Các chuyên gia thông tin đến người dân về tình hình thiên tai trong thời gian qua
Chương trình này do Viện Nghiên cứu và Phát triển tỉnh phối hợp với Đại học Huế tổ chức. UVTV Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Huế Phan Thiên Định cùng đông đảo sinh viên, người quan tâm đến tham gia.
LA-NINA trở lại sớm hơn
“Mọi sự biến động của thiên tai do nhiệt gây ra. Sự chênh lệch, gia tăng về nhiệt kéo theo nhiều biến động khác. Hiện tượng nóng lên toàn cầu tạo nên nhiều hiện tượng cực đoan khác”, TS. Nguyễn Ngọc Huy mở đầu phần giới thiệu về những thông tin biến đổi khí hậu tại chương trình.
Theo ông Huy, nhiệt độ tăng khiến nước biển dâng cao, số lượng siêu bão xuất hiện nhiều, mưa kéo dài, hạn hán cực đoan. Nếu con người không có sự chuẩn bị về lâu dài từ quy hoạch đến phát triển, nâng cao kỹ năng ứng phó sẽ có nhiều bất lợi.
“Năm nay, sự trở lại của hiện tượng LA-NINA khiến mưa xuất hiện nhiều.Nếu như thông thường 7 năm mới có 1 đợt LA-NINA, bây giờ chu kỳ chỉ còn 4 năm”, ông Huy nói.
Từ những nghiên cứu của mình, ông Huy cho rằng, tháng 5/2020 đã có dấu hiệu của LA-NINA. Trong khi đó hiện nay, hạ tầng của Việt Nam nói chung và Thừa Thiên Huế vẫn chưa hoàn thiện, đối mặt với LA-NINA sẽ gặp nhiều khó khăn.
“Lượng mưa trung bình nhiều năm của Thừa Thiên Huế từ 2.700-2.900mm. Song, chỉ trong tháng 10 năm nay, một số nơi lượng mưa lên đến hơn 3.500mm. Thừa Thiên Huế đã điều tiết, vận hành hồ chứa hợp lý nếu không, thêm một lượng mưa lớn cùng thời điểm đổ về sẽ rất nguy hiểm. Cơ sở hạ tầng ở Việt Nam chỉ có thể chịu đựng được 3 ngày mưa liên tục, còn nếu kéo dài sẽ rất nguy hiểm, chúng ta phải tránh”, ông Huy chia sẻ.
Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh - Phan Thanh Hùng cũng thông tin về tình hình mưa lũ trên địa bàn tỉnh thời gian qua. Ông Hùng cho biết, Thừa Thiên Huế thiệt hại khoảng 2.243 tỉ đồng trong những đợt lũ vừa qua, chủ yếu về cơ sở hạ tầng. Tuy mưa lớn nhưng việc điều tiết vận hành hồ chứa đã đảm bảo an toàn. “Phát điện là nhiệm vụ cuối cùng của các hồ chứa thủy điện. Chức năng của hồ chứa còn cấp nước cho mùa hạn và điều tiết lũ. Tại Thừa Thiên Huế, thời gian truyền lũ từ hồ chứa xuống hạ lưu chỉ 1,5 giờ. Do vậy việc vận hành, điều tiết, đảm bảo an toàn rất quan trọng”, ông Hùng thông tin.
Sạt lở tại Thủy điện Rào Trăng 3 (xã Phong Xuân, huyện Phong Điền) là thảm nạn đau lòng trong năm 2020 tại Thừa Thiền Thiên Huế
Cần thích ứng với thời tiết cực đoan
Ứng phó thiên tai như thế nào, cách thích ứng với thời tiết cực đoan ra sao... là vấn đề được nhiều người quan tâm tại buổi trò chuyện.
Nhiều người đã đặt câu hỏi về tính chính thống của thông tin được dự báo; người dân dựa vào đâu để có những thông tin về dự báo thời tiết chính xác nhất; nguyên nhân, giải pháp của tình hình sạt lở bờ biển; việc hoàn thiện hệ thống quan trắc, đo gió, đo sóng; các mô hình cảnh báo thiên tai…
Chuyên gia Lana Nguyễn, người khá nổi tiếng về việc dự báo thiên tai trên mạng xã hội facebook cho rằng, thông tin dự báo thiên tai chính thống đều được các cơ quan khí tượng thủy văn trung ương đến địa phương chuyển tải đến người dân. Mạng xã hội là kênh hữu hiệu, nhanh nhất để chuyển tải những thông tin cần thiết đến người dân. “Những thông tin về dự báo, cảnh báo thiên chúng tôi chuyển tải trên facebook đều có sự cân nhắc và nghiên cứu kỹ lưỡng, mục đích cuối cùng là vì sự an toàn của người dân. Chúng ta có thể chia sẻ thông tin miễn không trái pháp luật, không trục lợi từ thông tin. Người dân có thể tham khảo thêm nhiều nguồn thông tin và chịu trách nhiệm với sự lựa chọn của mình, tùy thuộc người tham gia mạng xã hội…”, bà Lana Nguyễn chia sẻ.
Liên quan đến vấn đề chia sẻ thông tin cảnh báo trên mạng xã hội facebook, ông Nguyễn Ngọc Huy khẳng định: “Đây là nguồn tham khảo, chứ không phải là nguồn chính thức”.
“Để ra công điện, bản tin cảnh báo thiên thai, chúng tôi phải phân tích thông tin từ các nguồn tin chính thống. Các thông tin phi chính thống trên mạng xã hội chỉ mang tính tham khảo. Người ký quyết định bản tin cảnh báo thiên tai phải chịu trách nhiệm vói thông tin của mình đến với người dân”, ông Phan Thanh Hùng nói thêm về nguồn tin cảnh báo thiên tai.
Theo ông Hùng, trước việc thiên tai diễn biến khó lường trong khi hệ thống, mạng lưới quan trắc vẫn chưa hoàn thiện thì người dân cần dành thời gian cho các bản tin cảnh báo thiên tai. Việc tuyên truyền trong trường học, cộng đồng cần được đẩy mạnh hơn.
“Thiên tai đang gây ra nhiều thiệt hại, đặc biệt là tình hình sạt lở. Nhiều giải pháp công trình và phi công trình được đưa ra nhưng người dân cần chủ động để không bị bất ngờ”, ông Hùng nhấn mạnh.
Trong tiến trình đô thị hóa hiện nay, nhiều công trình đã tác động vào tự nhiên. Việc lũ lụt xảy ra liên tục khiến chúng ta cần nhìn nhận lại quá trình xây dựng. “Quá trình đô thị hóa khiến quá trình thoát nước chậm hơn cho nên phải kiểm soát lũ thượng nguồn chậm xuống. Quản lý ngập lụt phải nhìn từ hệ thống các con sông. Khi quy hoạch các đô thị phải cân bằng giữa đào và đắp”, ông Nguyễn Ngọc Huy phân tích.
Tại buổi trò chuyện, các chuyên gia đều cho rằng, hiện trên thế giới và ngay tại Việt Nam có nhiều mô hình cảnh báo thiên tai bao gồm cả dài hạn lẫn ngắn hạn. Việc đánh giá mô hình nào tối ưu hơn là điều rất khó bởi nó gắn liền với mỗi hoàn cảnh, khu vực. Và với mỗi người dân, cần có sự chủ động trong việc phòng tránh thiên tai.
Bài, ảnh: L.Thọ