ClockThứ Bảy, 21/03/2020 15:26

Gỡ nút thắt về vốn

TTH - Nhìn những hình ảnh người Nhật làm trang trại nấm dưới lòng đất mà mê. Hèn gì họ chẳng trở thành con rồng châu Á từ rất sớm. Nhật là một trong những nước đi đầu trong nhiều sản phẩm. Với uy tín chất lượng Nhật, hàng Nhật đã có mặt khắp mọi nơi trên thế giới. Giờ, họ lại xuống lòng đất để làm nông nghiệp.

Gỡ “nút thắt” phân bổ và giải ngân vốn đầu tư côngGỡ nút thắt trong nông nghiệp

Nhiều ngân hàng triển khai chương trình hỗ trợ, giảm lãi suất cho DN. Ảnh: ANH QUÂN

Tất nhiên so sánh với ngành nông nghiệp có phần lạc hậu của Việt Nam quả là khập khiễng. Song, chúng ta có quyền mơ ước một ngày nào đó, ngành nông nghiệp Việt Nam cũng bước chân vào hàng tiên tiến. Việt Nam không thiếu những điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển nông nghiệp tiên tiến, mà một trong những yếu tố quan trọng nhất là tài nguyên đất đai.

Đối với Thừa Thiên Huế, quy mô của ngành nông nghiệp chiếm khoảng 10% toàn ngành kinh tế nhưng lại sở hữu mênh mông tài nguyên đất đai, đủ loại dạng đất: từ miền núi, gò đồi, đồng bằng, vùng cát nội đồng, ven biển, đất ngập nước, đất ngập mặn. Ngay cả vùng nông nghiệp ven đô thị cũng không hiếm – bước ra khỏi phố một tí là làng. Có khi làng lẫn trong phố, phố lẫn trong làng.

Trong thời đại hội nhập, ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng không thiếu những hiểu biết về công nghệ cao trong ngành nông nghiệp. Và chúng ta cũng đã có không ít mô hình tiếp cận với ngành nông nghiệp hữu cơ, công nghệ, tùy theo mức độ khác nhau. Tập đoàn TH True Milk đã tiên phong đi đầu trong ngành bò sữa quy mô cực lớn và gặt hái rất nhiều thành công.

CP Việt Nam với ngành tôm với quy mô nuôi công nghiệp đã đầu tư vào Thừa Thiên Huế thu lại lợi nhuận cao. Gần đây thì một số mô hình nhỏ hơn như trồng dưa, rau, hoa trong nhà lưới, nhà màn; công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel cũng đưa lại nhiều thuận lợi cho các loại sản phẩm phát triển và kiểm soát được nhiều yếu tố bất lợi của tự nhiên để cung cấp ra thị trường những sản phẩm sạch… Nhưng nói chung là chưa được nhiều.

Lĩnh vực nào cũng cần nguồn vốn để phát triển (Ảnh minh họa)

Thừa Thiên Huế có đầy đủ điều kiện để sản xuất sản phẩm nông nghiệp công nghệ: như tài nguyên đất, tài nguyên nước, tài nguyên nguồn nhân lực; thậm chí chính sách cũng là một loại tài nguyên. Ai đầu tư vào nông nghiệp được hưởng chính sách ưu đãi đặc biệt của tỉnh; các ngành chức năng của tỉnh sẽ hỗ trợ tối đa về thủ tục hành chính… Thế nhưng đáng tiếc là chưa có nhiều doanh nghiệp nào “nhảy vào”. Nói gì thì nói, không có doanh nghiệp là không có nguồn lực tài chính chủ yếu. Nông nghiệp công nghệ cao lại cần một nguồn lực tài chính lớn. Đây, có thể nói chính là nút thắt của ngành nông nghiệp công nghệ cao Thừa Thiên Huế.

Theo người viết bài này, tại Thừa Thiên Huế, mô hình nông nghiệp công nghệ cao chưa có nhiều là vì chưa có nhiều doanh nhân đam mê nông nghiệp. Vì sao họ ít đam mê? Vì có thể, ngành nông nghiệp là một sự lựa chọn không được ưu tiên trong điều kiện các ngành nghề khác đưa lại lợi nhuận cao hơn, thời gian thu hồi vốn nhanh hơn. Thứ đến, nói đến nông nghiệp là người ta nghĩ ngay đến những rủi ro. Điều này chưa hẳn là đúng. Vì ngành nghề sản xuất kinh doanh nào cũng có rủi ro nhất định. Hạn chế và loại trừ rủi ro chính là tài năng phần tích, sự đánh giá, kiểm soát… của doanh nghiệp.

