ClockThứ Năm, 11/07/2024 11:46
TRỐN ĐÓNG, CHẬM ĐÓNG BHXH CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG:

Hệ lụy và những nỗi đau - Bài 1: Chủ doanh nghiệp bỏ trốn, người lao động lao đao

TTH - Theo thống kê từ Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh, đến nay toàn tỉnh có hơn 2.700 doanh nghiệp (DN) phá sản, giải thể, đơn vị trốn đóng, chậm đóng các loại hình bảo hiểm cho hơn 50 ngàn người lao động (NLĐ), với tổng số tiền nợ gần 180 tỷ đồng.

Xử phạt vi phạm hành chính doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểmNhiều doanh nghiệp vẫn chậm đóng bảo hiểm xã hội392 doanh nghiệp nợ bảo hiểm với số tiền lên đến 151 tỷ đồngMất quyền lợi vì doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm

 Doanh nghiệp nợ BHXH, người lao động đối mặt với nhiều khó khăn do không giải quyết được các chế độ và không thể tham gia BHYT (ảnh minh họa)

Tình trạng nợ đóng BHXH diễn ra ở mọi loại hình DN, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của NLĐ. Đặc biệt, số tiền nợ khó thu hồi tại các DN phá sản, giải thể, ngừng hoạt động hoặc chủ DN bỏ trốn đã lên đến hàng chục tỷ đồng khiến hàng ngàn NLĐ bức xúc, đứng ngồi không yên khi bao nhiêu năm tham gia bảo hiểm giờ đổ xuống sông, xuống biển.

Doanh nghiệp phá sản, bỏ trốn - Gánh nặng đè lên vai người lao động 

Sau nhiều năm gắn bó tại Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Max Real Capital có trụ sở đóng tại phường An Đông, TP. Huế, cuối cùng anh Nguyễn Văn Hải, Trưởng phòng Kinh doanh của DN này nhận được cái kết “đắng”, đó là không thể tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) để bảo vệ sức khỏe, không thanh toán bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) bởi DN này đã nợ anh 3 năm 3 tháng BHXH (từ tháng 4/2021 đến tháng 6/2024). Chưa dừng lại ở đó, giờ đây anh không thể chốt sổ BHXH để tiếp tục tham gia BHXH khi đến làm việc tại DN khác, do chủ DN đã bỏ trốn sang Nga từ năm 2022 và đến nay vẫn biệt vô âm tín.

Cùng cảnh ngộ, chị Hoàng Thị Thanh Hải, trú tại phường Thủy Biều, TP. Huế cũng “dở khóc dở cười” khi chủ sử dụng lao động (SDLĐ) - Công ty CP Xây dựng và sản xuất vật liệu số 7 nợ 36 tháng BHXH, BHTN (từ tháng 12/2010 đến 11/2013), với tổng số tiền nợ lên đến 154 triệu đồng. Từ tháng 1/2017 đến nay, chủ DN bỏ trốn và “ôm” theo đống nợ hàng tỷ đồng khiến nhiều NLĐ lao đao khi phải đối mặt với “5 không”, đó là không chốt sổ để bảo lưu quá trình đóng, không hưởng các chế độ BHXH, không hưởng chế độ BHXH một lần, không hưu trí và không tử tuất.  

 Người lao động đến giải quyết thủ tục bảo hiểm tại BHXH tỉnh

Qua tìm hiểu, nhiều DN khi phá sản hoặc giải thể không chỉ để lại các khoản nợ BHXH mà còn nợ lương, nợ thuế. Số nợ này không thể đòi được nhưng vẫn bị treo nợ và tính lãi, khiến số nợ tăng lên mỗi năm. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của NLĐ. Nếu NLĐ tự đóng bù vào phần còn thiếu, họ phải gánh luôn cả phần lãi mà DN chưa đóng. Nếu sử dụng ngân sách hoặc quỹ đầu tư của BHXH để bù đắp thì hiện nay chưa có điều luật nào quy định về việc này.

