Theo ông Hà Văn Khoa, chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm, trên địa bàn có 4.300 DN bị ảnh hưởng, doanh thu thiệt hại khoảng 7.000 tỷ đồng; dự kiến hụt thu ngân sách 18% so dự toán từ hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) của DN. Bên cạnh thực hiện các giải pháp nhằm đảm bảo nguồn thu, tỉnh cũng đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho DN.
Ông Hà Văn Khoa, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh
Doanh thu của DN giảm kéo theo nguồn thu ngân sách cũng giảm theo. Ông có thể thông tin thêm về tình hình thu thuế DN trong những tháng đầu năm?
Do tác động của dịch COVID-19, trong thời gian thực hiện cách ly, hầu hết các hoạt động dịch vụ không thiết yếu phải đóng cửa, hoạt động SXKD khác bị hạn chế, đã tác động đến hoạt động SXKD của DN. Các giải pháp để hỗ trợ DN, tổ chức, cá nhân bị tác động của dịch bệnh, hỗ trợ người nộp thuế gia hạn tiền thuế giá trị gia tăng (GTGT), TNDN và tiền thuê đất đối với các nhóm ngành, nhóm DN chịu ảnh hưởng nặng bởi dịch COVID-19 theo Nghị định số 41 của Chính phủ đã làm sụt giảm số thu ngân sách trong 6 tháng đầu năm, đặc biệt là từ tháng 4 đến nay.
6 tháng đầu năm nay, toàn ngành Thuế tỉnh thu được 3.755 tỷ đồng, đạt 53,04% dự toán pháp lệnh do Bộ Tài chính giao, đạt 53,01% Nghị quyết HĐND tỉnh giao (nếu không tính tiền sử dụng đất thì con số này chỉ đạt 43,47% dự toán pháp lệnh và bằng 90,05% so cùng kỳ 2019).
Những chính sách hỗ trợ DN nào đã được Cục Thuế tỉnh triển khai thời gian qua?
Chỉ tính riêng chính sách gia hạn một số khoản thuế, tiền thuê đất cho người nộp thuế bị ảnh hưởng của dịch theo NĐ41, toàn tỉnh có hơn 1.100 DN đề nghị được gia hạn nộp thuế với số tiền 108 tỷ đồng và gần 8.000 hộ cá nhân kinh doanh với số tiền 4,9 tỷ đồng.
Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết 116 giảm thuế TNDN phải nộp của năm 2020 đối với DN, HTX, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác, ông có thể chia sẻ thêm về đối tượng được hưởng lợi từ chính sách trên?
Nghị quyết này áp dụng đối với người nộp thuế TNDN là tổ chức hoạt động SXKD hàng hóa, dịch vụ có thu nhập chịu thuế theo quy định của Luật Thuế TNDN (sau đây gọi là DN), bao gồm: DN được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam; tổ chức được thành lập theo Luật HTX; đơn vị sự nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam; tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam có hoạt động SXKD có thu nhập.
Theo đó, DN sẽ được giảm 30% số thuế TNDN phải nộp của năm 2020 đối với trường hợp DN có tổng doanh thu năm 2020 không quá 200 tỷ đồng. Nghị quyết này sẽ có hiệu lực từ ngày 3/8 và áp dụng cho kỳ tính thuế năm 2020.
Số lượng DN đang nộp thuế trên địa bàn là bao nhiêu? Dự kiến số DN tiếp cận với chính sách trên là bao nhiêu %?
Tính đến tháng 6/2020, số lượng DN đang hoạt động trên địa bàn tỉnh là 5.400 DN; dự kiến khoảng 95% DN tiếp cận với chính sách trên.Việc giảm thuế TNDN sẽ giúp DN có thêm nguồn lực tài chính bổ sung vào nguồn vốn, khuyến khích DN phát triển và mở rộng SXKD.
Các DN cần làm gì để được tiếp cận với chính sách trên?
Để được áp dụng chính sách trên, các DN cần đáp ứng các điều kiện, tổ chức hoạt động SXKD hàng hóa, dịch vụ có thu nhập chịu thuế theo quy định của Luật Thuế TNDN và có tổng doanh thu năm 2020 không quá 200 tỷ đồng.
Theo dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế TNDN phải nộp của năm 2020 đối với DN, HTX, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác, DN sẽ tự xác định doanh thu bình quân tháng. Trường hợp doanh thu bình quân tháng không quá 16,67 tỷ đồng thì DN được tạm tính theo quý số thuế mà DN phải nộp theo quy định; sau đó tạm nộp số thuế TNDN của quý sau khi đã giảm 30% số thuế tạm tính.
Về thủ tục giảm thuế, cơ quan thuế không phải thông báo cho DN về việc chấp nhận giảm thuế. Trường hợp trong thời gian giảm thuế, cơ quan thuế có cơ sở xác định DN không thuộc đối tượng được giảm thuế sẽ có văn bản thông báo cho DN và DN phải nộp đủ số tiền thuế, tiền chậm nộp theo quy định vào ngân sách Nhà nước.
Trường hợp sau khi hết thời gian giảm thuế, cơ quan thuế phát hiện qua thanh tra, kiểm tra DN không thuộc đối tượng giảm thuế theo quy định tại nghị định này hoặc số thuế đã kê khai để giảm lớn hơn số thuế được giảm theo quy định thì DN phải nộp lại số tiền thuế thiếu, tiền phạt, tiền chậm nộp do cơ quan thuế xác định lại. Nếu sau khi hết thời gian giảm thuế, cơ quan thuế phát hiện qua thanh tra, kiểm tra DN được giảm nhiều hơn số thuế đã kê khai giảm trước đó thì DN được kê khai bổ sung để tiếp tục hưởng số thuế được giảm theo mức mà cơ quan thuế đã xác định lại.
Ngành Thuế sẽ triển khai những giải pháp nào nhằm đảm bảo hỗ trợ tối đa cho DN nhưng vẫn đúng đối tượng, phù hợp với thực tiễn SXKD trên địa bàn?
Nhằm đảm bảo thực hiện chính sách trên, thời gian tới, Cục Thuế tỉnh sẽ tiếp tục tuyên truyền rộng rãi chính sách này đến với người nộp thuế, tiến hành rà soát các tổ chức, DN và phối hợp với các đơn vị liên quan để xác định đối tượng được giảm thuế TNDN theo quy định của Nghị quyết đảm bảo đúng đối tượng và phù hợp với thực tiễn SXKD trên địa bàn.
Thời gian tới, sau khi có Nghị định hướng dẫn cụ thể, Cục Thuế tỉnh sẽ kịp thời thông tin đến các tổ chức, DN trên địa bàn để người nộp thuế nắm bắt chính sách và thực hiện đúng.
Hoàng Loan (ghi)