ClockThứ Bảy, 25/02/2023 11:33

Gỡ 'điểm nghẽn' để thúc đẩy xuất nhập khẩu

Mặc dù thủ tục hành chính ở nhiều bộ ngành liên quan đến thương mại hàng hoá xuyên biên giới đã được cải thiện, tuy nhiên doanh nghiệp xuất nhập khẩu vẫn gặp không ít khó khăn khi tuân thủ quy trình.

Hoạt động xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu khởi sắcTập trung cải cách hành chính lĩnh vực xuất nhập khẩuChính phủ ban hành 15 Nghị định về Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệtNăm 2022, Việt Nam xuất siêu 11,2 tỷ USD

Bốc xếp hàng hóa tại Cảng Cát Lái

Để thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu theo Hiệp định tạo thuận lợi thương mại, các cơ quan quản lý cần có giải pháp cải cách mạnh mẽ và đồng bộ hơn nữa. Đây là ý kiến của nhiều doanh nghiệp tại hội nghị đối thoại doanh nghiệp Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, ngày 24/2.

Sau 7 năm thực hiện Hiệp định tạo thuận lợi thương mại của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và tham gia hàng loạt các Hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương, thủ tục và quy trình xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam đã có chuyển biến tích cực, được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao.

Ông Trương Đức Trọng, chuyên gia pháp chế VCCI cho biết, kể từ khi phê duyệt kế hoạch thực thi Hiệp định Tạo thuận lợi thương mại (năm 2016) và tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA), Chính phủ và các bộ, ngành của Việt Nam đã nỗ lực thực hiện các cam kết thúc đẩy hoạt động tạo thuận lợi thương mại một cách toàn diện và nhất quán. Từ năm 2016, Việt Nam cũng thành lập Uỷ ban chỉ đạo quốc gia về cơ chế một cửa Asean, cơ chế một cửa quốc gia tạo điều kiện cho hoạt động thương mại hàng hoá. Các nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội hàng năm đều lồng ghép nhiều nội dung thúc đẩy tạo thuận lợi thương mại, đặc biệt là cải cách thủ tục thương mại xuyên biên giới.

Theo đó, Việt Nam đã triển khai cơ chế một cửa quốc gia và kết nối với cơ chế một cửa ASEAN (ASW); cải cách việc kiểm tra chuyên ngành; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và triển khai các dịch vụ công trực tuyến. Các cơ quan quản lý cũng áp dụng quản lý rủi ro trong đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật chuyên ngành; từng bước minh bạch hoá các dữ liệu thương mại.

Hoạt động hải quan có nhiều thay đổi quan trọng như tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện giám sát tự động hàng hoá, xây dựng cơ chế theo dõi- đánh giá nhân sự hải quan, cải thiện hiệu quả phối hợp giữa cơ quan hải quan và các cơ quan quản lý chuyên ngành. Thời gian gần đây, những bất cập trong quy trình kiểm dịch động thực vật thuộc quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã cải thiện đáng kể.

Ông Tạ Quang Huyên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam nhận định, thời gian vừa qua, Chính phủ và các bộ, ngành đã có rất nhiều nỗ lực nhằm đơn giản hóa các thủ tục xuất nhập khẩu, tăng cường tính minh bạch trong chính sách thương mại, đồng thời sẵn sàng lắng nghe và kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết các khó khăn, vướng mắc.

Điển hình như cuối năm 2022, Bộ Công Thương Việt Nam đã làm việc với Bộ Thương mại Campuchia để giúp các doanh nghiệp chế biến, xuất nhập khẩu hạt điều giải quyết vướng mắc cấp chứng nhận xuất xứ (C/O) mẫu E cho điều thô nhập khẩu từ Campuchia về Việt Nam để chế biến xuất khẩu đi Trung Quốc.

Theo đó, trước đây các công ty Việt Nam nhập điều từ Campuchia về sẽ được cấp mẫu D, sau khi chế biến sản xuất xong muốn xuất khẩu đi Trung Quốc phải làm thêm thủ tục tự chứng nhận nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm nên mất thêm thời gian, ảnh hưởng đến tốc độ xuất khẩu, thời gian giao hàng cho các đối tác bên phía Trung Quốc.

