Anh Đào Duy Tùng, Phó Giám đốc Công ty thực phẩm Dakmark – một doanh nghiệp (DN) đang giới thiệu mặt hàng cà phê Việt Nam tại Thái Lan trong khuôn khổ Tuần lễ hàng Việt Nam tại Trung tâm thương mại Central World, Bangkok - hồ hởi cho biết, đây là lần đầu tiên công ty anh đưa sản phẩm sang thị trường Thái.
“Mặc dù về mặt địa lý, Thái Lan rất gần Việt Nam và nếu xuất khẩu được hàng sang đây thì sẽ tiện lợi hơn nhiều, đặc biệt là về mặt vận chuyển, song thú thực, đây là lần đầu tiên chúng tôi đến Thái Lan”, anh Tùng cho hay. Trong khi đó, với dòng cà phê chủ yếu dành cho phân khúc khách hàng cao cấp, “sành sỏi”, sản phẩm của Dakmark đã được xuất sang thị trường EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc…
Câu chuyện của Darkmark cũng là chia sẻ của hầu hết các giám đốc, lãnh đạo DN Việt Nam tại cuộc giao lưu, hội đàm với các nhà cung ứng Thái Lan diễn ra hôm qua (10/7) tại Bangkok: Chinh phục nhiều thị trường xa xôi nhưng vẫn bỏ ngỏ thị trường rất gần là đất Thái.
Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa cắt băng khai mạc Tuần lễ hàng Việt Nam tại Thái Lan do Bộ Công Thương và Central Group phối hợp tổ chức
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa, trong năm 2015, kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Thái Lan đã đạt 11,5 tỷ USD, cải thiện đáng kể so với những năm trước đó. Riêng trong năm 2016 là mốc kỷ niệm 40 năm ngoại giao thương mại Việt Nam - Thái Lan với rất nhiều hoạt động để thúc đẩy quan hệ thương mại, kinh tế, dự kiến xuất nhập khẩu giữa hai nước sẽ càng tăng mạnh.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Thoa cũng cho biết, trong quan hệ giao thương với Thái Lan, hiện tại Việt Nam vẫn đang là nước nhập siêu. Năm 2015, Việt Nam nhập siêu từ Thái5,11 tỷ USD. Chính phủ hai nước đang mong muốn cân bằng cán cân xuất nhập khẩu, đồng nghĩa rằng, hàng hóa Việt Nam sẽ được tạo điều kiện hơn nữa để thâm nhập thị trường Thái.
Trong buổi làm việc giữa các DN sản xuất Việt Nam và các nhà cung ứng cho Central Group của Thái Lan ngày hôm qua, phần lớn các DN đều hoạt động trong lĩnh vực hàng tiêu dùng như nội thất Bình Phú, gốm sứ Minh Long, bia Sài Gòn, Điện Quang, dệt may Hòa Thọ, các nhãn hàng sản xuất thực phẩm Bích Chi, Hoàn Châu và Tân Huê Viên, Công ty trà Tâm Lan và cà phê Highland...
“Lần đầu sang Thái Lan tìm hiểu thị trường, chúng tôi không ngại về chất lượng. Chất lượng của hàng Việt Nam so với các quốc gia khác không hề thua kém các nước khác, đã chinh phục được cả những người tiêu dùng khó tính nhất tại Mỹ, EU, Nhật Bản…Tuy nhiên, điều mà chúng tôi nhận thấy mình vẫn còn phải học hỏi đó là cách đóng gói bao bì của nhà sản xuất Thái sáng tạo, bắt mắt và tiện lợi. Họ có cách thức làm thương hiệu rất bài bản và chuyên nghiệp”, lãnh đạo một công ty Việt Nam nói với phóng viên Dân Trí.
Chẳng hạn, chỉ là bán kẹo nhưng thay vì đóng gói đồng loạt các viên kẹo vào túi bóng, bán với giá vài baht thì DN Thái Lan đã lựa chọn cách đóng gói bằng bình thủy tinh và trang trí ấn tượng, bán với giá tới trên dưới 100 baht.
“Hiệu quả kinh tế rõ ràng là lớn hơn rất nhiều. Người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm nhiều khi chỉ là vì sản phẩm đó có bao bì đẹp, thậm chí họ không mua kẹo để ăn kẹo mà mua kẹo vì thích thú với chiếc hũ thủy tinh”, vị giám đốc nhận xét.
Bên cạnh đó, theo chia sẻ của một số chủ DN Việt Nam thì việc sử dụng ngôn ngữ tiếng Anh hạn chế đang là rào cản đối với việc đưa sản phẩm Việt Nam ra nước ngoài nói chung và thị trường Thái nói riêng. Trong khi đó, người Thái Lan về cơ bản sử dụng tiếng Anh khá tốt.
Khi được hỏi cảm nhận đầu tiên về hàng Việt Nam, Burasakham, một người tiêu dùng trẻ Thái Lan cho biết, đối với chị, nhiều mặt hàng Việt khá mới lạ, nhưng cũng có những sản phẩm may mặc “made in Vietnam” đã khá quen thuộc.
“Người Thái thích sự khác biệt và tôn trọng cá tính. Trung tâm này rộng tới 550.000m2, mỗi ngày có khoảng 150.000 khách và trong đó sẽ có rất nhiều người thích sản phẩm Việt Nam”, Burasakham nói.
Chia sẻ với các DN Việt, ông Philippe Broianigo, Tổng Giám đốc điều hành Central Group cho biết, 2 năm trước, Central Group chính thức tham gia vào thị trường Việt Nam giữa những lo ngại hàng Thái sẽ cạnh tranh và lấn át hàng Việt trên “sân nhà”. Tuy nhiên, hiện tại hai nước đang có những nỗ lực để cân bằng cán cân thương mại, theo đó, doanh số xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam sang Thái Lan đã tăng khá mạnh.
“Nhiều sản phẩm hàng Việt đã được doanh nghiệp và người tiêu dùng Thái Lan tin dùng. Mới đây nhất là việc Công ty Nội thất Bình Phú đã ký được hợp đồng trị giá 1,2 triệu USD xuất khẩu nội thất cho khách sạn 6 sao sẽ được khai trương tại Bangkok”, ông Philippe Broianigo cho hay.
Theo Dân trí