ClockThứ Bảy, 25/07/2015 10:28

Hàng Việt bùng nổ trên thị trường

TTH.VN - Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa, tính đến thời điểm hiện tại, Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam đã triển khai được 6 năm và mang lại những kết quả tích cực. Đặc biệt, trong các cơ sở phân phối không chỉ của doanh nghiệp vốn trong nước, mà của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở Việt Nam, tỷ trọng hàng Việt Nam chiếm khoảng 90%.

Hôm qua (24/7), Bộ Công Thương đã tiến hành Hội nghị sơ kết tình hình thực hiện Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam (Cuộc vận động) 6 tháng đầu năm và phương hướng thực hiện 6 tháng cuối năm 2015.

Hàng Việt ngày càng được người tiêu dùng lựa chọn

Chia sẻ về tình hình thực hiện Cuộc vận động, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa cho biết, đến thời điểm hiện tại, Cuộc vận động đã triển khai được 6 năm và mang lại những kết quả tích cực, khi tâm lý tin dùng hàng Việt đã có những bước tiến bộ đáng kể. Đặc biệt, hàng Việt đã có chỗ đứng nhất định trong các cơ sở phân phối không chỉ của doanh nghiệp vốn trong nước mà của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở Việt Nam (tỷ trọng hàng sản xuất tại Việt Nam bán ra tại các cơ sở này đang chiếm khoảng 90%).

Cũng theo Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa, người tiêu dùng Việt Nam đã có chuyển biến rõ rệt trong nhận thức về mục đích, ý nghĩa của Cuộc vận động và thay đổi hành vi tiêu dùng theo hướng ưu tiên mua sắm hàng sản xuất trong nước, thay cho việc mua sắm hàng ngoại đã tồn tại lâu nay. Đặc biệt, tại các vùng nông thôn, người dân đã bắt đầu quen dùng và ưa chuộng hàng sản xuất trong nước.

 

  Ảnh minh họa

Trong các cơ sở phân phối không chỉ của doanh nghiệp vốn trong nước, mà của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở Việt Nam, tỷ trọng hàng Việt Nam chiếm khoảng 90%. Ảnh minh hoạ

Trong cuộc khảo sát năm 2014, có tới 92% người tiêu dùng được hỏi cho biết rất quan tâm tới cuộc vận động này; 63% người tiêu dùng ưu tiên cho hàng Việt Nam sản xuất (gấp đôi so với thời kỳ đầu) và 54% cho biết ngoài ủng hộ còn vận động mọi người khác cùng mua hàng Việt Nam.

Đồng tình với quan điểm này, bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương - Thường trực Ban chỉ đạo “Chương trình hành động của Bộ Công Thương hưởng ứng Cuộc vận động” cho biết, trong 6 tháng đầu năm, Ban chỉ đạo Cuộc vận động đã tiến hành nhiều hoạt động xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường trong nước.

Cũng theo bà Nga, trong 6 tháng đầu năm 2015 đã tổ chức thực hiện được 50 đề án, trong đó phần lớn là các đề án phiên chợ hàng Việt về nông thôn, miền núi, biên giới, vùng sâu, vùng xa tại một số tỉnh như Bắc Kạn, Cao Bằng, Phú Thọ, Yên Bái, Hà Tĩnh … Mỗi phiên chợ có khoảng từ 15 đến 25 doanh nghiệp tham gia với 20 đến 40 gian hàng, doanh số đạt trên 500 triệu đồng. Các chương trình khác đang được triển khai thực hiện theo kế hoạch.

Liên quan đến việc đưa hàng Việt về nông thôn, đại diện Sở Công Thương Hà Nội cũng cho biết, trong 6 tháng đầu năm, công tác đưa hàng Việt về địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa trong thời gian qua tiếp tục được các địa phương rất quan tâm và đã trở thành một trong các nội dung trọng tâm hưởng ứng Cuộc vận động.

Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2015, các địa phương đã tổ chức được 101 đợt bán hàng về nông thôn với 1355 lượt doanh nghiệp tham gia, thu hút hơn 600 nghìn lượt người tới tham quan mua sắm, doanh thu mang lại hơn 8 nghìn tỷ đồng; tiếp nhận theo dõi hơn 50 đợt bán hàng về nông thôn với hơn 100 lượt doanh nghiệp tham gia, thu hút hơn 109.000 lượt người, doanh thu mang lại là gần 9 tỷ.