Tuy nhiên, hiện tại vướng mắc này đã được Bộ Công Thương Việt Nam hỗ trợ các doanh nghiệp giải quyết. Các doanh nghiệp Việt Nam đã được Bộ Thương mại Campuchia cấp trực tiếp C/O mẫu E cho hàng điều thô nhập khẩu về chế biến, đơn giản hóa thủ tục và giảm thiểu thời gian hành chính cho doanh nghiệp điều xuất khẩu đi các nước như Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan…

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Duy Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp xuất nhập khẩu tỉnh Đồng Nai cho rằng, những nỗ lực và sự quyết liệt của Chính phủ cùng các bộ, ngành trong cải thiện môi trường kinh doanh và tạo thuận lợi thương mại trong những năm gần đây đã phát huy và tạo hiệu quả rất tích cực. Tạo thuận lợi thương mại là đòn bẩy cho tăng trưởng xuất nhập khẩu một cách rõ nét biểu hiện qua kim ngạch xuất nhập khẩu tăng trưởng liên tục một cách ấn tượng trong 2 năm gần đây.

Mặc dù quy trình, thủ tục thương mại hàng hoá đã có chuyển biến nhưng theo các doanh nghiệp vẫn còn khá nhiều điểm nghẽn và dư địa cho việc cải cách mạnh mẽ để tạo thuận lợi thương mại cho doanh nghiệp.

Xe chở container hoạt động tại Cảng Cát Lái (Tân Cảng Sài Gòn), thành phố Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh

Ông Nguyễn Duy Hưng nêu vấn đề, với những hàng hóa thông thường , không phải kiểm tra chuyên ngành thì việc khai báo và thông quan đã thuận lợi và nhanh chóng hơn nhiều so với trước đây.  Tuy nhiên với hàng hóa cần phải kiểm tra chuyên ngành, quy trình thông quan vẫn phức tạp. Ví dụ như mặt hàng kính xây dựng, trước thời điểm năm 2021 chỉ cần có giấy chứng nhận chất lượng của đơn vị thứ 3 được Bộ Xây Dựng chỉ định thì tờ khai được thông quan. Còn từ thời điểm năm 2021 tới nay, ngoài việc có chứng nhận kiểm tra chất lượng sản phẩm của đơn vị được chỉ định của Bộ Xây dựng thì còn phải làm thêm bước nộp hồ sơ với Sở Xây dựng để ra “Kết quả kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa nhập khẩu” mới được thông quan hàng hoá. Đáng nói là tất cả các bước trong quy trình như việc đăng ký - nhận kết quả - nộp thông báo để thông quan tờ khai đều đang phải thực hiện với hồ sơ giấy nên mất rát nhiều thời gian đi lại của doanh nghiệp.

Theo ông Nguyễn Duy Hưng, nên nghiên cứu thực hiện kết nối điện tử cho việc đăng ký kiểm tra chất  lượng và trả kết quả giữa các đơn vị kiểm tra/kiểm định, giữa sở/ Bộ Xây dựng với hải quan để rút ngắn thời gian thông quan tờ khai. Đồng thời, giao cho một đầu mối là cơ quan hải quan căn cứ trên chứng thư công bố quy chuẩn chất lượng của nhà sản xuất và bên thứ ba là cơ quan kiểm định hàng hóa xuất nhập khẩu để hoàn thành các thủ tục thông quan, cắt giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.

Ông Tạ Quang Huyên phản ánh, việc cấp C/O chứng nhận nguồn gốc xuất xứ hiện tại vẫn còn tốn nhiều thời gian và phức tạp về hồ sơ, chứng từ khi các doanh nghiệp xuất khẩu đề nghị. Thậm chí một số doanh nghiệp trong ngành chế biến xuất khẩu điều sau khi các Cục Hải quan kiểm tra còn bị phạt về làm C/O không đúng với quy định nguồn gốc xuất xứ.

Do đó, doanh nghiệp rất mong VCCI là cơ quan cấp C/O đơn giản hóa các hồ sơ, tài liệu, chứng từ khi đề nghị cấp C/O, tạo cơ chế để giúp cho các doanh nghiệp vẫn tuân thủ đúng quy định về xuất khẩu nhưng giảm thiểu tối đa thời gian các thủ tục hành chính, tăng tốc độ xuất khẩu hàng hóa, kịp thời giao hàng và bộ chứng từ đáp ứng thời gian, tiến độ của các đối tác nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam.

