Trung tâm Giám sát điều hành đô thị thông minh IOC - “Trái tim” của Đô thị thông minh Huế
Tạo nền tảng vững chắc
Là một trong những địa phương sớm ban hành Chương trình CĐS và triển khai mạnh mẽ, Thừa Thiên Huế đã phê duyệt Chương trình CĐS tỉnh đến 2025, định hướng đến 2030, xác định tầm nhìn đến 2030 tỉnh sẽ hoàn thiện mô hình Chính quyền số, xã hội số. Đô thị thông minh trở thành mô hình phổ biến trong điều hành, vận hành hệ thống quản lý Nhà nước và xã hội; kinh tế số trở thành phương thức cốt lõi nhằm thúc đẩy phát triển KT-XH.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ cho rằng, CĐS đang mở ra nhiều cơ hội, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức đối với mỗi quốc gia, tổ chức và cá nhân. Thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đã chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy mạnh CĐS. CĐS để xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số và xã hội số, phục vụ tốt hơn các nhu cầu của doanh nghiệp (DN), người dân là mục tiêu mà tỉnh đề ra.
Đến nay, Trung tâm Điều hành UBND tỉnh, Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh vận hành có hiệu quả; cơ sở hạ tầng thông tin bước đầu được đầu tư hiện đại; nhiều hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành được triển khai; việc gửi, nhận văn bản điện tử được liên thông cả 4 cấp hành chính; trên 75% dịch vụ công được cung cấp trực tuyến mức độ 3, 4; hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến được triển khai từ cấp tỉnh đến cấp xã. CNTT trên địa bàn tỉnh có bước phát triển, số lượng DN đăng ký thuộc lĩnh vực này tăng dần qua từng năm, lực lượng lao động trong các DN thuộc lĩnh vực CNTT được đào tạo bài bản, đủ năng lực đáp ứng nhu cầu xã hội.
Liên tục các năm, Thừa Thiên Huế luôn nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước về chỉ số cải cách hành chính và chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT - truyền thông.
Theo ông Nguyễn Xuân Sơn, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT), để tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng CNTT, định hướng phát triển cho những năm tiếp theo, ngày 12/11/2021, Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 12 về “Chuyển đổi số tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” gồm các mục tiêu chung về CĐS; phát triển Chính quyền số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động; phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và phát triển xã hội số, thu hẹp khoảng cách số.
Đến năm 2025, hoàn thành việc CĐS trong các cơ quan Nhà nước, tạo nền tảng để vận hành chính quyền số, xây dựng các dịch vụ cơ bản hình thành xã hội số và bước đầu đưa nền kinh tế số trở thành một trong các nguồn thu ngân sách ổn định và phát triển bền vững. CĐS trở thành phương thức đột phá để thực hiện thành công Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.
Tổng đài 19001075 tại IOC trả lời phản ánh, thắc mắc của người dân
Nhiều dấu ấn
Nhằm cụ thể hóa các mục tiêu đề ra, thời gian qua, Thừa Thiên Huế đẩy mạnh ứng dụng CNTT ở tất cả các ngành, lĩnh vực. Nhiều ứng dụng công nghệ mới, thông minh đã được triển khai thành công. Thừa Thiên Huế tích cực triển khai Chính quyền điện tử, Thành phố thông minh. Đến nay, Hue-S là ứng dụng duy nhất trên nền tảng di động, được tích hợp toàn diện. Ứng dụng được kết nối đồng bộ với Cổng thông tin dịch vụ đô thị thông minh (ĐTTM).
Phó Giám đốc Sở TT&TT Nguyễn Dương Anh chia sẻ: Mọi phản ánh của người dân khi được đăng tải lên ứng dụng Hue-S đều sẽ được UBND tỉnh trực tiếp đôn đốc và xử lý dứt điểm. Nhờ đó, lãnh đạo UBND tỉnh và người dân theo dõi được quá trình tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh của cơ quan chức năng. Với những hiệu quả thực tế, Hue-S đã được Ban tổ chức Giải thưởng viễn thông châu Á năm 2019 (Telecom Asia Awards 2019) vinh danh với hạng mục giải pháp thành phố thông minh sáng tạo châu Á và đoạt giải thưởng chuyển đổi số Việt Nam năm 2019 ở hạng mục cơ quan Nhà nước CĐS xuất sắc.
Sau hơn 3 năm đi vào hoạt động, Trung tâm Giám sát, điều hành ĐTTM (IOC) Thừa Thiên Huế đã được vận hành hiệu quả. Thông qua IOC, tỉnh đã triển khai nhiều dịch vụ ĐTTM trên các lĩnh vực: giáo dục, y tế, giao thông thông minh, phản ánh hiện trường, phòng, chống dịch bệnh, ứng cứu khẩn cấp, môi trường, nhóm giải pháp camera giám sát đô thị, thông tin cảnh báo, giám sát thông tin báo chí địa phương…
“IOC cũng đã tạo ra một phương thức xử lý vấn đề xã hội mới. Trong đó, việc tiếp cận thông tin từ người dân nhanh hơn, nội dung xử lý vấn đề đi trực tiếp đến cơ quan, đơn vị, địa phương một cách chính xác hơn và đã khắc phục quy trình phức tạp của hành chính cũ trong xử lý vấn đề, có thể đánh giá là đã rút ngắn được 60-70% so với quy trình truyền thống”, Giám đốc Sở TT&TT cho hay.
Với những kết quả đã đạt được về CĐS, tại Hội thảo Công bố kết quả đánh giá mức độ CĐS cấp bộ, cấp tỉnh năm 2020 của Bộ TT&TT vào tháng 10/2021 vừa qua, Thừa Thiên Huế được xếp ở vị trí thứ hai về CĐS cấp tỉnh ở cả 3 trụ cột Chính quyền số, Kinh tế số và Xã hội số. Trước đó, Năm 2020, Thừa Thiên Huế đứng thứ 2 về chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT. Mới đây, HueCIT được vinh danh tại hạng mục “Cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp CĐS xuất sắc” tại Lễ trao giải thưởng CĐS Việt Nam 2021 với sản phẩm Hue-mOffice…
Trong tiến trình CĐS, tỉnh luôn nhận được sự quan tâm, đồng hành, hỗ trợ của các cơ quan, DN. Gần đây nhất, UBND tỉnh và Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) ký kết biên bản ghi nhớ về triển khai CĐS toàn diện; ký kết hợp tác với Tập đoàn VNPT về CNTT và viễn thông giai đoạn 2021-2025. Những ký kết này sẽ thúc đẩy việc hợp tác chặt chẽ với các tập đoàn và mở ra cho tỉnh nhiều cơ hội mới trước khát vọng xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, với đặc trưng văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh.
“Những nỗ lực đẩy mạnh CĐS vào mọi mặt đời sống KT-XH không chỉ tạo nên sức hấp dẫn cho các nhà đầu tư đến với tỉnh mà còn tác động tích cực, lan tỏa đến mỗi người dân nhờ thấy được những lợi ích cụ thể mang lại”, ông Nguyễn Xuân Sơn bày tỏ.
Bài, ảnh: Liên Minh