ClockThứ Ba, 11/07/2017 05:56

Hơn 4 tấn cá lồng trên sông Bồ bị chết

TTH - Thời tiết bất thường cộng với mật độ nuôi quá dày đã khiến một lượng lớn cá lồng nuôi trên sông Bồ qua địa bàn phường Hương Xuân (Hương Trà), Quảng Thọ (Quảng Điền) bị chết, gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng.

Cá nuôi lồng ở Hương Xuân (Hương Trà) chết do ô nhiễm môi trường

Cá trắm nuôi lồng chết khiến nhiều hộ dân Hương Xuân rơi vào cảnh khó khăn

Do ô nhiễm nguồn nước

Ông Ngô Quang Thảo, Chủ tịch UBND phường Hương Xuân (Hương Trà) cho biết, từ chiều tối mồng 9 đến sáng 10/7, cá lồng nuôi trên sông Bồ đoạn qua tổ dân phố (TDP) Thanh Lương 3 đồng loạt bị chết, nổi trắng lồng.

Theo thống kê chưa đầy đủ của UBND phường, hiện đã có hơn 4 tấn (khoảng 1.000 con), cá trắm nuôi lồng trọng lượng từ 3,5-7kg/con của 30 hộ dân (trên tổng số 400 lồng nuôi của 200 hộ dân trên địa bàn phường) bị chết, gây thiệt hại khoảng hơn 300 triệu đồng. Nguyên nhân ban đầu được xác định do mật độ người dân thả cá nuôi quá dày, công tác vệ sinh lồng nuôi không hiệu quả dẫn đến nguồn nước bị ô nhiễm.

Ngồi thẫn thờ nhìn cá chết, ông Nguyễn Công Quang (TDP Thanh Lương 3), một người dân nuôi cá lồng cho biết: “Từ trước đến nay khu vực sông Bồ đoạn qua TDP này chỉ một lần xảy ra hiện tượng cá chết nhưng chỉ vài con. Chưa khi nào có hiện tượng chết nhanh, đồng loạt như hiện nay”. Hộ ông Quang nuôi 4 lồng cá trắm và thêm một số loại cá khác. Từ chiều tối 9/7 cá chết cục bộ, một lồng chỉ vài con. Đến sáng 10/7, cá đồng loạt nổi bụng chết.

Mật độ nuôi cá lồng trên sông Bồ qua phường Hương Xuân quá dày dẫn đến cá bị ngạt, chết hàng loạt

Tính đến thời điểm hiện tại, sau hơn 8 tháng thả, mỗi lồng nuôi ông Quang đã đầu tư mười mấy triệu đồng. Cá chết hàng loạt khiến gia đình ông rơi vào khó khăn. Cạnh đó, bà Nguyễn Thị Ny (TDP Thanh Lương 3) thông tin, gia đình nuôi 2 lồng cá, mỗi lồng khoảng 250 con. Sau hơn 10 tháng thả nuôi đến nay sắp vào vụ thu hoạch thì cá đồng loạt chết. “Gần 5 năm nuôi cá lồng thì đây là lần đầu tiên gia đình tôi chịu thiệt hại nặng nhất. Từ sáng đến giờ cả nhà phải huy động bà con, anh em họ hàng ra vệ sinh, di chuyển lồng cứu cá”, bà Ny nghẹn ngào kể.

Tại xã Quảng Thọ, có 600 lồng nuôi cá trên khu vực sông Bồ đoạn qua thôn La Vân Hạ và Phước Yên của hàng trăm hộ dân đang nuôi. Trong hai ngày 9-10/7 cũng diễn ra cá chết cục bộ tại một số lồng nuôi. Theo các hộ dân ở đây, bình quân mỗi hộ thả nuôi với quy mô từ 1 đến 3 lồng cá. Chi phí đầu tư cho một lồng nuôi là 7-10 triệu đồng cho lồng sắt và 30 triệu đồng cho lồng nhôm. Mỗi lồng thả nuôi khoảng 30-40 kg cá giống cỡ lớn, sau thời gian gần một năm sẽ xuất bán. Bình quân mỗi lồng khi thu hoạch cho trên dưới 1 tấn cá, trị giá từ 40 đến 50 triệu đồng. Hiện nay, cá lồng nuôi ở khu vực này đang chết dần dần khiến nhiều hộ dân lo lắng.

Cần tuân thủ quy định

Theo Quyết định số 60 năm 2016 của UBND tỉnh, cơ sở nuôi cá lồng, bè phải nằm trong vùng quy hoạch nuôi trồng thủy sản, nằm trong phân vùng mặt nước được cơ quan có thẩm quyền cho phép. Thể tích lồng có kích cỡ tối thiểu 15m3 được bố trí đặt cách nhau tối thiểu 1m đối với 4 mặt lồng; trường hợp lồng có kích cỡ lớn thì khoảng cách giữa các lồng lớn hơn theo tỷ lệ tương ứng; trường hợp đặt lồng, bè thành từng cụm (tối đa 6-10 lồng/cụm, kích cỡ tối đa 150m3/cụm) thì các cụm lồng, bè khi đặt song song phải cách nhau tối thiểu 10m; khi đặt so le, nối tiếp cách nhau tối thiểu 200m. Mật độ lồng, bè cho toàn vùng nuôi ở khu vực nước chảy chiếm tối đa 0,2% và khu vực nước tĩnh chiếm tối đa 0,05% diện tích mặt nước lúc mức nước thấp nhất.