Theo số liệu từ BHXH tỉnh, đến nay toàn tỉnh có 288 DN phá sản, giải thể, dừng hoạt động sản xuất kinh doanh và đơn vị có chủ DN bỏ trốn với số tiền nợ BHXH, BHTN gần 40.300 triệu đồng. Mặc dù hiện đã có quy định cho phép các DN đang hoạt động nợ tiền đóng BHXH giải quyết quyền lợi cho NLĐ đủ điều kiện nghỉ hưu, thôi việc hoặc chuyển đơn vị khác; quy định về ưu tiên giải quyết các khoản nợ tiền BHXH, BHYT, BHTN khi DN giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động. Tuy nhiên, đối với trường hợp chủ bỏ trốn hoặc các DN giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động mà sau khi thanh lý tài sản không còn đủ tiền trả nợ BHXH thì chưa có quy định giải quyết quyền lợi đối với NLĐ.

Doanh nghiệp nợ Bảo hiểm xã hội, người lao động khó khăn chồng chất khó khăn

Không dưới 5 lần, chị Nguyễn Thị N. trú tại phường Thủy Dương, TX. Hương Thủy đến bộ phận một cửa, BHXH tỉnh để hỏi về tình trạng chủ SDLĐ - Công ty CP Hàng không Lữ hành Việt Nam đã trả các món nợ bảo hiểm chưa để được chốt sổ và nhận các chế độ BHXH, BHYT của mình sau nhiều năm chờ đợi. Song, câu trả lời nhận được từ nhân viên BHXH tỉnh đó là chưa, vì số nợ của DN ngày càng tăng và đến nay đã lên đến hơn 6 tỷ đồng, thời gian nợ BHXH của NLĐ cũng lên đến 31 tháng. Thực trạng này dẫn đến nhiều lao động tại DN đang rơi vào cảnh khốn đốn vì không được giải quyết các chế độ ốm đau, thai sản, hưu trí... do DN trốn đóng hoặc chậm đóng BHXH.

 Người lao động đối thoại với cơ quan BHXH tỉnh liên quan đến các chính sách bảo hiểm

“Không có thẻ BHYT để khám chữa bệnh, giờ nghỉ việc cũng không thanh toán được trợ cấp thất nghiệp và càng khốn đốn hơn khi muốn xin việc làm tại các công ty khác, tôi cũng không thể chốt sổ BHXH để tiếp tục tham gia để sau này nhận lương hưu như các đồng nghiệp. Khi nào DN trả hết nợ, tụi tui mới cầm được cuốn sổ BHXH, mới mua được thẻ BHYT nhưng chờ đến khi nào”, chị N. bức xúc.

Không chỉ NLĐ bức xúc, lo lắng trước tình trạng chủ DN trốn đóng, chậm đóng các loại hình bảo hiểm mà bản thân những người làm công tác quản lý tại các đơn vị chậm đóng BHXH cũng bày tỏ bức xúc khi chứng kiến NLĐ lâm vào cảnh khốn cùng.

Chị H., người làm công tác quản lý tại Công ty CP Đào tạo AMES CN Huế - đơn vị nợ 11 tháng BHXH, BHYT với tổng số tiền chậm đóng đến ngày 3/6/2024 hơn 340 triệu đồng, chia sẻ: “Nhìn NLĐ đến kỳ sinh con nhưng không có thẻ BHYT để chi trả viện phí và chăm sóc sức khỏe cho 2 mẹ con, rồi có người muốn nghỉ việc để xin việc làm khác cũng không được vì không thể chốt sổ…, tôi rất đau lòng nhưng không thể can thiệp được, khi chi nhánh Huế chỉ thực hiện công tác đào tạo, còn lại các thủ tục đóng BHXH cho NLĐ đều do công ty mẹ ở Hà Nội thực hiện. Trong khi đó, hiện công ty có hơn 40 chi nhánh trong cả nước, trong đó có một số chi nhánh hoạt động không hiệu quả nên đã ảnh hưởng đến tình hình tài chính chung, trong đó có việc chậm đóng BHXH cho NLĐ tại chi nhánh Huế”. 

Qua chia sẻ của một cán bộ làm công tác công đoàn tại Ban Quản lý Khu Kinh tế, công nghiệp tỉnh, rất nhiều nữ công nhân sinh nở không được hưởng tiền thai sản, có bạn công nhân con đã 10 tuổi mà mẹ vẫn không được hưởng chế độ gì; nhiều NLĐ thất nghiệp lâm vào cảnh ốm đau, chết mà không có được trợ cấp thất nghiệp; có người nghỉ hưu 7 - 8 năm mà vẫn chưa được cầm sổ hưu... Đó cũng là lý do mà nhiều người mất niềm tin, muốn rút BHXH một lần để còn lo cho cuộc sống trước mắt và cầm số tiền mình đã “tích cóp” vì lo lắng lỡ không may DN phá sản hoặc trốn đóng BHXH thì “mất trắng”.

