ClockThứ Hai, 19/12/2022 21:14

Chọn loài và vùng trồng dược liệu theo hướng sản phẩm hàng hóa chủ lực

TTH.VN - Trồng cây dược liệu gì, ở đâu, diện tích bao nhiêu và những loài nào để có khả năng tạo ra sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP, sản phẩm cung ứng cho thị trường quy mô lớn...là những vấn đề được đặt ra tại hội thảo "Quy hoạch phân vùng nguyên liệu dược liệu trên địa bàn tỉnh" do Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Viện Công nghệ sinh học, Đại học Huế và Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn quản lý tài nguyên tổ chức chiều 19/12.

Để cây dược liệu phát triển xứng tầmVườn rau, dược liệu trong nhàHướng đến trung tâm dược liệu Bắc Trung bộ

Sâm bố chính, loài dược liệu mới được du nhập về  A Lưới 

Tiềm năng dược liệu lớn

Theo kết quả nghiên cứu của Viện Công nghệ sinh học, Đại học Huế, Thừa Thiên Huế có hơn 1.600 loài, chiếm hơn 30% tổng số loài cây thuốc của cả nước. Các loài cây dược liệu thường được tìm thấy ở các khu vực, như: Bạch Mã, A Lưới, Phong Điền...

Thực tế, việc trồng và khai thác dược liệu trên địa bàn tỉnh vẫn còn tự phát, quy mô nhỏ, chưa có định hướng nên dẫn đến sản lượng và hiệu quả kinh tế còn thấp. Bên cạnh đó, nguồn dược liệu tự nhiên của tỉnh đang có xu hướng cạn kiệt, cây dược liệu nuôi trồng phát triển một cách tự phát mất cân đối. Đặc biệt, những cây thuốc vừa quý về giá trị sử dụng, vừa quý về giá trị nguồn gen do hiếm gặp hoặc là loài đặc hữu đang bị khai thác tận diệt. Mâu thuẫn giữa cung và cầu, bảo tồn và khai thác sử dụng nguồn tài nguyên quý khiến một số loài tuy chưa bị sức ép bởi khai thác sử dụng, nhưng môi trường sống đang bị đe dọa, nên nguy cơ rủi ro cũng rất cao.

Quy hoạch phân vùng và phát triển dược liệu hợp lý sẽ giúp doanh nghiệp chủ động nguồn nguyên liệu và đầu ra sản phẩm

Việc sản xuất manh mún trong các hộ nông dân nhỏ lẻ luôn đi kèm với các rủi ro cao; đồng thời dược liệu được trồng chưa được cung cấp giống có chất lượng tốt, kỹ thuật trồng và chăm sóc chủ yếu theo kinh nghiệm, việc sử dụng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nguồn nước tưới... còn tùy tiện. Do đó, việc khai thác, bảo vệ và phát triển tài nguyên sinh vật nói chung và nguồn cây dược liệu nói riêng đang là vấn đề cấp bách được đặt lên hàng đầu.

TS. Hồ Thắng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ chỉ ra vấn đề cốt lõi là cần nghiên cứu, tìm ra giải pháp sinh thái thích nghi và nhu cầu thị trường. Tức là phải xác định được trồng cây dược liệu gì ở vùng nào với quy mô diện tích bao nhiêu và phải có khả năng tạo ra sản phẩm hàng hóa chủ lực để cung cấp thị trường quy mô lớn hơn.

Trao đổi về vấn đề trên, TS. Ngô Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn quản lý tài nguyên cũng cho rằng, quy hoạch vùng dược liệu phải dựa trên 3 nhân tố: sinh thái thích nghi, nhu cầu thị trường, quy hoạch địa phương. Cụ thể địa phương cần định hướng, lựa chọn trồng loài dược liệu tiềm năng, thích hợp. Doanh nghiệp cần có tiêu chí để lựa chọn loài dược liệu cho sản xuất và kinh doanh. Về phía Trung tâm cũng đã nghiên cứu và đề xuất 25 loài cây dược liệu thích nghi trồng trên địa bàn và có khả năng thương mại cao.

