ClockChủ Nhật, 19/04/2020 07:24

Gỡ đầu ra cho gỗ rừng trồng

TTH - Do ảnh hưởng dịch COVID-19, sản phẩm gỗ rừng trồng (GRT) không thể xuất khẩu. Ngoài vận động người dân tạm dừng khai thác, chờ “cơ hội” tốt mới thu hoạch, cần tăng cường xúc tiến việc chuyển sang trồng rừng gỗ lớn để có đầu ra bền vững.

Gỗ rừng trồng ở Bình Thành đã thu hoạch khó tiêu thụ

Thiệt hại “kép”

Ông Nguyễn Sơn ở Xã Bình Thành (TX. Hương Trà) thu hoạch xong 2 ha gỗ trồng cũng là lúc dịch bệnh COVID-19 “rộ lên”. Thương lái, cơ sở kinh doanh dừng thu mua vì GRT cũng như các sản phẩm từ GRT không thể xuất khẩu. Khoảng 200 tấn gỗ keo lai của ông Sơn cùng hàng ngàn tấn GRT của người dân Bình Thành nằm chờ.

Chỉ tính riêng tại Xã Bình Thành, có hơn 2.000 ha rừng trồng của trên 500 hộ dân trên địa bàn xã và gần 1.500 ha của các tổ chức, doanh nghiệp.

3.500 ha rừng trồng sản xuất tạo công ăn việc làm ổn định cho hơn một nửa (khoảng 550 hộ) số hộ dân tại địa phương. Bình quân mỗi hộ thu nhập từ 350-400 ngàn đồng/ngày từ khai thác, vận chuyển GRT. Nhiều hộ dân mất thu nhập do GRT không thể tiêu thụ.

Trên địa bàn Xã Bình Thành còn có 8-10 chủ hộ chuyên làm dịch vụ vận chuyển GRT sau khai thác. Từ khi ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, các doanh nghiệp không thu mua sản phẩm, người dân dừng khai thác gỗ khiến dịch vụ vận chuyển cũng “án binh bất động”. Một chủ hộ vận chuyển GRT ở Bình Thành tiết lộ, bình quân mỗi ngày thu nhập 500 nghìn -1 triệu đồng, tạo việc làm ổn định cho 2 lao động (tài xế). Gần hai tháng nay, các tài xế không có việc.

Phó Chủ tịch UBND Xã Bình Thành, ông Nguyễn Trung Nhân thông tin, từ khi xảy ra dịch bệnh COVID-19, các doanh nghiệp như Phúc Đạt, Ngọc Quý, Phát Huy và trạm thu mua trên địa bàn dừng hoạt động. Tính đến thời điểm này, chính quyền địa phương chưa nhận được thông tin yêu cầu nào từ người dân về những khó khăn như thiếu lương thực, thực phẩm…Tuy nhiên, theo dự tính, nếu dịch bệnh kéo dài một vài tháng nữa, đời sống của người dân sẽ gặp nhiều khó khăn.

Ở các địa phương khác, nhiều diện tích GRT đến kỳ thu hoạch cũng không thể khai thác vì không có người mua. Việc kéo dài thời gian thu hoạch khiến người dân khó khăn trong trong quá trình tái đầu tư sản xuất vụ mới. Các hộ thường thu hoạch GRT chu kỳ trước mới có điều kiện kinh phí mua giống, phân, thuê nhân công trồng, chăm sóc.

Chuyển sang trồng rừng gỗ lớn

Hầu hết các công ty chế biến gỗ, sản phẩm GRT xuất khẩu đều chia sẻ, từ hai tháng nay, sản phẩm hầu như bị “đóng băng”. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các công ty cầm chừng, chủ yếu duy trì công ăn việc làm, thu nhập cho người lao động. Vì vậy, các doanh nghiệp tạm thời không thu mua sản phẩm GRT của người dân.

Ông Lê Dương Huy, Giám đốc Công ty CP Chế biến gỗ tỉnh cho rằng, GRT thu mua đến đâu chế biến sản phẩm đến đó; một phần do thiếu mặt bằng, hơn nữa GRT nếu dự trữ để quá thời hạn sẽ ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm, không đảm bảo điều kiện chế biến xuất khẩu.

Việc đăng ký tham gia trồng rừng gỗ lớn (RGL) là một trong những giải pháp an toàn, có lợi cho người dân. Trồng RGL không chỉ thu nhập cao gấp 2-3 lần so với rừng gỗ nhỏ mà còn thuận lợi đầu ra, giá sản phẩm ổn định. Khó khăn của xã Bình Thành và nhiều địa phương hiện nay là việc chậm đăng ký, tham gia trồng rừng gỗ lớn (RGL).