Dù đã ban hành nhiều chế tài, nhưng việc xử lý tình trạng nợ BHXH vẫn chưa thực sự hiệu quả, đặc biệt là đối với việc xử lý tài sản và công nợ của những DN phá sản, giải thể hoặc chủ bỏ trốn. Hậu quả là NLĐ chịu nhiều thiệt thòi và khó khăn trong cuộc sống. Để bảo vệ quyền lợi cho NLĐ cũng như chính sách an sinh xã hội, cần có những biện pháp mạnh và quyết liệt hơn từ các cơ quan chức năng nhằm ngăn chặn tình trạng DN trốn đóng, chậm đóng BHXH.

Khó khăn trong xử lý nợ

Tại buổi làm việc của tổ công tác liên ngành thu nợ BHXH, BHYT, nhiều DN đã được mời làm việc đến lần thứ 2, thứ 3 song đâu lại vào đó, số tiền nợ vẫn không giảm mà còn tăng lên theo thời gian sau khi cộng thêm số tiền lãi. Trong đó, nguyên nhân nợ chủ yếu do các DN báo cáo đó là tình hình sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, thiếu hụt đơn hàng, bất động sản đóng băng dẫn đến hoạt động xây dựng, kinh doanh vật liệu xây dựng gặp khó…

Theo số liệu mới nhất, hiện toàn tỉnh có 1.632 đơn vị nợ BHXH, BHYT, BHTN, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp từ 1 đến dưới 3 tháng đối với hơn 46.625 lao động, số tiền nợ 3.168 triệu đồng; nợ từ 3 tháng trở lên có 825 đơn vị, 3.478 lao động và số tiền nợ lên đến hơn 81.956 triệu đồng; khoản nợ khác có 189 đơn vị với số tiền nợ gần 40 tỷ đồng.

Trong số đó, có nhiều DN chậm đóng với số tiền khá lớn, như: Công ty TNHH Việt Đức nợ 54 tháng với số tiền hơn 1,7 tỷ đồng, Công ty CP Cơ khí và xây dựng công trình 878 nợ 38 tháng với hơn 4,4 tỷ đồng, Công ty CP Xây dựng giao thông Thừa Thiên Huế nợ 35 tháng với 5,7 tỷ đồng, Công ty CP Hàng không Lữ hành Việt Nam nợ 7 tháng với 6,3 tỷ đồng…

Mặc dù các ngành chức năng đã triển khai nhiều giải pháp nhằm thu hồi và xử lý nợ đọng BHXH, song nhiều DN vẫn trốn tránh hoặc cố tình trì hoãn nghĩa vụ đóng BHXH. Thậm chí, có DN còn thành lập pháp nhân mới, trong khi các khoản BHXH cũ vẫn bị "treo". Mặt khác, nhiều DN nhà nước chuyển sang cổ phần được khoanh nợ để thành lập pháp nhân mới, trên nguyên tắc họ không phải trả các món nợ BHXH với NLĐ. Điều này làm tăng thêm khó khăn cho việc giải quyết nợ BHXH.

(Còn nữa)

Bài, ảnh: Thanh Hương
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Mở rộng không gian” với công nghệ 5G

Mới đây (ngày 15/10), Viettel Thừa Thiên Huế chính thức ra mắt và cung cấp dịch vụ 5G tại thành phố Huế và 3 khu công nghiệp (KCN) Phong Điền (huyện Phong Điền), Phú Bài (TX. Hương Thủy) và Phú Đa (huyện Phú Vang).

“Mở rộng không gian” với công nghệ 5G
Cùng doanh nghiệp chinh phục kinh tế số

Ông Dương Tuấn Anh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh thông tin, hiện tỉnh có trên 6.000 DN đang hoạt động. Sự xuất hiện của các sàn thương mại điện tử như TikTok, Sendo, Tiki, Lazada và Shopee... tạo ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp.

Cùng doanh nghiệp chinh phục kinh tế số
Linh hoạt để gần gũi người lao động

Đáp ứng nhu cầu tiếp cận thông tin của đoàn viên, người lao động ngày càng đa dạng, các cấp công đoàn không ngừng đổi mới hình thức tuyên truyền, vận động phù hợp với từng đối tượng, đoàn viên, người lao động.

Linh hoạt để gần gũi người lao động

TIN MỚI

Return to top