Ông Ngô Quang Thảo khẳng định, đây là lần đầu tiên trên địa bàn phường Hương Xuân xảy ra cá lồng nuôi chết với số lượng lớn như thế. “Thời tiết hiện nay nắng ban ngày, chiều tối có mưa giông nên dễ xảy ra hiện tượng cá bị ngột, thiếu ô xy dẫn đến chết hàng loạt. Mặt khác, hiện nay vùng hạ nguồn sông Bồ thường có mưa, nước đẩy về yếu nên nguồn nước không lưu thông, ô nhiễm cục bộ dẫn đến cá chết. Người dân cần tuân thủ quy định nuôi để tránh thiệt hại”, ông Thảo nhận định.

Ông Hoàng Công Phong, Chủ tịch UBND xã Quảng Thọ cho biết, hiện nay địa phương đã cho kiểm tra hiện tượng cá chết cục bộ tại một số hộ nuôi cá lồng trên sông Bồ. Số lượng chết ít do thời tiết thay đổi, bà con thường vứt rêu rác ra giữa sông dẫn đến nguồn nước ô nhiễm và mật độ nuôi quá dày không theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.

Ông Nguyễn Đình Đức, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT thông tin, sáng 10/7, sở đã chỉ đạo Chi cục Thủy sản tỉnh về các địa phương có diện tích nuôi cá lồng chết để kiểm tra và có hướng dẫn cụ thể các giải pháp khắc phục hiện tượng cá chết. Theo đó, Chi cục Thủy sản đang khuyến cáo, hướng dẫn người dân tăng cường các máy sục khí đối với các lồng cá nuôi còn lại; thực hiện công tác vệ sinh môi trường lồng nuôi, không vứt rác bừa bãi trên sông tránh tình trạng ô nhiễm nguồn nước; đối với những lồng nuôi không cố định thì cần linh động di chuyển lồng để tránh hiện tượng ngột, ô nhiễm nguồn nước.

“Quyết định số 60 năm 2016 của UBND tỉnh có hướng dẫn quy định cụ thể về khoảng cách, mật độ nuôi cá lồng, bè trên sông. Hiện nay, do các địa phương thực hiện việc quy hoạch nuôi, hướng dẫn các hộ nuôi cá lồng chưa nghiêm ngặt dẫn đến nuôi tự phát nhiều, mật độ dày. Khi môi trường thay đổi, thường xảy ra hiện tượng thiếu ôxy cục bộ dẫn đến cá chết”, ông Đức cho biết thêm.

Trước đó, trên sông Bồ đoạn qua xã Hương Toàn (Hương Trà) cũng xảy ra hiện tượng cá lồng nuôi chết hàng loạt. Cũng như nhiều địa phương, các cơ quan chuyên môn xác định, mật độ thả nuôi ở khu vực này quá dày. Trên sông Bồ khoảng hơn 1km đã có gần 700 lồng nuôi, dẫn đến cá bị thiếu ôxy, chết với số lượng lớn.

Hà Nguyên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Mưa rét kéo dài làm cá nuôi lồng bị chết

Thông tin từ Chi cục Thủy sản tỉnh ngày 20/12, do thời tiết mưa lạnh, diễn biến phức tạp, vừa qua, vùng nuôi cá lồng trên đầm phá tại thôn Thai Dương Hạ Nam, xã Hải Dương (TP. Huế) có 22 lồng cá bị chết với số lượng hơn 14 ngàn con cá ong căn, hồng, mú, nâu, dìa, vẫu, hanh…

Mưa rét kéo dài làm cá nuôi lồng bị chết
Giữ gìn môi trường sạch đẹp

Huế đã có thương hiệu thành phố xanh, môi trường sống sạch, đẹp là điều không chỉ người dân sở tại mà du khách, những người xa quê trở về đã nhận định, thán phục. Kết quả đó, ngoài thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả "Ngày Chủ nhật xanh", còn đến từ ý thức giữ gìn thành phố xanh, sạch, đẹp của người dân.

Giữ gìn môi trường sạch đẹp
Thay đổi thói quen để bảo vệ môi trường

Những thay đổi nhỏ từ lối sống hằng ngày như đi chợ bằng giỏ, đựng thực phẩm trong hộp, dùng túi đựng, ống hút, ly uống nước... bằng giấy, hội viên phụ nữ TP. Huế đang góp phần giảm rác thải nhựa, túi ni lông ra môi trường. Đồng thời, lan tỏa phong trào sống xanh, góp phần chung tay vì một Huế - đô thị giảm nhựa.

Thay đổi thói quen để bảo vệ môi trường
Return to top