Đến nay, riêng toàn xã Bình Thành mới chỉ có 130 ha RGL; trong khi toàn tỉnh có khoảng 13 ngàn ha RGL, trong đó rừng có chứng chỉ FSC chiếm khoảng 40% là con số còn hạn chế.

Ông Nguyễn Trung Nhân cho rằng, trong điều kiện dịch bệnh, không còn cách nào khác ngoài tuyên truyền, vận động người dân tạm dừng khai thác GRT, chờ “cơ hội” tốt mới thu hoạch, bán. Đây cũng là cơ hội để chính quyền địa phương vận động người dân đăng ký, tham gia RGL. Chính quyền địa phương đang có kế hoạch làm việc với các cơ quan, ban ngành chức năng hỗ trợ các thủ tục, xúc tiến cho người dân đăng ký chuyển sang trồng RGL.

Ông Nguyễn Chiến Thắng, Giám đốc Công ty Scansia Pacific khẳng định: Công ty cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm gỗ với giá cao hơn giá thị trường tại thời điểm bán 15-20%. Trong trường hợp gặp rủi ro do thiên tai, dịch bệnh thì người trồng rừng cũng không quá lo lắng vì công ty cam kết thu mua cả sản phẩm gãy đổ mà không ép giá.

Ông Võ Văn Dự, Chủ tịch Hội Chủ rừng phát triển bền vững tỉnh (TTH FOSDA) chia sẻ, TTH FOSDA luôn sẵn sàng tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân, địa phương liên quan đến trồng RGL để ứng phó với thiên tai, dịch bệnh. TTH FOSDA tích cực tìm kiếm, kêu gọi, kết nối với doanh nghiệp cũng như các dự án trong nước và quốc tế nhằm hỗ trợ người dân trong quá trình trồng, chăm sóc, chi phí đánh giá chứng chỉ rừng FSC và bao tiêu sản phẩm...

Tỉnh cũng đã có chính sách hỗ trợ đối với hộ dân tham gia trồng RGL. Với diện tích rừng tối thiểu 2 ha RGL, trồng cây bản địa và cây lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng được hỗ trợ 50% giá cây giống, tối đa không quá 4 triệu đồng/ha và 50 triệu đồng/dự án. Những hộ chủ rừng không có điều kiện kinh tế để duy trì diện tích rừng trong 7-8 năm để tham gia chứng chỉ FSC sẽ được Công ty Scansia Pacific tạo điều kiện cho vay 12 triệu đồng/ha/3 năm với lãi suất ưu đãi, thấp hơn các ngân hàng thương mại 2%/năm.

Bài, ảnh: HOÀNG TRIỀU

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Lắng nghe để gỡ khó

Thường xuyên gặp gỡ, đối thoại giữa lãnh đạo huyện với ngư dân trên địa bàn là giải pháp quan trọng để Quảng Điền tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhằm hướng đến mục tiêu: Phát triển hiệu quả dịch vụ, du lịch biển, đầm phá.

Lắng nghe để gỡ khó
Giữ nghề chạm khắc gỗ của đồng bào Pa Cô

Vùng đất phía tây Thừa Thiên Huế không chỉ thu hút du khách bởi cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, mà còn nhờ vào sự đa dạng về văn hóa và nghệ thuật truyền thống của các dân tộc thiểu số (DTTS). Trong đó, nghề chạm khắc gỗ của đồng bào Pa Cô đã trở thành một biểu tượng đặc sắc, mang trong mình những giá trị lịch sử và tâm linh. Giữa dòng chảy của thời gian, ông Cu Đài, một nghệ nhân điêu khắc gỗ đã nỗ lực hết mình để gìn giữ và phát triển nghề truyền thống này.

Giữ nghề chạm khắc gỗ của đồng bào Pa Cô
Giống chất lượng cho rừng trồng

Trồng và chăm sóc rừng là nhiệm vụ hằng năm đối với các chủ rừng, hộ lâm dân. Điều quan tâm với ngành lâm nghiệp là làm thế nào để cây giống đảm bảo chất lượng cho mục tiêu trồng rừng, đặc biệt là rừng gỗ lớn (RGL).

Giống chất lượng cho rừng trồng
Thu hút đầu vào, đảm bảo đầu ra

Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) đang được tỉnh, ngành lao động - thương binh và xã hội (LĐTB&XH) tiếp tục đẩy mạnh gắn với đổi mới để thu hút đầu vào, nâng chất lượng, đáp ứng yêu cầu của các nhà tuyển dụng, tổ chức và doanh nghiệp.

Thu hút đầu vào, đảm bảo đầu ra

TIN MỚI

Return to top