ClockThứ Ba, 12/12/2017 06:21

Khai thác cát sỏi trái phép ở hạ nguồn suối Voi

TTH - Hơn 1 tháng qua, người dân thôn Thủy Dương (xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc) bức xúc khi nhiều xe múc và xe ben tiến hành khai thác cát, sỏi ngay hạ nguồn suối Voi. Dù sự việc được người dân nhiều lần phản ánh nhưng việc khai thác cát vẫn tiếp tục diễn ra.

Lũ quét Suối Voi, 3 du khách suýt chếtLực lượng “phản ứng nhanh” ứng phó nạn khai thác cát sỏi bừa bãiXử lý dứt điểm hoạt động khai thác cát, sỏi trái phépTăng cường quản lý hoạt động khai thác cát, sỏi

Việc khai thác cát sỏi trái phép vẫn diễn ra tại hạ nguồn suối Voi vào ngày 7/12

Sai quy định

Để rõ sự việc, ngày 7/2, chúng tôi có mặt tại thôn Thủy Dương. Hai bên tuyến đường dẫn vào khu du lịch sinh thái Suối Voi có nhiều bãi tập kết cát, sỏi. Tại khu vực nhà bán vé, một chiếc xe múc đang tiến hành múc cát lên hai xe ben. Phía ngoài nhiều chiếc xe ben khác ra vào liên tục. Cạnh đó có thêm một chiếc xe múc và hai chiếc xe ben đang đậu. Theo người dân, tại đây có tổng cộng bốn chủ luân phiên nhau khai thác cả ngày lẫn đêm.

Ông Huỳnh Tấn S. (thôn Thủy Dương) cho rằng, chính việc khai thác cát sỏi đã làm thay đổi dòng chảy ở phía hạ nguồn của con suối, khiến nhiều đoạn bị sạt lở nghiêm trọng, “ăn” vào nhà dân và mép con đường dẫn vào suối Voi. “Chúng tôi đã nhiều lần ra ngăn cản, rồi phản ánh lên thôn và xã, nhưng việc khai thác vẫn tiếp tục diễn ra”, ông S. bức xúc.

Người dân nghi ngờ có sự mập mờ vì có nhiều bãi tập kết cát xung quang nơi khai thác

Ông Trần Tuất, Trưởng thôn Thủy Dương xác nhận việc khai thác cát sỏi diễn ra đã hơn 1 tháng. Lý do của việc khai thác này là để phục vụ làm đường liên thôn trong xã. Nếu mua cát và sỏi ngoài thị trường thì có giá rất cao nên tận dụng cát sỏi tại hạ nguồn suối Voi chỉ có giá bằng 1/3, giúp giảm chi phí trong đóng góp của người dân để làm đường liên thôn. Việc khai thác này đã được lãnh đạo xã thông qua. Thời gian khai thác khi nào các đường liên thôn làm xong sẽ dừng lại.

Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Lộc Tiến Vương Đình Cẩm thừa nhận, việc cho doanh nghiệp khai thác cát sỏi ở khu vực hạ nguồn suối Voi là sai quy định, vì đây không phải là mỏ cát. Nhưng do trong xã đang tiến hành xây dựng 4km đường liên thôn theo chương trình nông thôn mới. Nhà nước chỉ hỗ trợ xi măng, còn cát sỏi và công thì do người dân đóng. Việc tận dụng nguồn cát này nhằm mục đích giảm chi phí đóng góp cho người dân. Trước khi khai thác, lãnh đạo xã cũng đã xin chủ trương của lãnh đạo huyện và được đồng ý mới cho tiến hành khai thác.

Liệu có sự mập mờ?

Trước việc khai thác cát sỏi trái phép, một số người dân thôn Thủy Dương nghi ngờ có sự mập mờ trong việc khai thác. “Nếu chỉ khai thác để làm đường liên thôn thì làm sao mà các xe ben lại tập kết cát thành các bãi rất lớn. Những loại cát xấu thì họ mới chở ra thi công đường, còn cát nhỏ thì tập kết lại và sau đó chở đi bán. Nếu thôn và xã đồng ý cho doanh nghiệp khai thác thì cũng phải tiến hành họp, thống nhất ý kiến với người dân chúng tôi. Đằng này doanh nghiệp cứ khai thác và thôn, xã  cứ “nhắm mắt làm ngơ” mặc cho người dân phản đối”, ông Lê Văn T. (thôn Thủy Dương) nói.