Một số loài dược liệu quý hiếm đang được các cơ sở nghiên cứu nhân giống để cung ứng thị trường

Nâng tầm giá trị sản phẩm dược liệu

Giai đoạn từ năm 2020 đến nay, tỉnh triển khai thực hiện 13 nhiệm vụ KHCN về dược liệu. Các nhiệm vụ KHCN tập trung nghiên cứu, lựa chọn các loài dược liệu tiềm năng để phát triển, tạo nguồn nguyên liệu làm thuốc; nghiên cứu giải pháp quy hoạch và phát triển tài nguyên dược liệu; nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện các quy trình nhân giống, sản xuất giống; trồng, chăm sóc, thu hoạch và chế biến; xây dựng các mô hình trồng cây dược liệu. Bên cạnh đó, các nhiệm vụ KHCN chú trọng xây dựng các quy trình kỹ thuật trồng trọt theo hướng an toàn sinh học (GACP, VietGap...) nhằm tạo nguồn nguyên liệu có chất lượng.

Ngoài nghiên cứu phục vụ cho việc phát triển vùng nguyên liệu dược liệu, các nhiệm vụ KHCN còn tập trung nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sơ chế, chế biến sản phẩm dược liệu, thực phẩm chức năng như các công nghệ thu tinh dầu, tách chiết sản xuất viên nang, cao chiết... Một số sản phẩm hướng đến thương mại hóa như: viên nang xuyên tâm liên, cao xuyên tâm liên, trà gừng đen, trà lan kim tuyến túi lọc, các sản phẩm từ atiso đỏ như nước giải khát, mức sấy dẻo, trà túi lọc, siro...

Ứng dụng khoa học công nghệ để nhân giống, sản xuất giống dược liệu 

PGS.TS. Trương Thị Hồng Hải, Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học, Đại học Huế nhấn mạnh, để phát huy giá trị và phát triển vùng dược liệu hiệu quả, bên cạnh ứng dụng các tiến bộ, kết quả nghiên cứu KHCN, nhà quản lý, nhà nghiên cứu cần truyền cảm hứng và giúp người dân trồng, sản xuất ra dược liệu có trách nhiệm trong việc tiêu thụ. Có nghĩa người dân cần chủ động kết nối với doanh nghiệp mà không nên trông chờ bao tiêu sản phẩm.

Trên cơ sở trao đổi, chia sẻ của các nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp để phát triển ngành dược liệu của tỉnh, các ngành, các cấp cũng cần tiếp tục đặt ra nhiệm vụ trọng tâm là tăng cường đầu tư nhiều hơn cho việc nghiên cứu ứng dụng và hiện đại hóa y học cổ truyền về nghiên cứu khoa học, đào tạo cán bộ, chẩn đoán, điều trị, sản xuất thuốc và nguyên liệu làm thuốc.

Chú trọng phát triển các vùng trồng dược liệu quy mô lớn trên cơ sở khai thác các vùng có lợi thế về điều kiện tự nhiên, thích hợp với sinh trưởng và phát triển của cây dược liệu. Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến để chọn, tạo ra các loại dược liệu có năng suất, chất lượng cao nhằm đáp ứng yêu cầu sản xuất thuốc dược liệu, từng bước phát triển ngành dược liệu theo hướng hiện đại, tạo ra nhiều sản phẩm có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.

Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đưa đông y vào sản phẩm du lịch

Đưa đông y nói chung và y thuật cung đình nói riêng vào khai thác du lịch được xem là một trong những loại hình, sản phẩm du lịch đặc sắc. Huế có nhiều lợi thế lĩnh vực này, song việc khai thác các tiềm năng và thế mạnh của đông y vào du lịch chăm sóc sức khỏe (CSSK) vẫn chưa phát huy hết các giá trị.

Đưa đông y vào sản phẩm du lịch
Xây dựng ý thức sử dụng sản phẩm có bản quyền

Tạo dựng thói quen sử dụng của người tiêu dùng với các sản phẩm, dịch vụ có bản quyền đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn tình trạng mua bán hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ - một vấn nạn đang gây thiệt hại không nhỏ đối với nền kinh tế Việt Nam hiện nay. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần chú trọng thực hiện các biện pháp thanh tra, kiểm tra và xử lý các đối tượng vi phạm trong lĩnh vực này.

Xây dựng ý thức sử dụng sản phẩm có bản quyền
Thúc đẩy liên kết phát triển dược liệu bền vững

Đó là chủ đề tại hội thảo khoa học do Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức vào ngày 22/11, với sự tham gia của các sở, ban, ngành liên quan, nhà khoa học, doanh nghiệp, chính quyền địa phương để cùng nhau bàn luận các giải pháp, tháo gỡ vướng mắc trong phát triển dược liệu, nhất là vấn đề liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm từ dược liệu.

Thúc đẩy liên kết phát triển dược liệu bền vững

TIN MỚI

Return to top