Thừa Thiên Huế không thể chỉ khai thác kỹ nghệ du lịch, ẩm thực, tiểu thủ công nghiệp, nông, ngư nghiệp truyền thống, mà còn cần phải bứt phá sang các lĩnh vực làm giàu hiện đại hơn. Giới trí thức Huế trong cũng như ngoài nước đều biểu lộ sự tâm đắc khi được nghe ông Phan Ngọc Thọ, một nhân vật lãnh đạo trong chính quyền Thừa Thiên Huế nhấn mạnh về một trong những hướng phát triển kinh tế địa phương theo khuynh hướng trí thức và công nghệ.  

Trừ Nhật Bản, các nước châu Á đều được xem là các “nước thứ ba”. Việt Nam là một nước trong thế giới “thứ ba” đó. Đặc điểm chung của các nước thứ ba là có nền kinh tế dựa vào phương tiện và tư liệu sản xuất để định hình kinh tế như kinh tế nông nghiệp, kinh tế du lịch, kinh tế ẩm thực, kinh tế tiểu thủ công nghiệp nhưng thiếu kinh tế trí thức, công nghệ. Đó là một nền kinh tế hình thành, xây dựng và sản xuất ra các thành phẩm do các ngành nghề xuất phát từ khoa học kỹ thuật làm nên.

Cùng với các tỉnh, thành trong cả nước, Thừa Thiên Huế cũng vươn dậy trong những điều kiện vật chất và tinh thần cụ thể của mình. Nhưng Thừa Thiên Huế đang thiếu hình thái kinh tế quyết định cho sự giàu mạnh, đó là kinh tế trí thức và kỹ thuật số hiện đại.

Trong vòng nửa thế kỷ qua, giới kinh tế và kỹ thuật phương Tây vẫn không ngừng nói đến sự chuyển mình của “bốn con rồng châu Á” là bốn nền kinh tế phát triển ở Đông Á, bao gồm Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore và Hồng Kông. Hai nét đậm được nhấn mạnh về đặc điểm nổi trội của các “xứ rồng” nầy là hàng xuất khẩu từ các sản phẩm công nghệ và dân số cũng như lực lượng công nhân có học thức cao. Một kỹ sư công nghệ theo tiêu chuẩn quốc tế có mức sản xuất làm lợi cho công ty và đất nước gấp hàng mấy chục hay có khi hàng trăm lần so với một lao động bình thường không có tay nghề.

Trong vòng năm năm trở lại đây, Việt Nam cũng được nhắc đến với tiềm năng vươn lên bắt kịp bóng rồng châu Á. Với sự tiếp cận các nước có nền kinh tế kỹ thuật hàng đầu của thế giới càng ngày càng mở rộng như đang diễn tiến đầy khích lệ, Thừa Thiên Huế với hệ thống trường đại học đa dạng và phong phú; phụ huynh và con em Huế có truyền thống hiếu học từ lâu đời kết hợp với viễn kiến của giới lãnh đạo đánh giá cao và đúng mức về hướng kinh tế trí thức, giấc mơ Huế nhắm vào lĩnh vực kinh tế “rồng châu Á” rất có thể là ước mơ Huế cùng với đất nước đứng lên trong tầm tay với.

Về phương diện cảnh quan và hình tướng, Huế nằm trong nhóm “năm nơi cần phải viếng trong gói du lịch Việt Nam” (top five places of interest). Nhưng đó mới chỉ là Huế đẹp. Đẹp nhưng chưa khá giả thì vẫn còn bị “tộng bộng hai đầu”; nghĩa là giấc mơ Huế chưa trọn vẹn, trong khi một giấc mơ rồng Huế cần có cả hình thức thu hút tầm nhìn hoa mỹ và luôn cả nội dung phong phú.

Đất nước có một chân trời phồn vinh và Huế có một tương lai giàu đẹp là giấc mơ rồng Huế trong dịp xuân về, tết đến.

Trần Kiêm Đoàn
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chuyển địa điểm tổ chức chương trình nghệ thuật Countdown Huế 2025

UBND TP. Huế vừa thông báo thay đổi địa điểm tổ chức chương trình nghệ thuật Countdown - Chào năm mới 2025 (Countdown Huế 2025 - Một Kỷ nguyên mới), đồng thời thông báo Countdown Huế 2025 sẽ là điểm cầu trực tiếp trên sóng VTV chào đón năm mới 2025 cùng với các điểm cầu Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh - Hải Phòng.

Chuyển địa điểm tổ chức chương trình nghệ thuật Countdown Huế 2025
Cơ hội và thách thức trong quản lý đô thị di sản của TP. Huế trực thuộc Trung ương

Với tính chất là đô thị di sản, trong chiến lược lâu dài, Thừa Thiên Huế sẽ được cấu trúc thành chùm đô thị đa trung tâm. Sự phát triển sẽ dựa trên các điều kiện về sự phân bổ dân số, điều kiện tự nhiên, sông ngòi, đầm phá, biển, khoáng sản…và đặc biệt các thế mạnh của tài nguyên văn hóa. Điều này cũng đặt ra nhiều cơ hội kèm thách thức một khi Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Cơ hội và thách thức trong quản lý đô thị di sản của TP Huế trực thuộc Trung ương
Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế

Con người Huế có tính cách và lối sống đặc trưng, thể hiện qua sự kín đáo, ý tứ, trầm lặng, hoài cổ, hướng nội, nền nếp gia phong… Đó là đặc trưng của gia đình truyền thống Huế. Các gia đình Huế ngày nay vẫn giữ được sâu đậm thuần phong mỹ tục, nền nếp trong quan hệ gia đình. Đó là nhận định của PGS.TS. Nguyễn Văn Mạnh - nguyên Trưởng khoa Lịch sử, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế khi bàn về gia đình truyền thống Huế trong xã hội hiện đại.

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế
Văn hóa, thể thao và du lịch năm 2024 đạt kết quả rõ nét

Sáng 18/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 của ngành văn hóa, thể thao và du lịch với chủ đề: “Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc - Động lực phát triển Đất nước trong kỷ nguyên mới – Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.

Văn hóa, thể thao và du lịch năm 2024 đạt kết quả rõ nét

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top