Theo khảo sát của VCCI về mức độ hài lòng của doanh nghiệp với thủ tục xuất nhập khẩu giai đoạn 2020 - 2022 ghi nhận các thách thức được doanh nghiệp đề cập nhiều là tiếp cận thông tin như các phương thức tiếp cận, mức độ đáp ứng yêu cầu tiếp cận và khó khăn trong tìm hiểu thông tin thủ tục hành chính. Khoảng 38% doanh nghiệp được khảo sát cho biết vẫn gặp khó khăn khi tìm hiểu, tra cứu thông tin và hỏi đáp giải quyết vướng mắc trên cổng một cửa quốc gia.

Đối với vấn đề thực hiện các thủ tục hải quan, các doanh nghiệp cho biết mức độ thuận lợi khi tuân thủ thủ tục chính hải quan tương đối khác biệt; trong đó, thủ tục khai hải quan và nộp thuế được đánh giá tích cực, trong khi kiểm tra hồ sơ, hoàn thuế và kiểm tra thực tế hàng hoá được đánh giá còn khó khăn. Các doanh nghiệp cũng lo ngại các quy định pháp luật về thông quan hay thay đổi. Các quy định thiếu nhất quán và sự phối hợp thiếu đồng bộ giữa các cơ quan gây ra những khó khăn cho doanh nghiệp khi thực hiện nghĩa vụ thuế.

Ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam cho rằng, vấn đề lớn nhất hiện nay trong tạo thuận lợi thương mại là phải cắt giảm được chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp. Theo đó, cần có chính sách khuyến khích doanh nghiệp tự giác tuân thủ pháp luật và mở rộng quản lý rủi ro, giảm tần suất kiểm tra thực tế. Đối với hoạt động kiểm tra chuyên ngành, hiện nay chưa thể gom về một đầu mối thì cần tăng cường chuyển đổi số, đảm bảo truyền dữ liệu thông suốt giữa các đơn vị quản lý. Song song đó, tiếp tục mở rộng mạng lưới đại lý hải quan làm “cánh tay nối dài” hỗ trợ doanh nghiệp trong việc thực hiện, tuân thủ đúng các quy định về xuất nhập khẩu.

Theo TTXVN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nâng tầm sản phẩm địa phương, tăng cơ hội xúc tiến thương mại

Cùng với hoạt động xúc tiến thương mại với các doanh nghiệp (DN) Thái Lan ở quy mô lớn, những hoạt động xúc tiến xúc thương mại quy mô nhỏ với một vài đối tác cũng góp phần quan trọng trong việc đặt nền móng cho những hợp đồng thương mại lâu dài.

Nâng tầm sản phẩm địa phương, tăng cơ hội xúc tiến thương mại
Triển khai chương trình tài trợ thương mại mới cho các thị trường mới nổi

Tập đoàn tài chính đa quốc gia HSBC và Tập đoàn Tài chính quốc tế (IFC) của Ngân hàng Thế giới (WB) sẽ cùng nhau cung cấp vốn cho các giao dịch thương mại, với giá trị lên tới 1 tỷ USD. Động thái này nhằm giúp lấp đầy khoảng trống về tài trợ cho thương mại tại các thị trường mới nổi.

Triển khai chương trình tài trợ thương mại mới cho các thị trường mới nổi
Thúc đẩy liên kết phát triển dược liệu bền vững

Đó là chủ đề tại hội thảo khoa học do Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức vào ngày 22/11, với sự tham gia của các sở, ban, ngành liên quan, nhà khoa học, doanh nghiệp, chính quyền địa phương để cùng nhau bàn luận các giải pháp, tháo gỡ vướng mắc trong phát triển dược liệu, nhất là vấn đề liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm từ dược liệu.

Thúc đẩy liên kết phát triển dược liệu bền vững
Thương mại của Trung Quốc với APEC đạt kỷ lục mới trong 10 tháng đầu năm 2024

Ghi nhận trong 10 tháng đầu năm 2024, thương mại của Trung Quốc đạt được với các nền kinh tế thành viên của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) chạm mốc cao kỷ lục, vượt 21 nghìn tỷ NDT (2,91 nghìn tỷ USD). Kết quả này đã nhấn mạnh sự hội nhập kinh tế sâu rộng và kết nối thương mại mạnh mẽ giữa các bên.

Thương mại của Trung Quốc với APEC đạt kỷ lục mới trong 10 tháng đầu năm 2024

TIN MỚI

Return to top