Tại sao họ làm nông nghiệp công nghệ cao thành công mà mình lại bảo rủi ro nhiều quá. Điều này có lẽ nó liên quan đến niềm đam mê nữa. Và đôi khi, là nhìn nhận về trách nhiệm đối với người nông dân, một tầng lớp còn chịu nhiều thiệt thòi trong xã hội. Có người đầu tư vào nông nghiệp, họ đi tìm kiếm lợi nhuận là một phần, nhưng phần khác là tạo ra công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho người nông dân.

Ở A Lưới trước đây chỉ nghĩ đến trồng chuối, trồng quế, trồng sắn, cao su… giờ người dân biết trồng hoa – hoa ly A Lưới tết vừa rồi rất đẹp, người dân thu bộn tiền. Rồi với điều kiện khí hậu mát mẻ, người dân đã thử nghiệm nuôi cá tầm. Muốn phát triển phải luôn luôn trăn trở, tìm tòi, học hỏi. Chưa làm lớn được thì làm nhỏ. Làm nhỏ những cũng phải áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến thì mới thành công.

Tôi nghĩ rằng, nếu làm nông nghiệp công nghệ cao, hiệu quả đưa lại không thua kém bất kỳ một ngành nghề sản xuất kinh doanh nào. Và nông nghiệp còn đưa lại nhiều niềm vui cho cuộc sống nữa. Sản phẩm sạch, ngon nó giúp ích tốt cho sức khỏe. Cây lên xanh tươi làm cho chúng ta nhìn thích mắt, nó cũng bồi bổ cho đời sống tâm hồn…

Người Nhật đã đi tiên phong trong nhiều lĩnh vực sản xuất: công nghiệp, công nghệ. Và họ cũng không quên phát triển nông nghiệp. Nông nghiệp của Nhật Bản là phải áp dụng triệt để khoa học kỹ thuật, công nghệ cao. Để làm quy mô lớn thì cần nhiều tiền, thậm chí rất nhiều tiền. Mà tiền là doanh nghiệp nhiều nhất. Không ai ra lệnh cho doanh nghiệp bỏ tiền vào chỗ nào. Nhưng Nhà nước phải khuyến khích doanh nghiệp. Ưu đãi chưa đủ hấp dẫn thì tăng mức ưu đãi cho đủ sức hấp dẫn. Họ chưa thích thú với nông nghiệp thì Nhà nước mời họ đi tham quan những mô hình nông nghiệp tiên tiến… Một khi doanh nghiệp thích thú, đam mê, thì có lẽ tiền không thiếu. Nút thắt về vốn cho nông nghiệp sẽ được gỡ.

LÊ PHƯƠNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Vui với nông nghiệp Quảng Điền

Kết thúc năm 2024, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Quảng Điền đã đạt được những kết quả ngoài mong đợi, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu cơ cấu lại ngành nông nghiệp huyện theo hướng nông nghiệp xanh, hữu cơ.

Vui với nông nghiệp Quảng Điền
“Lên đời” cho phụ phẩm nông nghiệp

Không ngừng học hỏi và đổi mới cách làm, Ngô Thị Tuyết, cô gái 9X ở xã Dương Hòa (TX. Hương Thủy) đã biến những phụ phẩm nông nghiệp của quê hương thành sản phẩm dầu gội chất lượng.

“Lên đời” cho phụ phẩm nông nghiệp
Mô hình mới trên đất Quảng Nhâm

Với điều kiện thổ nhưỡng giàu dinh dưỡng và khí hậu đặc trưng của vùng núi A Lưới, xã Quảng Nhâm đã được chọn là một trong những địa bàn trọng tâm để phát triển vùng trồng dược liệu. Trong tổng diện tích 210ha của dự án tại huyện, xã Quảng Nhâm chiếm 60ha, trong đó cây gấc đóng vai trò chủ lực.

Mô hình mới trên đất Quảng Nhâm
Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp

Tại huyện A Lưới, công nghệ cao đang được đưa vào áp dụng rộng rãi trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là ở các mô hình chăn nuôi và trồng trọt, đem lại nhiều tín hiệu tích cực cho nền kinh tế địa phương.

Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp
Return to top