Hiện một lượng lớn gia cầm của người dân đang ứ đọng cần giải cứu. Ảnh: LIÊN MINH
Tạo chuỗi liên kết
Ông Hồ Đăng Khoa, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản (QLCLNLTS) thông tin, hiện 5 xã vùng Ngũ Điền (Phong Điền) còn khoảng 60 ha tôm thẻ chân trắng trên cát được nuôi từ vụ cuối năm 2019 chưa thu hoạch, trong đó các nhóm hộ chiếm đa số.
Số tôm trên tập trung chủ yếu ở các xã Điền Hương, Điền Hòa, Phong Hải với tổng sản lượng khoảng 1.800 tấn, trọng lượng đạt 40-50 con/kg. Trước khi có dịch bệnh COVID-19, giá tôm vùng Ngũ Điền khoảng 180 nghìn đồng/kg, thời điểm hiện tại “giá rớt” còn khoảng 150 nghìn đồng/kg.
Việc tiêu thụ tôm của các nhóm hộ ở Phong Điền chủ yếu thông qua một số thương lái. Có 90% lượng tôm thu hoạch trên địa bàn được bán cho các đầu mối thu mua đưa đi tiêu thụ các tỉnh phía Bắc và xuất đi Trung Quốc, số ít còn lại được tiêu thụ trong tỉnh và vùng lân cận.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh chỉ có Công ty CP Chăn nuôi C.P. Việt Nam có nhu cầu mua tôm nguyên liệu khoảng 800-1.000 tấn/tháng với yêu cầu cỡ tôm đạt 50-90 con/kg. Từ đầu năm 2020, công ty này đã xuất 450 tấn tôm đi các nước Nhật, Anh, Thái Lan, Ba Lan… nhưng chưa có thị trường Trung Quốc.
Ngoài tôm thẻ chân trắng, các mặt hàng nông sản như gia súc, gia cầm cũng đang tồn đọng một khối lượng lớn. Cụ thể, tổng đàn trâu hiện có khoảng 19.420 con, bò 31.860 con, gia cầm gần 4 triệu con.
Lượng tiêu thụ thịt bò, thịt gà giảm khoảng 30% so với trước; giá bán gà lông khoảng 62.000 đồng/kg, giảm 12 nghìn đồng/kg; giá thịt bò khoảng 230.000 đồng/kg, giảm 10.000 đồng/kg.
Ông Hồ Đăng Khoa, cho rằng, thực trạng chung của sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh là bị động trong khâu tìm đầu ra, phụ thuộc thương lái và “giải cứu” nông sản chỉ là giải pháp tình thế. Việc tổ chức hình thành mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị được xem là bước đi tất yếu nhằm nâng cao chất lượng, đảm bảo ổn định đầu ra cho sản phẩm.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 9 chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn với 14 sản phẩm nông sản có thể kể đến như mô hình trồng chuối ở A Lưới, gạo hữu của Công ty TNHH MTV Nông sản hữu cơ Quế Lâm, Công ty TNHH MTV hữu cơ Huế Việt…
Xây dựng chuỗi nông sản an toàn thì cả người sản xuất, người kinh doanh và người tiêu dùng đều được hưởng lợi. Để hình thành một chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn, từ nơi sản xuất ban đầu đến nơi bày bán phải được kiểm tra chứng nhận và giám sát liên tục.
Thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ các đơn vị sản xuất kinh doanh thực phẩm nông, thủy sản an toàn trên địa bàn; cũng như phối hợp với các ngành chức năng tăng cường các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, kết nối sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; xây dựng liên kết giữa khu vực sản xuất và khu vực bán lẻ trong các chuỗi ngành hàng, nhằm thúc đẩy phát triển các chuỗi cung ứng trong giai đoạn ảnh hưởng dịch COVID-19 như hiện nay.
Theo Sở NN&PTNT, nhằm ứng phó với dịch COVID-19 tác động đến ngành nông nghiệp, đơn vị đã chỉ đạo các cơ quan liên quan thường xuyên theo dõi tình hình sản xuất và lưu thông nông sản ở địa phương, không để ứ đọng cục bộ...
Kết nối bằng công nghệ
Để hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho người dân, UBND tỉnh chỉ đạo các huyện, phòng NN&PTNT làm việc với các hộ nông dân để xác định số lượng, nhu cầu và đơn giá cần giải cứu; yêu cầu các hội, hiệp hội DN cùng vào cuộc để đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng.
Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) phối hợp với Liên minh HTX tỉnh triển khai Sàn thương mại điện tử kinh tế hợp tác và hiện dữ liệu được ưu tiên, đưa thông tin nông sản cần giải cứu cho người dân.
Tỉnh cũng thành lập nhóm hỗ trợ để vận hành sàn, điều phối hoạt động vận chuyển hàng hoá, hỗ trợ trực tiếp các điểm cần giải cứu, cập nhật số lượng và kết nối các chuỗi cung ứng sản phẩm.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thiên Định, sàn dựa trên quan hệ hợp tác kinh tế giữa các HTX, có ý nghĩa trong việc kết nối tiêu thụ sản phẩm cho người dân với cộng đồng, thị trường. Trong thời điểm này, đây là công cụ hữu ích giúp người dân giải cứu nông sản tồn đọng.
“Tỉnh chỉ đạo Sở Công thương tổng hợp nhu cầu mua nông sản của cán bộ công chức và yêu cầu lực lượng này mua hàng hỗ trợ bà con. Đồng thời, qua sàn kinh tế hợp tác sẽ kết nối nguồn hàng với tiểu thương các chợ để tiêu thụ; kết nối các siêu thị để thu mua, cấp đông trong trường hợp hàng ứ đọng nhiều”, ông Định nói.
Những ngày qua, các thành viên của Hội Doanh nhân nữ (HDNN) tất bật với việc kết nối số lượng gia cầm cần giải cứu.
Chị Nguyễn Thị Huệ, đại diện HDNN chia sẻ: Hệ thống hỗ trợ bà con tiêu thụ sản phẩm được khởi động với chuỗi các thành phần tham gia. Các huyện sẽ cập nhật, thống kê số lượng, Sở Công thương tổng hợp đơn đặt hàng. Sàn kinh tế hợp tác sẽ lo việc tiếp nhận thông tin từ khách hàng, theo dõi đơn hàng ban đầu và chúng tôi sẽ điều phối, phân loại nhóm gia cầm cần giải cứu. Công ty Âu Lạc, DMZ lo việc sơ chế gà, vịt (mỗi ngày khoảng trên 1.000 con) và Huế Việt hỗ trợ giao hàng cho khách.
Ngoài ra, chúng tôi triển khai mở điểm bán lẻ gia cầm tại cửa hàng Huế Việt 19 Trường Chinh và Hội LHPN tỉnh ở 12 Đống Đa. Bước đầu, qua nhiều kênh, đã giải cứu trên 7.000 con gia cầm cho nông dân.
Để chung tay giải cứu nông sản cho bà con nông dân, khách hàng có thể mua hàng trực tuyến qua địa chỉ http://kinhtehoptac.com hoặc mua trực tiếp, qua điện thoại, ship tận nhà tại các địa chỉ được công khai trên trang web.
Hà Nguyên-Liên Minh