Công tác cung ứng hàng Việt còn nhiều khó khăn

Mặc dù trong 6 tháng đầu năm công tác triển khai Cuộc vận động đã thu được nhiều kết quả tích cực, trong quá trình thực hiện vẫn còn nhiều khó khăn cũng như bất cập.

Chia sẻ về vấn đề này, bà Lê Việt Nga, sự phối hợp giữa doanh nghiệp và các cơ quan quản lý Nhà nước vẫn chưa chặt chẽ trong vấn đề truyền thông, dẫn đến chưa thực sự tác động mạnh vào tâm lý, hành vi người tiêu dùng. Cùng với đó, vẫn còn một bộ phận người dân sính hàng ngoại, hàng hiệu nhập khẩu. Hoạt động tổ chức hội chợ, triển lãm trên địa bàn các tỉnh còn thể hiện nhiều hạn chế, chưa thu hút được các doanh nghiệp có thương hiệu mạnh tham gia, chưa kết nối được giữa sản xuất, phân phối và tiêu dùng.

Bà Nga cũng cho biết, vẫn còn một số doanh nghiệp lợi dụng khuyến mại để thực hiện hành vi gian lận thương mại, tiêu thụ các mặt hàng tồn, hàng cũ, hàng nhái, sắp hết hạn sử dụng làm ảnh hưởng đến lợi ích, lòng tin của người tiêu dùng, từ đó làm giảm đi ý nghĩa thiết thực của Cuộc vận động.

Đáng chú ý là vấn đề quản lý, chấn chỉnh công tác quản lý thị trường. Theo báo cáo nhanh, 6 tháng đầu năm 2015, lực lượng Quản lý thị trường cả nước kiểm tra 91.458 vụ (tăng 632 vụ, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm 2014), phát hiện, xử lý 55.234 vụ vi phạm (tăng 6.543 vụ, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2014), với tổng số thu nộp ngân sách 233,52 tỷ đồng (tăng 30,75 tỷ đồng, tăng 15,16 % so với cùng kỳ năm 2014). Trị giá hàng tịch thu chưa bán 63,02 tỷ đồng (giảm 4,22 tỷ đồng, giảm 6,3% so với cùng kỳ năm 2014). Trị giá hàng tiêu huỷ 52,24 tỷ đồng (tăng 17,56 tỷ đồng, tăng 50,6%).

Đưa ra giải pháp khắc phục cho những bất cập trên, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa cho biết, trong các tháng cuối năm 2015, để tiếp tục triển khai thực hiện tốt hơn nữa Cuộc vận động, Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh triển khai các hoạt động bám sát Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 03 tháng 1 năm 2015 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2015. Tiếp tục duy trì kết quả kết nối doanh nghiệp, góp phần đẩy mạnh xúc tiến thương mại nội địa hàng hóa công nghiệp địa phương, góp phần vào sự thành công của Cuộc vận động trong 6 tháng cuối năm 2015 và những năm tiếp theo…

Yến Nhi (Theo VnMedia)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Công bố quyết định kiểm toán các dự án xây dựng cầu và đường ven biển

Ngày 2/5, Kiểm toán Nhà nước phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh tổ chức công bố quyết định kiểm toán Dự án (DA) thành phần 2: Cầu Nhật Lệ 3 (DA đường ven biển và cầu Nhật Lệ 3, tỉnh Quảng Bình) và đường 2 đầu cầu (DA Tuyến đường bộ ven biển qua tỉnh Thừa Thiên Huế và cầu qua cửa Thuận An).

Công bố quyết định kiểm toán các dự án xây dựng cầu và đường ven biển
Náo nức ra đồng thu hoạch lúa đêm

Trên những cánh đồng lộng gió mùa hè, một số nơi nông dân tranh thủ gặt lúa, gom lúa, trực canh lúa. Không khí mùa màng khi đêm về náo nức, rộn ràng không kém ban ngày.

Náo nức ra đồng thu hoạch lúa đêm
“Nuôi lớn” nhãn hiệu tập thể

Toàn tỉnh hiện có 72 văn bằng chứng nhận sử dụng nhãn hiệu tập thể (NHTT) được cấp cho các tổ chức, cơ sở, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đây là con số không nhỏ, khẳng định sự phong phú, chất lượng cũng như tiềm lực phát triển các thương hiệu sản phẩm của Thừa Thiên Huế trên thị trường. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều việc cần làm sau khi có bằng chứng nhận để phát triển tài sản trí tuệ mang tính tập thể này.

“Nuôi lớn” nhãn hiệu tập thể
Return to top