Du lịch Hương Thọ hy vọng phát triển xứng tầm khi xã “lên” thành phố
Những ngày này, mọi sinh hoạt của người dân Hương Thọ vẫn diễn ra như thường nhật, song hầu như ai trong số họ cũng háo hức chờ ngày “trọng đại”. “Cứ nghĩ sau ít hôm khi thức dậy mình đã là người thành phố lại thấy rất vui. Hy vọng thành phố sẽ có nhiều chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư cơ sở vật chất để bộ mặt địa phương phát triển xứng tầm”, ông Trần Văn Hùng, người dân xã Hương Thọ nói.
Bà Hoàng Thị Thảo, ở xã Hương Vinh bày tỏ: “Còn gì vui hơn khi trở thành người thành phố. Thế nhưng điều chúng tôi mong muốn là các cơ quan chính quyền sẽ tạo điều kiện thuận lợi để người dân thay đổi giấy tờ cho phù hợp với yêu cầu mới”.
Sự háo hức, hồ hởi của những người dân quê sống xa trung tâm còn biểu hiện rõ nét hơn. Trên đường về xã Hương Phong, chúng tôi gặp anh Nguyễn Văn Dũng, thôn Thuận Hoà vừa đi thăm đồng về. Anh Dũng vui vẻ: “Có mơ chúng tôi cũng không nghĩ sẽ có ngày lại được trở thành người thành phố. Thực sự, đó không chỉ là niềm vui mà còn là sự tự hào. Chỉ mong khi vào thành phố, sản phẩm làm ra được quan tâm hơn để cuộc sống của người dân thêm khấm khá”.
Ngay cạnh xã Hương Phong là xã Hải Dương với 6.963 dân, có diện tích tự nhiên 10,17km2. Chủ tịch UBND xã Hải Dương Lê Xuân Hướng cho hay, quá trình lấy ý kiến người dân, trên 99% bà con đồng tình cao việc sáp nhập.
Vào thành phố, người dân Hương Phong mong được quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng
Vào thành phố, giao thương buôn bán cũng sẽ thuận tiện hơn. Quả thực lâu nay, khi lên thành phố, quãng đường ngắn được 5km so với ra thị xã. “Bà con chỉ lo sau này khi xây dựng nhà cửa phải xin giấy phép chứ không “tự do” như trước”- một người dân nói.
Hiện, trong Nghị quyết của Đảng ủy, Hải Dương chú trọng phát triển dịch vụ - du lịch, tuy vậy, trong quá trình triển khai thực hiện, năng lực đội ngũ cán bộ cấp xã còn nhiều hạn chế, xã thiếu nguồn lực đầu tư hạ tầng du lịch. Như bãi tắm cộng đồng xã Hải Dương, dù đã được quy hoạch, cắm mốc, phân lô đã lâu, nhưng đến nay vẫn chưa đầu tư hạ tầng.
Ông Hướng cho biết, đây là đất thương mại dịch vụ nên địa phương không có thẩm quyền tổ chức đấu giá trong khi xã là chủ đầu tư dự án. “Chúng tôi đã làm tờ trình đề xuất thị xã cho tổ chức phân lô đấu giá và cho giá khởi điểm, nhưng đến nay vẫn chưa có ý kiến. Hy vọng, khi vào thành phố, cấp trên sẽ quan tâm đầu tư hạ tầng (về giao thông, điện, nước) tại Khu bãi tắm cộng đồng xã Hải Dương để phát triển dịch vụ du lịch địa phương”.
Việc điều chỉnh mở rộng địa giới hành chính TP. Huế là tâm tư, nguyện vọng của Đảng bộ, chính quyền, người dân Hương Trà nói riêng và tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung qua nhiều nhiệm kỳ. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để Huế có điều kiện thực hiện tốt trong việc gìn giữ những giá trị di sản, giá trị văn hóa cốt lõi, song song với việc thực hiện sứ mệnh của một đô thị động lực trung tâm, là trung tâm hành chính, tri thức, công nghệ của tỉnh Thừa Thiên Huế, có nhiệm vụ tạo ra những cơ sở nền tảng để thúc đẩy toàn tỉnh phát triển.
Cùng với 7 xã, thị trấn của TX. Hương Thủy và huyện Phú Vang, Hương Trà có 2 phường Hương Hồ, Hương An và 4 xã Hương Thọ, Hương Vinh, Hương Phong và Hải Dương cùng “lên” phố. Việc mở rộng TP. Huế là một bước cụ thể hóa Đồ án Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Thừa Thiên Huế và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung TP. Huế đến năm 2030, tầm nhìn 2050 đã được Chính phủ phê duyệt.
Theo đó, tổng diện tích của 6 phường, xã thuộc Hương Trà sáp nhập vào TP. Huế là 124,46 km2, dân số 57.807 người, với 44 thôn/tổ dân phố.
Bài, ảnh: Liên Minh