|
|
Mô hình trồng dưa lê lai dưa lưới tại phường An Hòa cho năng suất cao |
An Hòa là phường nằm ở cửa ngõ phía Bắc của TP. Huế, với diện tích đất NN hơn 160ha. Tuy nhiên, đa phần đều trồng lúa, trong đó một số diện tích trồng lúa kém hiệu quả trong khi phường chưa có loại cây trồng nào có tiềm năng, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Thực hiện chủ trương của TP. Huế về chuyển dịch cơ cấu cây trồng, nghiên cứu các mô hình hay, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao hiệu quả kinh tế trong lĩnh vực NN, HTX NN Tây An, phường An Hòa đã triển khai thành công mô hình “Ứng dụng CNC để trồng dưa lê lai dưa lưới trên đất lúa kém hiệu quả”, mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo bước đột phá trong phát triển NNCNC trên địa bàn.
Theo đó, từ cuối năm 2021, HTX NN Tây An bắt đầu triển khai mô hình trên diện tích 1.200m2 từ diện tích trồng lúa kém hiệu quả để trồng dưa lê lai dưa lưới (giống VA 75 Nhật Bản). Đây là giống dưa lê lai dưa lưới nên vừa có vị ngọt và mùi thơm như dưa lưới, đồng thời lại có độ giòn và vị thanh của dưa lê, lại phù hợp với khẩu vị của người Huế hơn so với các giống dưa lưới bán trên thị trường nên được người tiêu dùng ưa chuộng.
Với sự hỗ trợ kinh phí từ UBND TP. Huế, đơn vị chuyển giao công nghệ Trường đại học Nông Lâm Huế, HTX đã xây dựng thành công mô hình trồng cây dưa lê VA75 trong nhà màng (diện tích 500m2) và ngoài đồng ruộng (diện tích 700m2), đồng thời áp dụng một số công nghệ tự động, hoàn thiện quy trình trồng dưa lê VA75 trong nhà màng và ngoài đồng ruộng, áp dụng kỹ thuật canh tác tiên tiến, tập huấn cho thành viên và hộ nông dân. Ưu điểm vượt trội của giống dưa lê lai dưa lưới đó là thời gian sinh trưởng ngắn, năng suất cao; thời gian sinh trưởng của dưa tương đối ngắn (70 - 80 ngày) tùy giống, nên có thể trồng được từ 3 - 4 vụ/năm.
Giám đốc HTX NN Tây An, ông Lê Quang Lạc cho rằng, nếu như trước đây, thu nhập từ trồng lúa chỉ cho 8 triệu đồng/năm thì khi chuyển sang mô hình trồng dưa lê lai dưa lưới, hiệu quả mang lại cao hơn gấp 10 lần. Theo đó, với sản lượng đạt 3,6- 4 tấn dưa/vụ; giá bán 30.000 đồng/kg, trừ các khoản chi phí thì lợi nhuận mang lại khoảng 50 triệu đồng/vụ. Với 3 vụ/năm, lợi nhuận từ việc trồng dưa đạt hơn 150 triệu đồng. Ưu điểm vượt trội của mô hình này đó là giúp người nông dân làm quen và tiếp cận với CNC trong sản xuất NN, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển NN bền vững theo định hướng của thành phố.
Theo lãnh đạo UBND TP. Huế, ứng dụng CNC để trồng dưa lê lai dưa lưới nhằm đa dạng hóa sản phẩm NN, tăng thu nhập cho nông dân, tạo sản phẩm mới phục vụ nhu cầu tiêu dùng, đồng thời làm tiền đề nhân rộng sản xuất NN theo hướng NNCNC gắn với du lịch sinh thái. Thời gian tới, thành phố tiếp tục triển khai thử nghiệm các giống cây trồng mới, có năng suất, chất lượng cao, phù hợp với thị hiếu của người dân và khách du lịch, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, thu nhập cho người nông dân trên địa bàn.