Trưởng thôn Thủy Dương thông tin, thời hạn kết thúc khai thác cát bằng “hợp đồng” miệng giữa các bên là vào ngày 7/12. Tuy nhiên, đến ngày 9/12, việc khai thác vẫn diễn ra cả ngày lẫn đêm.

Ông Vương Đình Cẩm cho biết thêm, khi cho phép các doanh nghiệp khai thác thì chỉ đồng ý bằng miệng chứ không có các bản cụ thể. Riêng vấn đề kiểm soát việc khai thác và liệu các doanh nghiệp lợi dụng thi công làm đường liên thôn rồi chở đi bán, trục lợi cá nhân? Ông Cẩm cho hay, xã có yêu cầu trưởng thôn Thủy Dương tiến hành giám sát, với 4 km đường sẽ quy ra được khối lượng cát và số lượng xe chở sẽ bao nhiêu, nên rất dễ giám sát.

Ngày 8/12, ông Phan Văn Trọng, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Phú Lộc khẳng định, đầu tháng 12, sau khi nhận phản ánh của người dân thì lãnh đạo huyện và phòng có vào kiểm tra. Xét về nhiều yếu tố, dù việc khai thác nhằm mục đích phát triển kinh tế địa phương song ảnh hưởng đến môi trường, dòng chảy và nguy cơ gây ra sạt lở nên huyện đã đình chỉ việc khai thác. Nếu như phản ánh vào ngày 7/12 vẫn còn tình trạng khai thác như thế là vi phạm quy định.

Ông Vương Đình Cẩm giải thích, các đường liên thôn cơ bản đã hoàn thành, chỉ còn khoảng 200m tại thôn Thuận Lộc nữa. Do đó, xã mới tạo điều kiện khai thác thêm để hoàn thiện số chiều dài còn lại. “Chúng tôi cam kết sẽ dừng khai thác khi tuyến đường hoàn thiện, tuyệt đối sẽ không cho khai thác nữa”, ông Cẩm nói.

Đức Quang – Lê Thọ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Mở cửa cho các “Bảo tàng sống” của Huế - Kỳ 1: Nhà vườn Huế vẫn “kín cổng cao tường”

Huế được mệnh danh là “Thành phố vườn” với gần 100 nhà vườn, nhà rường cổ (gọi chung là nhà vườn Huế). Mỗi ngôi nhà vườn như một “Bảo tàng sống” chứa đựng những giá trị về văn hóa và đời sống lễ nghi, hương vị ẩm thực và phong cách ứng xử của người dân. Phát triển du lịch gắn với trùng tu và chống xuống cấp là giải pháp tối ưu nhằm giữ lại nhà vườn, giữ gìn bản sắc văn hóa và phát huy giá trị di sản Cố đô theo tinh thần Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị.

Mở cửa cho các “Bảo tàng sống” của Huế - Kỳ 1 Nhà vườn Huế vẫn “kín cổng cao tường”
Kiểm soát chặt sản lượng khai thác khoáng sản

Hiện trên địa bàn tỉnh còn có 53 mỏ khai thác khoáng sản đang hoạt động, nhưng có 2 mỏ chưa lắp đặt trạm cân và camera tại vị trí đưa khoáng sản nguyên khai ra khỏi khu vực. Vì vậy, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã yêu cầu 2 chủ mỏ này tạm dừng hoạt động khai thác.

Kiểm soát chặt sản lượng khai thác khoáng sản
Khai thác thị trường du lịch y tế

Nhu cầu du khách nước ngoài đến Việt Nam để kết hợp giữa du lịch nghỉ dưỡng và khám, chữa bệnh rất cao. Với thương hiệu y tế của cả đông - tây y và đặc điểm yên bình của Huế, du lịch Cố đô có thể đầu tư khai thác thị trường tiềm năng này.

Khai thác thị trường du lịch y tế
Return to top